Nuôi cây,phóng bút

Một bài dí dỏm trên diễn đàn Cờ Tướng của tác giả có nick name Lão Khoai, AgriMark chia sẻ cùng các bạn trong lúc nông nhàn vậy:

Chúng ta và người Tàu có lối chơi kiểng uốn nắn thành hình con rồng, con phụng, con hạc, con lân v.v… Nuôi cái cây mà cho giống được con phượng có cánh, con sư tử hí cầu, thì khéo thật. Nhưng theo ý riêng, tôi thích lối chơi kiểng của người Nhật: nghệ thuật bonsai là nuôi cây thế nào cho nó giống … cái cây.

Cây giống cây trông vẫn thích hơn là giống bất cứ thứ gì khác.

Hoặc có người bắt bẻ: Cây tất giống cây, có gì lạ?

Không! Không có cái tất nhiên ấy. Nuôi cây hàng trăm năm cho nó già mà không lớn, đâu phải dễ. Thế thường hễ già thì phải lớn, lớn thì phải cao; nếu thấy thế đè nó ra cắt cụt cho lùn xuống thì đâu còn giống cây nữa?

Cho nên phải lắm công phu. Phải đày cây ra nắng. Phải đặt cây lên giàn cao chỗ thoáng, để đón gió. Nắng to, gió mạnh cùng nhau hãm sức lớn của cây. Hàng năm phải lôi cây ra khỏi chậu sửa sang, rồi trồng cây trở lại vào chậu; trước khi trồng lại ta cắt bớt rễ cái, lại tìm chọn những chiếc rễ khỏe quá tỉa đi, rồi lại xén bớt những rễ con quá sum suê v.v… Rễ bị cụt thì ngọn cây cành cây phải chùn. Ta cắt chỗ giấu giếm được mà không động tới cái chỗ phơi bày ra, để cây khỏi chịu tàn phế, tổn thương hình dạng. Để cho nó lùn mà không cụt.

Vẫn về cái rễ: rễ mà phát triển rộng ra tùm lum thì cây lớn như thổi không cầm lại được. Cho nên trồng cây vào những chiếc chậu nhỏ, thường khi không rộng hơn gốc cây bao nhiêu. Chậu nhỏ đất ít mau khô, vì vậy cứ phải tưới hoài, có khi ngày đôi ba bận. Như lo cái ăn cái bú cho con mọn.

Cây đã choắt, lá càng phải choắt cho có một tỉ lệ cân xứng. Để tự nó, lá không tự choắt choeo. Đối với loại cây thay lá hàng năm, thường khi lớp lá đầu mùa bắt đầu phát triển phải cắt mỗi lá bớt đi ba phần tư. Lá bị cắt nhỏ, không thể làm đầy đủ nhiệm vụ đối với cây, liền bị cây đào thải; và một chiếc lá mới mọc ra thay thế lá cũ. Chiếc lá mọc sau yếu sức, sẽ nhỏ bé hơn…

Đó chẳng qua chỉ là chuyện kích thước, tầm cỡ của cây của lá. Lại còn bao nhiêu đòi hỏi nữa: Cây chưa đến tuổi mà lại muốn làm ra vẻ cụ cây, muốn có vỏ khô sù sì, nứt nẻ; cây công tử lớn lên trong sân trong vườn lại muốn một dạng cách phong trần, dãi dầu ở chỗ tuyết sương, như thể từng trải qua tai biến đến nỗi thân hình oằn oèo khắc khổ; cây trồng trên đống phân, nước tưới hàng ngày đầy đủ lại muốn có cái nét khổ hạnh trơ trụi của cây bám trên vách đá cheo leo quanh năm khô khấc v.v.. Mỗi cái muốn gây ra trăm cái tẳn mẳn tỉ mỉ, đẻ ra một mớ mẹo lớn mẹo con.

Nhưng chừng ấy chuyện chỉ làm cho cây giống cây. Cái đó là tối thiểu, là cần thiết; nhưng chưa đầy đủ để làm ra sức hấp dẫn của cây bonsai.

Cây già trên rừng không hấp dẫn bằng cây già trong chậu. Cây bám sườn non ngoài thiên nhiên không hấp dẫn bằng cây cheo leo… trong chậu. Cây tùng cây thông đứng dọc đường san sát, không được ai ngắm nghía đắm đuối như một cây thông cằn trong chậu.

Đắm đuối không phải vì nghĩ đến cái công phu chăm sóc, nghĩ đến những trò mẹo nọ mẹo kia, đến cái khéo tay của kẻ nuôi cây. Thành thực kiểm điểm lòng mình, ta thấy rõ lúc ấy không phải ta đang phục tài của ai cả. Trong ta chỉ có một rung động say mê, chỉ có một xúc cảm mỹ thuật.

Cây mọc bờ sông vách núi, là thiên nhiên; cây trong chậu là một tác phẩm nghệ thuật. Trong tác phẩm nghệ thuật không chỉ có cái cây, mà là cái cây với một tâm hồn người. Cũng như trái táo trên dĩa là thiên nhiên; trái táo trong tranh tĩnh vật là trái táo với một cách nhìn. Cũng như bao nhiêu cỏ úa bên lề đường làng, bên quốc lộ số 1, liên tỉnh lộ số 7, tỉnh lộ số 10 v.v… chỉ là cỏ; còn cái "rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh" là cỏ cùng với một tâm trạng. Cũng như trận mưa đêm hôm qua, trận mưa chiều hôm kia v.v… chỉ là trận mưa, là hiện tượng thời tiết; còn trận mưa "trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ" là trận mưa cộng với một cách nghe mưa, với một tâm trạng, một tâm hồn; còn trận mưa "Ba sơn dạ vũ trướng thu trì" lại là trận mưa với một cách nghe khác, với một tâm hồn khác nữa!

Người ta không rung động, không đắm đuối vì trái xoài, vì trận mưa; người ta chỉ rung động đắm đuối trước một biểu hiện tâm hồn. Con người xúc cảm ít khi vì thiên nhiên, mà chỉ vì con người. Qua ngọn cỏ, lá cây, giọt mưa, trái táo v.v…, ta chỉ tìm ta. Và rung động vì ta.

Trong lối nuôi cái cây cho giống cây, cũng như trong cách vẽ trái táo cho giống táo, người chơi cây vẽ táo có gửi trong đó một quan niệm, cái quan niệm của mình. Cây là mình, táo là mình.

Vì vậy một chậu bonsai mới mua về, dù trả tiền xong, vẫn chưa phải là của mình. Nó chỉ dần dần thành ra cây bonsai của mình ít nhất là sau nửa năm. Rồi nhiều năm sau nữa nó mới thực sự là cây của mình, thực sự biểu hiện cái mỹ quan của mình, tâm hồn của mình. Lúc bấy giờ nếu có người nhìn cây mà đắm đuối, mình có thể yên trí họ đắm đuối về một phương diện đẹp đẽ của tâm hồn mình biểu hiện ra, chứ không phải về tâm hồn người chủ vườn bán cây.

Và cũng đến lúc bấy giờ mới có cây thất bại với cây thành công. Cùng là cây lùn, cùng tầm cỡ, có cây trông mà mê, ngắm mãi không rời mắt được; có cây trông vô vị, lảng nhách. Táo trên cây có táo to táo nhỏ, táo ngon táo dở, chứ không có táo mê người với táo vô duyên . Chỉ trong tranh tĩnh vật mới có thứ táo như thế: táo có hồn và táo vô hồn. Chỉ trong tranh, trong chậu mới có táo thành công, cây thất bại, nhạt nhẽo, hỏng.

Và cũng chỉ trong văn thơ mới có những tình những cảnh vô vị, những sự việc vô vị, những hoàn cảnh vô vị. Nói thế bởi vì chúng ta không phải chỉ nói về cây kiểng, mà chính đang nói về thơ văn.

Viết truyện chẳng hạn đại khái cũng là dựng nên và nuôi những nhân vật thu nhỏ, những xã hội thu nhỏ. Những nhân vật lùn trong những xã hội lùn. Nuôi những người cho thực giống người trong những xã hội cho thực giống xã hội.

Những nghệ sĩ viết truyện phần nào giống như người nghệ sĩ bonsai. Họ cũng thành công và thất bại cùng do những nguyên cớ gần giống như trong việc nuôi cây bonsai

Một con người ngoài đời là một con người; một người trong truyện là một cách nhìn người. 
Cái nhìn biểu thị tâm hồn của mỗi nghệ sĩ; cái nhìn là linh hồn của mỗi nghệ phẩm.

Trong tranh táo cái nhìn ấy nó là màu đậm màu nhạt, màu nóng màu lạnh, nó là cách bố trí khối này tảng nọ đường này nét kia v.v… Trong truyện, cái nhìn ấy là cái đứng cái ngồi, lời ăn tiếng nói của từng nhân vật, là màu nắng sáng sắc mây chiều, là cách phối trí sự kiện này biến cố nọ v.v… Trong thơ, nó là chữ nặng chữ nhẹ, là câu ngắn câu dài, vần trong vần đục v.v…. Trong một chậu bồn tài, nó là cách thế uốn qua éo lại của cành cao cành thấp, là cái độ nghiêng độ đứng của thân cây v.v…

Cảnh thiên nhiên tha hồ đẹp, sự việc ngoài xã hội tha hồ ác liệt, nhưng vẫn vô hồn. Không có ngọn cỏ dại nào ngoài bờ ao, cây cổ thụ nào trên rừng già tự nó có một ý nghĩa; nhưng mỗi khóm rêu trong chậu bonsai đều có ý nghĩa. Trình bày thành công là thổi linh hồn vào nghệ phẩm. Mỗi nghệ phẩm thành công có một linh hồn.

Cây có thể có trăm cành, nhưng phong cách cây chỉ có một, cái nhìn của người nuôi cây chiếu xuống chỉ có một.

Mỗi nghệ phẩm chỉ biểu thị một phong cách, đầu đuôi nhất trí, không lổn nhổn bất nhất. Cái tranh một trái táo là một tác phẩm; cái tranh ba trái táo cũng chỉ là một tác phẩm. Cái truyện ngắn ba trang là một tác phẩm; bộ truyện ngàn trang cũng là một tác phẩm, là một thôi. Một chậu bonsai có hai cây cùng gốc (sokan) là một tác phẩm. Một chậu bonsai có nhiều cây cùng gốc (netsuranari) cũng là một tác phẩm. Mà chậu bonsai gồm cả một đám cây khác gốc nhau (yose-ue) lại cũng là một tác phẩm thôi.

Và mỗi nghệ phẩm (văn chương, hội họa, cây kiểng, âm nhạc…) biểu thị một cái nhìn, một quan niệm, của người nghệ sĩ sáng tạo.

Tam quốc chí diễn nghĩa là pho truyện trên dưới 120 hồi (có nhiều bản khác nhau, bản dài bản ngắn) trong đó có hàng trăm trận đánh, có vô vàn kế sách mưu mô. Nhưng người đọc Tam quốc không phải là đọc cái tập hợp những trận đánh chém nhau, người viết Tam quốc không chỉ chú ý sưu nhặt để kể lại các cuộc chém giết nhau.

Tám chín phần mười pho truyện là tưng bừng, náo nhiệt, là những vẫy vùng của anh hùng hào kiệt bốn phương. Vậy mà mở sách ra gặp ngay bài hát theo điệu "Tây giang nguyệt":
"Cổn cổn trường giang đông thệ thủy
Lãng hoa đào tận anh hùng
Thị phi thành bại: chuyển đầu không!…"
(Sông dài cuồn cuộn về đông,
Sóng vùi gió dập anh hùng còn đâu
Được thua phải quấy tranh nhau
Xôn xao mấy chốc ngoảnh đầu thành không!…)

Mới mở sách, lúc bấy giờ anh chàng Lưu Bị hàng chiếu với chàng Trương Phi hàng thịt vừa gặp nhau thề thốt, viên đô úy Tào Tháo toan giở mòi xun xoe v.v… Tất cả mới khởi đầu, một khởi đầu đầy hứa hẹn, thế mà… Mấy câu ca "trường giang đông thệ thủy" nằm ở đầu sách mà nó chủ trì toàn bộ pho sách, nằm ở đầu mà chiếu một cái nhìn bàng bạc suốt một trăm hai mươi hồi. Cái nhìn của nó chiếu đến tận cái đêm Khổng Minh tuyệt mệnh sao rơi lạnh lẽo ở Ngũ Trượng Nguyên, đến cái cảnh ông tướng Cam Ninh dựa gốc cây ngồi chết một mình quạ bu khắp người, đến những lời khờ dại ngu ngơ của Hậu chúa giữa buổi tiệc trong thành Lạc Dương v.v…

Trên đất Trung hoa trong khoảng mấy chục năm từ lúc nhà Đông Hán suy vi cho tới khi Tấn Vũ Đế chiếm xong Đông Ngô, có giặc giã rối ren, có hàng trăm ông tướng chết, có vạn vạn quân sĩ bỏ thây; người đương thời có thể trông thấy tận mắt những cái đó, nhưng ai mà thấy cái "cổn cổn trường giang đông thệ thủy, lãng hoa đào tận anh hùng"?, nhưng có ai mà trông thấy cái hắt hiu của kiếp người vô thường, cái không hư của thế cuộc phế hưng? Mắt nào chứng kiến được cái ấy? Cái không khí bàng bạc khắp pho truyện 120 hồi, ngoài đời không thể trông thấy nó đâu cả. Cái đó không hề có ở ngoài đời. Cái đó là linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật.

Và nghệ phẩm cần có một linh hồn. Nếu không nó vô vị, dù tinh vi tỉ mỉ đến đâu.

Vô vị như một cái cây thật?

Vâng, mặc dù nó chính là cây thật. Chỉ có thứ cây không thật mà do một nghệ sĩ chăm nuôi cho giống cây thật mới có được một linh hồn.

Cây giống cây hay ho như thế, thực tội nghiệp cho bao nhiêu là thứ truyện viết về những cái không giống ngoài đời: cảnh không giống cảnh, người không giống người ngoài đời…

Xem thêm: Cây sồi cô độc ll Tản mạn về Cây Kim Quýt

Speak Your Mind

*

CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Điện Thoại: 08 66.828.898; Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
Khi đăng lại bài rất mong các bạn dẫn nguồn  tới trang agrimark.org để giúp chúng tôi phát triển.
Xin chân thành cảm ơn!
EMG