Một người Úc gốc Việt nói về “triết lý trong nghệ thuật bonsai”

AgriMark trích đăng bài viết của tác giả Nguyễn Thế Phong (Victoria), một người Úc gốc Việt cảm nhận về “triết lý trong nghệ thuật bonsai”. Đây là cảm nhận riêng của tác giả xuất phát từ tình yêu bonsai, cũng đáng trân trọng lắm. Mời các bạn theo dõi

Kính thưa quý vị độc giả,

Kể từ khi tôi được đài SBS radio phỏng vấn về việc Cộng Đồng Victoria  khuyến khích mọi người, đặc biệt là các bác cao niên chơi và trồng cây cảnh trong chậu gọi là bonsai cho đến nay đã có nhiều thính giả và đồng bào muốn có phó bản của phần nói chuện của tôi về khía cạnh triết lý của việc chơi và trồng cây kiểng Bonsai.

Rất tiếc thay vì tôi được phỏng vấn bằng miệng nên không có viết xuống. Hơn thế nữa, những suy nghĩ đó chỉ là những cái nhìn nông cạn và thô thiển của riêng tôi về Bonsai nên tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc viết xuống. Hiện nay đã có vô vàn cuốn sách viết về Bonsai và triết lý của nó nên tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng vì có nhiều lời yêu cầu nên tôi xin mạn phép ghi lại một vài suy nghĩ thô sơ của riêng tôi hầu đáp lại tấm thịnh tình mà quý vị thính giả đã dành cho tôi. Rất mong quý vị lượng thứ cho nếu việc trình bày của tôi có điều chi thất lễ.

Cây cối là một phần tử không thể thiếu trong sự tồn vong của con người và nhân loại. Cây tượng trưng cho “Địa” trong tương quan của Thiên-Nhân-Địa. Thực vật vừa đóng vai trò chủ động trong việc nuôi sống con người vừa đóng vai trò thụ động vì phải lệ thuộc vào sự trồng cấy, tưới nước, chăm sóc và bảo tồn của con người để tồn tại. Nói tóm lại, con người không có thực vật cũng chết mà cây cối do con người trồng hay bảo quản nếu không có sự bảo vệ và chăm sóc của họ cũng sẽ chết.

Tôi thấy gì trong việc trồng cây cảnh Bonsai? Cây Bonsai nhắc nhở cho tôi nhiều thứ: sự mỏng giòn và lệ thuộc của con người vào môi trường và người khác (mutuality/ inter-dependency), khả năng và bản năng sinh tồn (the survival instinct) mạnh mẽ của con người và sinh thực vật có gắng sống trong mọi hoàn cảnh và môi trường (cây mọc trên đá, hốc núi, ven biển v.v…), khả năng ứng phó và tiếp ứng thích hợp với hoàn cảnh (the adaptability), những cảm xúc (tham, sân, si, hỹ, nộ, ái, ố, thành công, thất bại) của cuộc đời thể hiện qua việc trồng cây, nuôi cây, mua cây, bán cây, chọn cây v.v…, cơ hội rèn luyện tính tình (kiên nhẩn, bền chí) (perseverance and patience) của người chơi cây.

Có những loại cây Bonsai nhắc nhở cho tôi đến thân phận và giai đoạn của một đời người: sinh-lão-bệnh-tử như cây Phong (Maple) chẳng hạn, và kể cả cái nhìn đặc thù của người chơi Bonsai đi ngược lại với trào lưu bình thường của xã hội hiện nay như: càng già, càng mập, càng lùn, thì càng đẹp!!!!! Thật là ngược đời. Nhưng phải chăng đó cũng là những định luật tự nhiên của thiên nhiên mà con người luôn tình cách trốn chạy, cưỡng lại hay giả vờ không biết?

Sự sáng tạo cá tánh và cái nhìn về vẻ đẹp của người chơi Bonsai trong việc tạo hình dáng cho cây cũng phản ảnh các tánh và nhân sinh quan của họ (beauty is in the eyes of the beholder). Nhiều cây Bonsai trở thành những người bạn tri kỷ, một người tình, hoặc thậm chí, một người “vợ” hoặc”chồng” lý tưởng (vì không bao giờ biết cãi lại) của người chơi cây.

Sự thinh lặng và vai trò của nó trong việc truyền đạt tư tưởng (communication) trong thinh lặng (non-verbal) của cây cối, thiên nhiên và trời đất qua sự hiện hữu của cây từ cành, hoa, lá cho đến thế đứng đòi hỏi một sự thinh lặng và chú ý trong thinh lặng của người xem. Bonsai còn giúp cho con người luyện Thiền (Zen) mà theo tôi hiểu có nghĩa là Hòa (hài hoà, nên một). Giúp chúng ta cảm được Zen và hy vọng tìm thấy được Zen trong cuộc đời của mình.

   Bạn có bao giờ nghe người nào nói “tôi đang nhìn đá mọc”chưa? Tôi đoán bạn sẽ nói chỉ có đá mòn chứ làm gì có đá mọc bao giờ!! Thưa bạn đúng, nhưng mòn còn có thể được nhìn theo hiện tượng tự nhiên của trời đất là tiến hoá (tới và biến chuyễn chứ không thụt 1ùi) mà đã là vậy thì là grow (mọc) chứ không phải là wither (héo, tàn hay lụi).  Có hai bình diện để chúng ta nhìn một sự kiện hay vật thể: bề ngoài và nội tâm/nội tại. Bên ngoài có thể bị xem là lão hoá, thụt lùi, thoái hoá nhưng bên trong lại là sự khôn ngoan chồng chất, trưởng thành và kinh nghiệm ngày càng nhiếu càng lớn và càng thâm sâu, thông hiểu được đạo Trời, đạo Nhân và vai trò của con người trong quan hệ Tam Tài: Thiên-Nhân-Địa, như thế là mọc rồi! nhưng mọc bên trong và vào bên trong!!! Trong nghệ thuật chơi Bonsai, bạn sẽ phải dùng đá và hiểu đá, cũng như phải biết đặt đá ở đâu như thế nào cho đúng và phù hợp với cây.

   Như một triết gia thực thụ, nếu bạn đã đạt đến trình độ sắc-sắc, không-không và không còn vướng bận gì nữa thì bạn phải có khả năng kiểm soát hay diệt được cái “tham, sân , si, hỷ, nộ, ái, ố, dục” của bạn đối với chính những cây bonsai yêu quý của bạn nữa. Bạn không còn bị lệ thuộc vào chúng nữa mà bạn sẽ chuyển sang chơi bonsai để phục vụ mọi người, cho công việc chung, cho chia sẻ, cho thăng tiến nhân loại và cộng đồng. Nếu cần là bạn sẽ cống hiến, hy sinh nó cho những mục tiêu cao cả một cách không luyến tiếc. Bạn sẽ tạo cây và trồng cây cho một mục đích chung nào đó như cho chùa, đền thờ hoặc nhà thờ gây quỹ chẳng hạn và không còn cho chính mình hoặc một cá nhân nào khác nữa, từ cá nhân vị kỷ đi đến cộng đồng và nhân loại chơi chung và hưởng chung. Niềm vui và hạnh phúc riêng tư trở thành niềm vui lớn hơn. Nghệ thuật được san sẻ cho mọi người cùng hưởng.

Cây của bạn và bạn đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ này (sanh, lão, bệnh, tử)? Con người và nhân sinh quan của bạn đang ở giai đoạn nào của cây hoặc đá? Bạn chơi vì vẻ đẹp, vì sự quý hiếm hay có giá của cây hay chơi để nghiệm được bài học của cuộc đời qua thiên nhiên?

Nói tóm lại Bonsai có thể là:

– một thế giới của thinh lặng và trầm tư, nơi đó mộng ước và nỗi lòng của một con người có thể diễn đạt một cách tự do, không có sự ngăn cản.

– một sự đối kháng với thực tại của cuộc sống và trào lưu của xã hội (già, mập, lùn)

– một thế giới của sự quân bằng hay mơ ước cho một sự quân bằng nào đó thể hiện qua việc uốn và tỉa cây.

– một nhánh cây, tự nó có thể không có ý nghĩa, vẻ đẹp hay vai trò quan trọng nào cả, nhưng đối với cả một cây hay một chậu cây hay một rừng cây, nó có thể là tất cả!!! Không có cái cành khẳng khiu hay nhỏ bé đó, nó có thể làm cho cả cây hay rừng cây Bonsai mất quân bình và mất đẹp, thậm chí cò có thể mất hết giá trị (vai trò của cá nhân và đoàn thể, xã hội)

– một Ying and Yang (Âm và Dương) của cuộc đời, qua đó ta nhận ra sự việc và vai trò của sự việc. Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm, nếu không sẽ không có gì hay một ai có thể tồn tại được. Đó là định luật của Tạo Hoá, Trời Đất và Vạn Vật. Chơi Bonsai sẽ giúp ta khám phá ra lẽ quân bình và luật bất biến của vũ trụ. Nó giúp ta thấy được trong cái không trong cái có 1à cái có trong cái không.

– một câu trả lời về thực trạng khi ta mất hay một cây bonsai quý hiếm của mình bị chết đi (là cái không có/không còn đến từ trong cái có) ta học được bài học gì? Tích cực hay tiêu cực (positive hay negative)? Điều này còn tùy thuộc vào trình độ và cơ cảm của chúng ta về ý nghĩa của cuộc đời và sự vật. Bonsai hay bất cứ ai hoặc cái gì khác trong cõi đời ngắn ngủi nhưng đầy trái ngang và mâu thuẫn này. Ta cho là mâu thuẫn nếu ta không hiểu được giá trị, vai trò và ý nghĩa của nó.

Chúc bạn thành công trong cuộc đời và thành công trong việc hiểu sứ mệnh, vai trò và cuộc đời của mình qua việc chơi cây.

Xem thêm: Nghệ thuật điêu khắc trên võ trứng ll Kỳ công thú chơi cây cổ ll Nghệ Thuật Chơi Cây Cảnh

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG