Cái “Hồn”, cái “Thần” của cây cảnh

Khi bàn luận về Bonsai nói riêng và cây cảnh nói chung, người ta hay nhắc đến cụm từ “cây có hồn”, “cây có thần (thái), đại ý nói rằng cây có nét đẹp sống động, tinh tế…Để hiểu hơn về “cái hồn”, “cái thần” của cây, tác giả Vũ Hưng có 1 bài viết trên Diễn Đàn Cây Cảnh,được đăng trên Bonsai Ninh Bình,  tôi đưa lên đây làm tài liệu lưu trữ.

Mời các bạn tham khảo:

“Nhờ Bonsai, tôi khám phá ra được cái thần của cây” (nguyên văn: ” Through Bonsai, I discovered the spirit of trees
Xin mở đầu bằng lời nói của cụ Luigi Crespi (hình dưới, cụ tóc trắng):
Nhờ Bonsai, tôi ” khám phá” ra được cái thần của những cây (tôi ngắm)

Hồn Cây ở đâu?

Danh từ “hồn ” mình (ở bài này mình là chỉ bác Vũ Hưng ) dùng ở đây chỉ có ý nghĩa: cái xác (vật thể) có sự sống. Với quan niệm bình thường thì chúng ta vẫn bảo “người sống là có hồn đi kèm. Người chết là hồn lìa khỏi xác”. Còn thì những sinh vật khác (kể cả cây cối) không có “hồn” kiểu như con người (?).
Chuyện đúng sai thì tùy quan niệm (tôn giáo, triết lý sống của mỗi bạn. Mình không hề có ý lạm bàn. Mình chỉ muốn xem: Hồn là biểu hiện của sự sống, thế thôi.
Thành thử, mình vẫn giữ ý niệm: cái cây nó sống, vậy nó có hồn rồi!
Nhưng mà, nột người bình thường vốn đang có hồn đi kèm. Nếu chẳng may người đó “bị bệnh tương tư”. Trông thì cũng ăn cũng ngủ nhưng ngủ chẳng yên giấc, ăn chẳng biết ngon, đặt đâu ngồi đó, thiếu hẳn nét sinh động. Thế là chúng ta hay bảo: “như người mất hồn”. Tức là thân xác thì ở đó mà hồn ở tận đâu đâu. Còn giả như, tệ hơn nữa, người đó bị bệnh phải nằm trên giường nhà thương và mê man chả biết gì (vì thuốc men). Vậy có phải là hồn đã chân trong chân ngoài thân xác. Coi như con người trên giường kia chả còn 100% thuộc về cuộc sống bình thường.

(ảnh: tại vườn AgriMark)

Tóm lại : theo mình, “hồn” (ở đây) là biểu hiện cho “có sự sống” (dĩ nhiên phải là sống khỏe mạnh như một người bình thường, chứ mà bệnh hoạn kiểu nào thì cũng “chả còn hồn”).
Ví dụ với những cây nhỏ như thế này nhưng chỉ cần nó biểu lộ sự tươi vui. (Bạn đừng quên rằng cây chỉ tươi vui khi khỏe mạnh) Thì mình lập tức thấy nó có hồn.
Chứ còn cái kiểu mà uốn vặn cho lắm (thì đặc sắc thật đấy), nhưng chắc gì đã có hồn (nếu như cây nó đang rên xiết quằn quại trong chậu ?)

(ảnh: tại vườn AgriMark)

Vậy cây có hồn và nét đẹp nghệ thuật của cây có gì xung khắc không? Đó là quan niệm của cá nhân mình. Cũng chả phải vô duyên vô cớ mà có bậc Thánh Nhân đã bảo “Nếu không có “tâm hồn trẻ thơ ” thì chả vào được Thiên Đường!” Thành ra chắc hẳn đám trẻ con và người lớn dưới đây có cách ngắm nhìn cây khác nhau nhiều lắm. Thành ra chắc hẳn đám trẻ con và người lớn dưới đây có cách ngắm nhìn cây khác nhau nhiều lắm.

Dù là ai ngắm, thì việc đầu tiên là cái cây “phải sống tươi vui trong cái chậu nhỏ xíu cái đã”. Chứ còn, bạn có “đặt ra mục đích, tiêu chí” gì chăng nữa cho “tác phẩm bonsai tương lai” của bạn:“…Tác phẩm anh tạo ra cần có tiêu chí và chủ đề. Cây không có chủ đề thì như người không tên. Gọi chung là đồng loại bác ạ. Mà người xem ngắm cây:
– Lúc nó còn đang “quằn quại” dưới “gông cùm ” của dây quấn
– Lá xụi lơ hay lơ thơ vì cắt tỉa…
Vậy thì khó mà nói được là nó có hồn. Ví như cái cây tí tẹo này mà không có mấy cái đọt chồi ở ngọn cành thì cái kiểu “hoa tàn gục đầu” ắt là cho chúng ta cái cảm giác: hồn sắp lìa xác cây?
Tóm lại,cây chỉ có hồn khi nó tươi vui  khỏe mạnh, chồi đang nhú, ngọn đang ngỏng lên, lá đang xanh mướt, hoa đang nở rộ.

(ảnh: tại vườn AgriMark)

Nếu từng đọc qua một số bài viết về Bonsai của người Âu Mỹ, hoặc ngay cả những người Nhật Bản, bạn sẽ chả thấy họ đề cập gì đến “hồn cây” như chuyện chúng ta đang nói ở đây.
Thế tại sao chả thấy người Tây phương, hoặc Nhật Bản, nói chuyện “hồn cây” ?

Lý do đơn giản : Bonsai là một tác phẩm sống
Cho nên thay vì nói chuyện: có hồn hay không có hồn. Thì họ chỉ nói: cây sống. Còn chuyện cây chết, cây bệnh hoạn (hồn đã chân trong chân ngoài) thì đương nhiên là chả nói tới làm gì.
Thế nhưng, cách nói của người phương Tây nó thực tế hơn chúng ta nghĩ một chút. Họ “khen” cái cây “bonsai có “hồn” bằng một cụm từ nhưng hàm 2 ý.
“She looks happy in the tiny pot!” ( hoặc ngắn gọn: She looks happy!)
Điều đó có nghĩa khẳng định rằng: cái cây (đang sống) tươi vui trong cái chậu con con.
Hai ý của câu văn trên là :
a. cái cây sống (sống khỏe mạnh)
b. tươi vui = cái cây nó thích sống trong cái chậu như vậy!
Mà nếu chỉ khen như vậy cho cái cây trồng trong chậu thì cốt lõi chỉ là “khen người trồng mát tay” (greenthumb) chứ chả đề cập gì chuyện mỹ thuật cả.

(ảnh: tại vườn AgriMark)

Thần Cây

Mặc dù cùng thuộc khía cạnh tâm linh, nhưng riêng trong Bonsai, mình quan niệm một chút khác biệt giữa “hồn ” và “thần”.
Trong khi : “hồn” là biểu hiện của ” một vật đang sống” (động lẫn thực vật),“thần” không đòi hỏi phải có điều kiện “đang sống” đi kèm. Thế nhưng, trong khi: “hồn” không đòi phải có chuyện “tác động” tới “cảm xúc, hoạt động” của con người, “thần” chỉ được nói tới “khi xuất hiện khí lực” ảnh hưởng tới người ta.
Nói khác đi:
– “hồn” là phần tâm linh của vật thể sống. “Hồn“có trong vật thể, có nghĩa vật thế ấy đang sống.
– “thần” là phần tâm linh của một vật thể (có thể sống, có thể không sống), Và “thần” chỉ có khi có sự tác động đến cảm xúc, hoạt động, suy nghĩ của con người.
Vậy thì:
a. Một cái cây tươi vui trong chậu : nó có hồn là chắc rồi (sống tươi vui), nhưng có thể nó chả có thần. Bởi vì nếu bạn nhìn thấy cái cây tươi vui ấy mà lòng dạ bạn dửng dưng, coi nó thường tình như cây cỏ khác: cây này nó chả tác động gì tới bạn. Nghĩa là nó chưa có thần (dù đã có hồn).
b. Một viên đá: đó là vật thể không có sự sống. Thế nhưng ngắm nó: bạn thấy ra cả một rặng núi đồ sộ, bạn có cảm giác như đang quanh quẩn đâu dó giữa đám mây mù quanh rặng núi đó. Vậy là viên đá đã có “thần lực” tác động đến cảm nghĩ của bạn. Bạn có thể nói: viên đá này không hồn nhưng không có thần

(ảnh: tại vườn AgriMark)

Mỹ Thuật Bonsai trong tinh thần Nhị Nguyên

Thực sự thì tiểu mục này “hơi quá sức” mình. Dẫu vậy, mình cũng lấy chút can đảm còn sót để ráng bàn chuyện với các bạn.

Mà tinh thần nhị nguyên là gì?
Rất đơn giản: có khoảng cách giữa người xem và vật được ngắm. Tức là lúc nào đầu óc cũng xem xét sự vật, con người hay sự việc dưới bất kỳ góc nhìn nào.
Thí dụ như vầy chắc dễ hiểu: Bạn ngồi uống cà-phê ngoài quán, một cháu nhỏ đi ngang qua bạn, cháu đội một cái nón xanh, chân đi giày xanh. Nhìn thấy cháu, đầu óc bạn phán đoán ngay :” đứa nhỏ này trông thông minh, lanh lợi, chân tay trắng trẻo sạch sẽ, nón xanh giầy xanh, chắc là nó thích màu xanh…”.
Như vậy, bạn đã quan sát rồi phân tích, rồi rút ra kết luận nào đó.
Trên đường về, bạn lại gặp một em khác, cũng đội nón xanh. Bạn cũng quan sát, cũng kết luận điều gì đó. Thế nhưng thường thì bạn sẽ chậc lưỡi và tự bảo “con nít thời nay nó thích đội nón xanh nhỉ ?”.
Mặc dù mới chỉ gặp 2 cháu bé cùng đội nón xanh, chúng ta đã dễ đưa ra kết luận: “hôm nay đứa bé nào cũng đội nón xanh”. Cũng may là cháu thứ 2 nó không đi giày xanh. Chứ nếu có thì ắt bạn sẽ bảo “Thời nay con nít đứa nào cũng thích nón xanh, giày xanh!”.
Đấy là bạn đã tổng hợp từ 2 nguồn chi tiết. Mà 2 là nhiều rồi?
Vậy là nó phải đúng chứ nhỉ?
(Nhà lý luận học thì bảo: bạn quy nạp không chỉnh!)

Kể chuyện ra như vậy thì ắt nhiều bạn bĩu môi bảo mình nói chuyện tầm phào. Ấy vậy chứ “cái chuyện nhận định tầm phào ấy” nó xảy ra liên tục trong đời sống chúng ta. Đời sống nhị nguyên: quan sát, đánh giá, phân tích, tổng hợp rút kết luận để tiên liệu những thứ sắp tới có cùng “kiểu nguyên nhân”. Ấy là đời sống nhị nguyên nó phải như thế. Chúng ta đi học suốt từ bé đến lớn ở thời buổi khoảng 100 năm nay đều là dựa trên căn bản đó: căn bản khoa học.
Với căn bản khoa học, đời sống nhị nguyên thiết kế, phân định mọi thứ theo cung bậc. Hoặc có thể nói: có ni có tấc rõ ràng. Những chuyện không lý luận được, không biểu hiện được là coi như không có. Thế nên Mỹ thuật cũng chỉ là những chuyện: được quy định sẵn.
Đấy chính là những điều các bạn thấy Andu Rutledge đã phân tích. Nếu các bạn làm ra một bonsai và cứ theo những phân tích của Andy để rồi tạo ra một sản phẩm thì chắc là nó sẽ có mức Mỹ thuật cao. Bởi đó sẽ là một sản phẩm mà chả ai thấy chuyện gì “ngứa mắt” hoặc “sai quấy”?
Có thể đó cũng chính là “mục tiêu Mỹ thuật” trong tương lai vài chục hay trăm năm nữa. Phải chăng là lúc con người sống trong lồng kính, mỗi người có “số căn cước “xâm” trên trán, đời sống chỉ còn là ăn, ngủ, và làm việc. Mỹ thuật chỉ còn là những khối mảng trước mắt? Không còn chỗ cho “tình cảm”, “cảm tính” hiện diện?
Với mình, cứ cái đà của “sinh hoạt con người được công thức hóa” như hiện nay thì tương lai như kể trên cũng chả xa xôi gì!

Đấy có lẽ là lý do mình hay dùng chữ “đóng khung” cho những lý luận về Mỹ thuật Bonsai. Sự đóng khung đó đưa đến nét đẹp theo số đo có lẽ cũng chả xa.

Dù sao thì Mỹ thuật, dù có thay đổi quan niệm, nhưng với tinh thần nhị nguyên chúng ta vẫn thấy nét Mỹ thuật ở một bonsai theo những số đo nào đó. Chứ còn chuyện hồn chuyện thần vốn là điều không lý giải được thì chắc là không thể có mặt trong tinh thần nhị nguyên rồi. Vậy thì tìm kiếm làm gì?
Sự thể chắc cũng không đến độ tệ hại sớm như vậy?
Lý do là đến nay, người ta đã có ít chuyển biến trong nhận thức giữa con người và vũ trụ.
Bởi vậy nhiều người hô hào: trở về nhất nguyên.
Đừng phân cách người xem và cái cây nữa. Hãy sống và cảm nhận cái đẹp của cây bằng cách kề cận và quan sát nó. Từ đó, tâm hồn mình sẽ ….
Các bạn thấy, rõ là chuyện chẳng thể lý luận được, chả biết diễn tả thế nào.
Thế nên: đời sống nhất nguyên là gì?
Chịu ! chả biết nói sao.

(HH tổng hợp, trong bài dùng hình ảnh minh họa của vườn thực nghiệm AgriMark)

Xem thêm: Một người Úc gốc Việt nói về “triết lý trong nghệ thuật bonsai”  ll  Chân dung Michael Trần – Nghệ nhân Bonsai người Đức Gốc Việt

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG