Nỗi niềm nhà cổ xứ cù lao

Cù lao Năng Gù – xã Bình Thủy, huyện Châu Phú – là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên ở tỉnh An Giang. Làng cổ nầy nổi tiếng với ngôi đình làng hàng trăm tuổi, lễ hội Kỳ Yên quy mô lớn hàng đầu tỉnh, hội thi đua thuyền độc đáo, nơi xuất thân nhiều tiến sĩ và thạc sĩ… Ngoài ra, ngày nay cù lao còn được nhiều người biết đến bởi là nơi có hàng chục ngôi nhà cổ tuổi đời trên dưới một thế kỷ.

Dấu xưa giữa làng quê bình dị 

 Hiện nay, xã Bình Thủy có khoảng 30 ngôi nhà cổ lớn nhỏ, được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Các ngôi nhà cổ có hai loại là nhà gỗ và nhà tường, quy mô và giá trị nghệ thuật khác nhau. 

 

Hồ phủ đường (ảnh: Vĩnh Thông)

Ngôi nhà xưa nhất cù lao là “Hồ phủ đường” (ấp Bình Quý) được xây cất từ năm 1890, hiện nay do bà Hồ Thị Như Hoa trông coi. Đây là ngôi nhà sàn gỗ, ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương. Vật liệu xây dựng nên ngôi nhà và các vật dụng trang trí trong nhà đều làm từ gỗ quý, điêu khắc tinh xảo, mang giá trị nghệ thuật cao. Gian chính được trang trí các hoành phi và liễn đối, các tủ thờ cẩn xà cừ lấp lánh, các vòm cửa cũng được chạm trổ đẹp mắt.

 Những ngôi nhà tường có niên đại ra đời trễ hơn, tất cả đều có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Pháp và nét Á Đông, đặc biệt là phong cách cổ truyền Nam bộ. Ngôi nhà cổ của ông Trần Ngọc Lâm Quang và nhà của ông Phan Hòa Long (ấp Bình Quý) xây dựng vào đầu thập niên 1930, nhà của ông Trần Kim Chung (ấp Bình Thiện) xây dựng năm 1928, nhà ông Trần Phúc Hảo (ấp Bình Thiện) xây dựng năm 1931…

Nhà ông Trần Phúc Hảo (ảnh: Vĩnh Thông)

Nhà ông Trần Kim Chung (ảnh: Vĩnh Thông)

Đa số các ngôi nhà trên có kiến trúc gần giống nhau, ba gian hai chái, nóc bánh ít, cột tròn làm từ gỗ quý, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, nhà thấp nhưng thoáng mát. Ngoại thất là sự tổng hòa những chi tiết nghệ thuật Đông Tây như cửa vòm, hoa lá, tranh tường… Nội thất được trang trí bằng các bao lam chạm khắc trang nhã, nhiều hoành phi và liễn đối. Trong những ngôi nhà nầy lưu giữ nhiều cổ vật như bộ trường kỷ, lư đồng, ly chén sành sứ, tủ thờ cẩn xà cừ… có giá trị cao.

 Cách thờ phượng trong những ngôi nhà cổ ở cù lao Năng Gù chủ yếu theo nguyên tắc “thượng Phật hạ linh” (nhà họ Hồ) hoặc “tiền Phật hậu linh” (nhà họ Trần), ngoài ra thờ tổ tiên gồm cả hai bàn thờ bên trái và bên phải tượng trưng cho họ nội và họ ngoại.

 Mai này có còn nhà cổ?

 Là một cù lao được khai phá sớm, một ngôi làng cổ với nhiều dấu xưa, dĩ nhiên có hàng chục kiến trúc cổ tồn tại trên dãy đất không rộng lớn này cũng là điều không quá ngạc nhiên. Vẻ đẹp của các ngôi nhà khiến ai lần đầu đến đây cũng không khỏi trầm trồ, điều đó càng làm tăng thêm vẻ đẹp của cù lao Năng Gù.

 Song, nhiều là vậy, đẹp là vậy, nhưng đáng buồn là thực trạng nhà cổ ở xã Bình Thủy ngày nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Chủ nhân không đủ điều kiện tu bổ, hoặc nếu có tu bổ cũng không giữ được nét đẹp nguyên thủy của ngôi nhà. Chính quyền địa phương cũng không có những đề xuất, biện pháp thích hợp để tạo điều kiện hỗ trợ người dân trong việc bảo tồn nhà cổ.

 Đa số các nhà cổ trên cù lao Năng Gù trước kia đều lợp ngói âm dương, nhưng sau gần một thế kỷ đã xuống cấp, nhiều gia đình phải thay bằng ngói móc, làm giảm đi phần nào giá trị của ngôi nhà. Mặt tiền một số ngôi nhà bị nắng mưa làm phai màu, chủ nhân cho sơn lại tùy tiện, không tuân thủ màu sắc nguyên thủy khiến ngôi nhà trở nên lòe lọe, sặc sỡ. Các cổ vật trong nhà, có lúc chủ nhân gặp khó khăn phải bán đi, có lúc bị trộm, nên hiện nay còn lại không nhiều.

Ngôi nhà của bà Hồ Thị Như Hoa – nhà cổ nhất và cũng là nhà gỗ đẹp nhất cù lao, hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, một mảng ngói trên bờ nóc bị mất phải "vá" bằng tấm thiếc, một số kèo không còn đủ khả năng chịu lực phải cặp thêm bằng gỗ mới để đảm bảo an toàn… Thậm chí đáng buồn hơn, gia đình có ý định phá bỏ ngôi nhà này trong thời gian tới để xây nhà mới, vì hiện nay tình trạng ngôi nhà rất khó tu bổ và phải tốn chi phí cao.

 Những ngôi nhà cổ trên cù lao Năng Gù là những di sản văn hóa vật thể có giá trị cao, tuy nhiên hiện nay chúng đang ở tình trạng báo động. Trong khi đó, địa phương có thể học tập mô hình ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP.Long Xuyên, An Giang) cũng là nơi có nhiều ngôi nhà cổ. Nông dân ở đây đã linh hoạt khai thác loại hình dịch vụ du lịch homestay, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đạt được hiệu quả tốt.

 Nếu không sớm có những giải quyết kịp thời, liệu rồi mai này trên cù lao Năng Gù – làng cổ Bình Thủy có còn những ngôi nhà cổ, di sản văn hóa mang đậm dấu ấn xưa?

VĨNH THÔNG
(đã đăng tạp chí Văn hóa lịch sử An Giang)

Thông tin cá nhân
– Sinh ngày: 31.7.1996.
– Quê quán: Bình Thủy, Châu Phú, An Giang.
– Email: [email protected] 
– Blog: vinhthongts.blogspot.com
– Facebook: facebook.com/vinhthongpage

 Quá trình sáng tác:
– Sáng tác và được đăng báo từ 14 tuổi (2010).
– Các tác phẩm văn thơ và sưu khảo được đăng thường xuyên trên nhiều báo và tạp chí trong cả nước, như: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Xưa & nay, Nghiên cứu tôn giáo, Thế giới di sản, Giác ngộ, Hồn Việt, Kiến thức ngày nay, Giáo dục & thời đại, Tài hoa trẻ, Thế giới trong ta, Tiền phong, Tuổi trẻ, Non Nước, Thất Sơn, Chiêu Anh Các, văn nghệ các tỉnh thành…
– In chung nhiều tuyển tập văn thơ.

 Đã xuất bản:
– Và quá khứ thấy ta (thơ, 2012)
– Trạng thái yêu (thơ, 2015)
– An Giang núi rộng sông dài (du khảo, 2014)
– Trở về và chào nhau (truyện ngắn, 2015) 

 Giải thưởng:
– Giải IV thơ Cuộc thi sáng tác Văn học trẻ Tạp chí Xứ Thanh 2011.
– Giải KK Cuộc thi thơ Đất Đứng 2014.
– Giải III Cuộc thi truyện ngắn 10 năm TP.Cần Thơ 2014.
– Giải II Cuộc thi viết Yêu không hối tiếc 2014.
– Giải I truyện ngắn và II thơ Cuộc thi văn chương Thủ Khoa Nghĩa 2015.

Xem thêm: Đi Kéo Ghế ll Bộ sưu tập: Lều – Chỏng ll Cô Gái Đánh Cọp Trong Ngày Lễ Mở Chợ Bến Thành

Speak Your Mind

*

CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Tel/ Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
EMG