Kinh nghiệm về chọn chậu cho Bonsai

Chậu trồng làm tôn vinh vẻ đẹp của một tác phẩm bonsai đồng thời thể hiện đẳng cấp của "nghề chơi", bởi vì chậu càng mỏng thì việc chăm sóc càng "công phu" so với chậu sâu, rộng rải. AgriMark sưu tầm những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm của các nghệ nhân khi bàn về việc chọn chậu cho Bonsai. Mời các bạn tham khảo:

Những nguyên tắc cơ bản: 

– Dựa vào mầu men:: Men chậu coi như mầu nền để làm nổi bật màu của hoa, quả đối vói cây chơi hoa, quả là chính, hoặc mầu lá đối với cây chơi lá là chính. Không dùng chậu có mầu men có mầu của hoa hay quả.

– Đối với hoa trắng vàng:  Dùng chậu tím, nâu 

– Đối với hoa đỏ, tím: dùng chậu men trắng, xanh ngọc, đông thanh. Đối với da màu của lá cũng tương tự như vậy.

–  Dựa vào độ cao của thân cây: Cây thấp thì dùng chậu cao, nhất là cây dáng huyền. Cây cao thì dùng chậu thấp . Xu hướng chung đối với cây cảnh nghệ thuật là dùng ang hay bể mong với lượng đất tối thiểu đủ duy trì sự sống của cây. Hạn chế dần các chậu quá sâu vừa nạng nề vừa không đẹp. Để thực hiện việc trồng cây trên ang hay bể mỏng trước tiên cần trồng cây trong chậu sâu để cho bộ rễ tôm phát triển phong phú. Sau mỗi lần thay đất ta lại lạng bỏ bớt đất ở phần đáy vầng để đưa ra chậu nông hơn, làm một vài lần như vậy, khi bộ rễ tôm đã phong phú và dàn trải đều trên một mặt phẳng mỏng thì ta có thể trồng trên chậu mỏng đúng yêu cầu .

Cần chú ý không để các đầu rễ to cao hơn thành chậu vì sau khi đất trôi đi đầu rẽ sẽ trơ ra và rễ bi bỏ rễ . Trồng trên chậu mỏng rất đẹp nhưng phải thay đất hàng năm, đất trồng cần trộn đủ các chất dinh dưỡng  để cho cây sinh trưởng, ra hoa kết quả, qua cây cảnh nước ngoài ta thấy  cây có bộ gốc rễ rất to nhưng lại được trồng trên bể mỏng rất ít đất trồng, vậy mà hoa vẫn nở rực rỡ trông thật hấp dẫn.

Nơi đặt chậu cảnh

Nơi đặt chậu cảnh cần đặc biệt chú ý đến điều kiện ánh sáng, thông gió, không khi trong lành và cần chú ý đến sương đêm nếu có.

Ánh sáng lá yêu cầu tất yếu để cây tiến hành quang hợp. Tuỳ loài cây khác nhau mà yêu cầu ánh sáng khác nhau, cây trong chậu cần có tối thiểu 5 giờ chiếu sáng trở lên, tốt nhất là ánh sáng ban mai ôn hoà , tránh ánh sáng gay gắt vào buổi trưa, mỗi tuần cây thay đổi phương hướng che bóng.

Ngoài ánh sáng ra cần có thông gió tốt, quan tâm đến thay đổi nhiệt độ các mùa, giữ cây cần ánh sáng cả ngày và nửa ngày. Nhiệt độ giới hạn sinh lý của cây sẽ làm giảm tác dụng quang hợp, ảnh hưởng khả năng hút thức ăn của rễ, lá cây có thể bị khô héo. nếu ánh sáng không đầy đủ để dẫn đến cây sẽ mọc vóng vượt, sức sống yếu.

Nói chung, giá để cây cao khoảng trên dưới 60cm thì dễ chăm sóc, quản lý cũng thuận tiện cho việc quan sát, thưởng thức; không nên trực tiếp đặt trên mặt đất để tránh kiến, giun qua lỗ chậu chui lên và tránh rễ cây chui qua lỗ chậu xuống đất làm cho cơ năng của rễ giảm sút, tán cây sẽ mọc lộn xộn; cũng không nên đặt trực tiếp lên mái nhà xi măng trong mùa hè, cây sinh trưởng yếu.

Kinh nghiệm của nghệ nhân về mối liên quan giữa kiểu chậu và dáng cây

Đối với kiểu chậu cổ điển, tức là những chậu tròn, vuông, chữ nhật, ovan.. làm từ đất nung và có kiểu dáng đơn giản thì người ta đã quy định rất rõ ràng dáng cây nào trồng trong chậu nào. Cụ thể như sau.

Chậu rất cao

Những chậu rất cao và thuôn nhỏ gợi cho ta hình ảnh của một triền núi dốc đứng. Nó phù hợp với những cây đổ (huyền). Hình dưới đây là một cây của chú Thắng “đổ”. Tuy chậu này hơi cách điệu một chút, có nhiều họa tiết trên chậu nhưng mình thích lấy làm ví dụ bởi nó mang một nét gì đó rất Việt Nam, mộc mạc mà tinh tế.

Chậu hơi vót

Những chậu hơi vót như dưới đây gợi lên hình ảnh một triền núi dốc thoai thoải. Kiểu chậu này phù hợp với những cây bán huyền, cây dáng bay, cây văn nhân.

Chậu mỏng

Những cây dáng xiêu và cây dáng trực được trồng trong chậu mỏng và bề mặt chậu rộng. Loại chậu này gợi lên hình ảnh của một vùng đồng bằng rộng rãi. Cây trồng trong chậu mỏng sẽ cho cảm giác rất vững chãi và bình yên.

Mối liên quan giữa đường nét của cây và kiểu chậu

“Tính chất” của cây là một vấn đề hơi mới và khó định nghĩa. Mình chỉ nói đơn giản là thế này:
Nam tính (dương tính): là cây có dáng chắc khỏe, lùn mập, có đường cong gập mạnh, có nhiều u bướu.. Những cây như thế phù hợp với chậu có góc cạnh thẳng băng không chút bờ cong nào.

Nữ tính (âm tính): là những cây có dáng uyển chuyển lả lướt. Những cây như thế phù hợp với chậu có nhiều đường cong.

Tuy nhiên, thông thường một cây có cả nét uyển chuyển và nét mạnh mẽ, tùy theo cảm nhận và kinh nghiệm người chơi mà chọn được chậu phù hợp.

Chất liệu của chậu

Chậu đất nung: hạt đất hơi chảy và dính chặt với nhau (đa phần do silica và mica trong đất)nhưng vẫn còn những lỗ nhỏ. Do đó, chậu đất nung có khả năng thấm nước và thoát hơi nước cao. Ngược lại, chậu dễ vỡ. Đây là loại chậu tốt nhất cho sức khỏe của cây, tuy nhiên dùng một thời gian những lỗ nhỏ của chậu sẽ bám cặn bẩn hòa tan trong nước làm giảm tính mỹ thuật.

Chậu gốm: hạt đất chảy và mức liên kết cao hơn nên chậu gốm cứng chắc như đá. Tuy nhiên, những khoảng không khí nhỏ giữa các hạt đất vẫn còn , do đó chậu gốm vẫn còn khả năng thấm nước, tuy rất ít. Đây là loại chậu hay được người chơi cây chọn bởi độ thoáng hợp lý và tương đối bền.

Chậu sứ: với nhiệt độ cao hơn 1450 độ C, toàn bộ chất liệu làm chậu “chảy ra” và hòa với nhau thành một thể đồng nhất. Chậu sứ không còn khả năng thấm nước vì không còn những lỗ nhỏ trong đó. Chúng ta có thể coi như chậu sứ là một chậu tương tự thủy tinh. Thông thường người chơi cây không chọn loại chậu này vì không “mát cây”.

Chậu xi măng: Đây là loại chậu “công nghệ cao”, rẻ bền đẹp! Hầu như ai cũng có thể tự làm một chậu xi măng cốt thép cho riêng mình. Mặc dù những người chơi cây chuyên nghiệp vẫn ưa thích chậu gốm truyền thống hơn, nhưng đây là một chọn lựa phù hợp với điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay.

Ảnh Minh họa về dáng cây và chậu trồng

Quy tắc về kích thước của chậu so với cây

Những quy tắc này chỉ mang tính tương đối, không bắt buộc, nhưng nó có giá trị tham khảo để bạn có thể dựa vào đó mà làm cho tác phẩm thuận mắt hơn.

  • Đối với cây lùn lực, tán lá rộng thì đường kính chậu = 2/3 bề rộng tán lá. Tán lá nên trùm ra ngoài chậu ở cả 4 phía.
  • Đối với chậu mỏng dẹt bao gồm cả chậu chữ nhật, chậu tròn, chậu ovan thì bề dày chậu bằng đường kính thân cây.
  • Đối với chậu tròn thì đường kính chậu nên bằng 1/3 chiều cao của cây.

Tuy nhiên, thử tưởng tượng bề dày chậu khác đi, bạn sẽ thấy: –hình 1. h=d , cho chúng ta thấy một tác phẩm ổn định, tuy không đặc sắc gì ở phần gốc, thân và chậu nhưng rõ nó “rất chuẩn mực”. –hình 2. h>d , dễ đưa tới một hình tượng nặng nề cho tác phẩm. Chậu dày hơn đường kính gốc khiến người xem nghĩ cái cây này đang phát triển mạnh với một khối rễ lớn, cây chưa già. –hình 3. và hình 4. h<d gợi cho người thưởng lãm 3 ý niệm cùng một lúc:

  • Tác phẩm trông rất nhẹ nhàng
  • Rễ ít ỏi chứng tỏ cây sống chậm = cây quá già.
  • Rễ xòe rộng trên mặt đất = cây già và đế rễ rất vững.

Kết luận: Những quy tắc nêu trên chỉ là xem chơi chứ không nhất định phải thế.

Các loại chậu phi truyền thống

Chậu bonsai truyền thống của người Tàu và người Nhật là chậu đất nung với thiết kế hình học đơn giản như chậu chữ nhật, vuông, lục giác.. Ngày nay công nghệ phát triển, có một số loại chậu mới ra đời.
Chậu thiết kế riêng cho cây là những chậu được làm riêng phù hợp với đặc tính của riêng mình cây đó mà thôi. Chậu có thể làm bằng đất nung hoặc bằng xi măng. Nếu làm bằng xi măng thì ta ghép nhiều mảnh lưới thép vào nhau rồi quét nước xi măng lên. Ngày nay nhiều người thích loại chậu này bởi nhìn nó rất ấn tượng, và hầu như chẳng đụng hàng. Nhưng những người đứng tuổi thường không thích loại chậu này bởi họ nói “vẻ đẹp của chậu lấn át vẻ đẹp của cây”.

Chậu gỗ, chậu nhựa, rổ nhựa là những loại chậu dùng để trồng cây đang nuôi. Chúng có ưu điểm là dễ đục lỗ thoát nước và rẻ. Đặc biệt rổ nhựa là một cải tiến rất hay trong kỹ thuật trồng cây cảnh, bởi đất trồng trong rổ nhựa rất thoáng khí và dễ thoát nước.
Chậu đá thường phù hợp với cây ký đá lớn hoặc tiểu cảnh. Ngày nay Việt Nam chưa cấm khai thác đá tự nhiên nên loại chậu này cũng khá là sẵn. Nhưng mai mốt chả cấm thì cũng không còn núi đâu mà khai thác, cho nên tương lai loại chậu này sẽ hiếm.
Có liên quan: bàn về việc trồng cây trong rổ nhựa.

Vị trí giữa cây và chậu

Đối với chậu hình chữ nhật nên tránh 4 đường phân đôi chậu, đồng thời đặt cây hơi lệch về phía ngược với “hướng chuyển động” của tác phẩm để cho cây có không gian đi hết tầm chuyển động của nó. (diễn tả hơi tối nghĩa, nhưng bạn nhìn hình sẽ hiểu thôi)

Đối với chậu tròn, vuông, lục giác, bát giác thì đôi khi bạn thấy cây đặt ở chính giữa chậu có vẻ đẹp hơn đặt lệch. Tuy nhiên khi đặt như vậy mặt đất 2 bên có vẻ bằng nhau quá, kém hay. Bạn có thể giải quyết vấn đề bằng cách đặt một hòn sỏi, một vài cọng cỏ.. ở một bên để chia nhỏ đất ra, phá thế cân bằng.

Cách đặt chậu khi triển lãm

Những lời khuyên dưới đây không phải là bắt buộc. Bạn tin hay không thì tùy, đừng nói mình nhiều chuyện nhen.
1. Những chậu tròn thường được làm có 3 chân. Khi đem trưng bày bạn lưu ý không nên đặt chậu ở phía chỉ nhìn thấy có 1 chân, nhìn nó không được vững vàng.

2. Những chậu lục giác lùn nên đặt một cạnh của lục giác làm chính diện, ngược lại chậu lục giác cao nên đặt sống của chậu làm chính diện.

Xem thêm: Thế Giới Chậu Trồng ĐỘC – LẠ II Kỹ thuật quấn kẻm và kinh nghiệm chọn thời điểm cho từng chủng loại bonsai

Speak Your Mind

*

CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
ĐC: 76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Điện Thoại: 08 66.828.898; Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
Khi đăng lại bài rất mong các bạn dẫn nguồn  tới trang agrimark.org để giúp chúng tôi phát triển.
Xin chân thành cảm ơn!
EMG