Thông tin cảnh báo về chất lượng an toàn thực phẩm

Cẩn trọng gà nhuộm hóa chất độc hại trên thị trường

Ngày 30/1, Thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã phát hiện bà Bùi Thị Huệ (P. Xuân Thanh) vì dùng thuốc nhuộm vải để "nhuộm" gà sau khi giết mổ.

“Nhuộm” gà bằng hóa chất nhuộm vải

Theo tin tức từ báo Tuổi Trẻ, ngày 30/1, UBND thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cho biết vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Bùi Thị Huệ (P. Xuân Thanh) vì dùng thuốc nhuộm vải để "nhuộm" gà sau khi giết mổ. 

Cụ thể, thị xã Long Khánh đã phạt bà Huệ 24 triệu đồng về hai hành vi giết mổ gia cầm không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm.

Theo cơ quan chức năng, sau khi đội kiểm tra liên ngành thị xã kiểm tra điểm giết mổ gia cầm của bà Huệ đã phát hiện cơ sở này dùng hóa chất pha với nước có màu vàng để nhúng gà cho hợp “gu” người tiêu dùng.

để phân biệt đâu là gà vàng tự nhiên và đâu là gà vàng do nhiễm chất vàng ô thì không thể dùng mắt thường

Để phân biệt đâu là gà vàng tự nhiên và đâu là gà vàng do nhiễm chất vàng ô thì không thể dùng mắt thường. Ảnh minh họa

Qua lấy mẫu xét nghiệm, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 xác định chất nhuộm gà màu vàng là thuốc nhuộm thường dùng trong ngành dệt may.

Chất độc nhuộm gà vàng óng đẹp

Mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Sau khi nhận được đơn tố giác, Thanh tra Bộ, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với Cục Cảnh sát Môi trường tiến hành thanh tra đột xuất và lấy mẫu kiểm tra, phát hiện thêm một chất mới trong thức ăn chăn nuôi là chất vàng ô (VAT Yellow). Người nuôi sử dụng chất vàng ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giải thích thêm rằng: Chất vàng ô được sử dụng phổ biến trong công nghiệp dệt, nhuộm, giấy, xây dựng và không được dùng trong thực phẩm vì có khả năng gây ung thư ở người.

Trước thông tin này, người tiêu dùng rất lo lắng: Liệu có phải cứ gà màu vàng là bị nhiễm chất cấm vàng ô? Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định: “Không phải cứ gà màu vàng là bị nhiễm chất vàng ô”.

Ông Vân cho biết thêm: chất vàng ô là chất cấm trong chăn nuôi và việc sử dụng chất này là “vi phạm nghiêm trọng”. Các cơ quan chức năng mới phát hiện việc sử dụng chất này ở diện rất hẹp và đa số dùng cho gà công nghiệp, cả gà lông trắng và lông màu.

Phát hiện ô mai mơ chua ngọt Hồng Lam không đạt chỉ tiêu chất lượng công bố

Cơ quan chức năng kiểm nghiệm và phát hiện sản phẩm ô mai mơ chua ngọt Hồng Lam không đạt chỉ tiêu chất lượng công bố.

Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, thực hiện Kế hoạch số 1066/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 30/11/2015 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và Mùa Lễ hội Xuân năm 2016, Cục An toàn thực phẩm chủ trì đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.

Đoàn đã lấy 14 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, kết quả có 11 mẫu đạt, 3 mẫu không đạt chất lượng theo quy định. 

Ô mai mơ chua ngọt Hồng Lam không đạt chỉ tiêu chất lượng công bố

Ô mai mơ chua ngọt Hồng Lam không đạt chỉ tiêu chất lượng công bố. Đây là một sản phẩm ô mai mơ của cơ sở Hồng Lam. Ảnh: ST

Theo Cục An toàn Thực phẩm, 3 Mẫu không đạt chất lượng gồm:

1. Kim Chi cải thảo cắt lát, NSX: 02/01/2016, HSD 01/4/2016, sản phẩm của Công ty cổ phần CJ Foods Việt Nam, Lô III/21 đường 19/5A, KCN Tân Bình, phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh. Mẫu được lấy tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận, địa chỉ Tổ 5 đường Lê Thánh Tông, P. Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Không đạt về chỉ tiêu Coliforms (1,3×102    CFU/g).

2. Ô mai mơ cam thảo, NSX: 05/12/2015, HSD 05/12/2016, sản phẩm của Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát, số 07/70 tổ 2, Thạch Cầu, Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội. Mẫu lấy tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận, địa chỉ Tổ 5 đường Lê Thánh Tông, P. Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; không đạt về chỉ tiêu Cyclamate (Natri Cyclamate 1595 mg/kg).

3. Ô mai mơ chua ngọt, NSX: 17/11/2015; HSD: 17/11/2017, sản phẩm của Công ty cổ phần Hồng Lam, địa chỉ KCN Quang Minh, Chi Đông, Mê Linh, Hà Nội. Mẫu được lấy tại Công ty TNHH thương mại Quốc tế và dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long- Chi nhánh Espace Big C the Garden Mall, địa chỉ tầng hầm thứ I, TTTM the Garden, đường Mễ Trì, xã Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; không đạt về chỉ tiêu: Saccarin công bố: ≤ 200mg/kg, KQKN: 1336 mg/kg; hàm lượng Cyclamate công bố ≤ 1000mg/kg, KQKN:8310 mg/kg.

Với các mẫu thực phẩm không đạt chất lượng, Cục An toàn thực phẩm đã thông báo cho cơ sở sản xuất, kinh doanh để tạm dừng lưu thông lô sản phẩm vi phạm, xử lý cơ sở chịu trách nhiệm về sản phẩm theo quy định; đồng thời giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm nơi quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này trên địa bàn để giám sát và xử lý cơ sở vi phạm theo quy định.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, kể cả những ngày nghỉ Tết, Cục vẫn chỉ đạo Thanh tra Cục và các lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực, đôn đốc các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công bố công khai cơ sở vi phạm theo quy định, công bố kịp thời các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết nhằm lựa chọn thực phẩm an toàn.

Giật mình con số gần 1/3 thịt gia súc ở TPHCM có chất cấm

Con số đáng báo động về lượng lớn chất cấm trong chăn nuối tồn dư trong thịt gia súc ở TPHCM gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.

Theo những tin tức mới nhất từ VTV, con số 30% thịt gia súc ở TP. HCM có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi vượt mức cho phép là kết quả trong cuộc tổng kiểm tra mới nhất của cơ quan Thú y về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, cửa ngõ ra vào thành phố. Sau khi lấy mẫu thịt và kiểm tra nhanh, cơ quan chức năng đã phát hiện có 18/59 lô thịt gia súc có chất cấm.

Con số gần 1/3 thịt gia súc ở TPHCM có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi lớn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại

Con số gần 1/3 thịt gia súc ở TP. HCM có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi lớn khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại. Ảnh minh họa

Đây là con số rất đáng báo động, vì những lần kiểm tra trước con số này chỉ dừng lại từ 10 – 15%. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt kiểm tra này ở mức gần 9.400 ppb, tức gấp trên 4.700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2 ppb trở lên là dương tính). Trong số 15 chủ hàng có heo nhiễm chất cấm lần này có tới 13 người tái phạm nhiều lần.

Lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi tồn dư trong thịt gia súc được phát hiện ở TP. HCM đang gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng, đặc biệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Song hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN-PTNT, nhận định: “Với mức phạt cũng như hình thức phạt bổ sung hiện nay không đủ sức răn đe đối với người vi phạm cho nên đến nay cơ quan chức năng kiểm tra vẫn phát hiện nhiều lô heo cho kết quả dương tính với chất cấm salbutamol”.

Ông Dũng cho rằng: “Hiện nay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được áp dụng xử phạt theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 9.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Mức xử phạt cho hành vi này chỉ từ 5 – 10 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ và 10 – 20 triệu đồng với chăn nuôi trang trại, không đủ sức răn đe.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm tìm chất cấm trong chăn nuôi trong heo

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm tìm chất cấm trong chăn nuôi trong heo. Ảnh Thanh Niên

Trong khi đó, với việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trong vòng 5 – 30 ngày, trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 – 1 triệu đồng. Lượng heo phổ biến bị phát hiện từ 100 – 300 heo/đàn, thu lợi bất chính từ 100 – 300 triệu đồng. Cho nên hành vi giết người này phải truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe”.

Trước tình trạng thực phẩm không an toàn ngày càng khó kiểm soát như vậy, UBND TP. HCM vừa chỉ đạo tăng cường gắt gao công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ trong dịp Tết. Các cơ quan, ban ngành phải tăng cường bố trí lực lượng, thường xuyên thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, cửa ngõ ra vào TP. HCM, xử lý nghiêm các vi phạm. Kết quả thực hiện thanh kiểm tra của các sở ngành phải được báo cáo hàng ngày.

(Tổng hợp từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học & Công nghệ )

CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Tel/ Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
EMG