Kinh nghiệm trồng cây trên vách đá

AgriMark sưu tầm và giới thiệu phần chia sẻ kinh nghiệm trồng cây trên vách đá của tác giả Vũ Hưng. Một hướng dẫn rất tận tình và sáng tạo, bài viết đã được đăng tải trên Bonsai Ninh Bình, Diễn Đàn Cây Cảnh Việt Nam, và một số web – blog khác..Mời các bạn tham khảo và share cho bạn bè cùng đọc

Tạo đất trồng tương tự Keto của Nhật bằng phân giun

Mình dùng phân trùng huyết thay cho “đất thịt chân ruộng” như Keto của Nhật. Bao phân giun như trên khỏang 5 kí, giá bán 10 USD. Đây là loại được coi như tinh chất nhất (không pha thêm đất thường). Nếu không mua được phân giun, bạn có thể tham khảo bài tự nuôi giun lấy phân.

Vì phân trùng chứa rất nhiều kén giun, để tránh bớt kén sống, đồng thời để giảm bớt mức nhầy (dính) của đất khi gặp nước (nước tưới), phân giun được sấy nhẹ (lâu khoảng 30 phút) hoặc phơi vài nắng.(Dĩ nhiên sấy ở mức 150 độ C trong 30 phút thì tốt hơn). Mình thì chỉ cần đưa vào lò nướng bánh nửa tiếng là xong.

Sấy xong, phân trùng khô ráo, chuyển màu từ đen tuyền sang xám.

Tiếp theo, chúng ta cần tán nhuyễn phân thành bột. Kế đó trộn đều bột này với vụn rơm hoặc greenmoss (rêu xanh hoặc dớn trồng lan) cắt nhỏ ở dạng khô.

Phân giun và rêu xanh ở dạng khô

Đổ khoảng 1 chén (bát) hỗn hợp bột đất phân trộn rơm vụn vào nia hoặc rá. Phun nước và xoay tròn. Những hạt đất gặp nước sẽ vo lại với nhau thành viên (như cục tuyết lăn trên núi xuống thành tảng tuyết). Bạn cần lưu ý điểm này: đừng dùng tay xoa nắn, viên đất sẽ “chảy nhựa” và sau này cứng như viên xi măng, không tốt cho cây.

Mình sức yếu nên xoay xoay được một mớ cỡ hạt đậu xanh , thấy cũng tạm được.

Viên đất sau khi xoay trong rá, giống như công nghệ làm viên thuốc.

Tiếp theo, chúng ta cũng cần trộn phân giun với greenmoss sợi (2-3cm) để tạo đất dẻo đắp bờ và phủ mặt ngoài vùng rễ. Mình gọi là “đất bờ”. Dùng phân trùng trộn sơ với rơm hoặc green moss. Đổ khá nước cho có hỗn hợp nhão như bùn (đặc hơn bùn ruộng mạ). Chờ khoảng 1 giờ cho đất và rơm hút đủ nước, sau đó dùng tay nhào đất và rơm. Nhào vừa phải vì đất ra ít nhựa sẽ tốt hơn cho rễ. Nếu sau đó thấy hỗn hợp không “đứng” (nhão quá), bạn nên búng thêm ít đất phân khô cho đến khi vuốt nắm đất thành ngọn mà ngọn không gập xuống là vừa.

Nếu lỡ trộn nhão và hết đất phân, bạn để “đất bờ” vào khay dốc. Sau 1 đêm đất sẽ ráo vừa xài.

Hỗn hợp phân giun, dớn trồng lan và nước.

Như vậy là chúng ta đã có đất trồng (đất viên) và đất bờ (nhão) bằng phân trùng.

Trong khi chờ đất trồng và đất bờ khô ráo và nở tối đa (ngấm nước), chúng ta thực hiện vách núi.

Làm vách núi

Đây là công việc tương tự tạo khay trồng rừng bằng vải. Để cho xi-măng trộn xốp, nhẹ, mình trộn một hỗn hợp xi-măng như sau:

-100gr xi-măng
-20gr giấy (giấy vệ sinh hoặc giấy nhật báo không hồ)
-20gr phân giun

Giấy nhão sẽ tạo sợi xốp và phân trùng đất giúp màu xi măng sậm lại. Đồng thời phân giun trong xi-măng cũng có thể giúp xi-măng ẩm lâu hơn. Tiện tay mình thêm tí dớn trồng lan vào cho đỡ chảy vữa.

Giấy vệ sinh ngâm trong nước rồi dùng tay bóp cho nhuyễn, khi thấy không còn vón cục là được.

Hỗn hợp tạo vách đá gồm giấy, xi măng, phân giun và dớn trồng lan.

Trộn đều và chờ cho hỗn hợp ngấm kỹ nước. Chúng ta bước qua việc cắt lưới mắt cáo.

Dĩ nhiên là vách núi, giả sơn hay khay trồng cây các bạn muốn chế kiểu nào thì cứ việc dùng lưới mắt cáo cắt ráp thành hình. Những hình có chiều hơi cao hoặc cần chân đứng, các bạn nên lưu ý cột thêm những sợi giây nhôm 6,7 mm giúp tạo khung sườn (đôi khi những khay dài phải cần ống nhôm để chịu lực, tránh đổ gãy).

Nếu các bạn chịu khó khâu vải cho sát lưới, sau đó “vò” lưới vải rồi mở ra trước khi định hình, các bạn có thể có những vách “lởm chởm” dễ có vẻ tự nhiên.

Nếu có thì giờ, các bạn thấm ướt vách núi (khung lưới đã khâu vải) sau đó dùng cọ quét “bùn xi-măng+giấy” từng lớp mỏng. Cứ 1 lớp giấy (giấy vệ-sinh hoặc giấy lau tay) rồi một lớp bùn xi-măng thì cuối cùng bạn sẽ có một khay hay vách núi “mỏng và nhẹ”.

Trường hợp ở đây, mình trét cả mảng vào vách núi cho nhanh để kịp trình bày cùng các bạn.

Hai lớp lưới có vải mùng ở giữa (cho nhanh) và giây nhôm 6mm làm khung và chân đứng.

Những cọng dây cột thêm vào khung giúp sau khi đặt cây có thể dùng để giữ cây và giữ đất trồng.

Đắp hỗn hợp xi măng lên đất trồng.

Phần lưng vách mình sẽ không đắp xi-măng nhưng sẽ đắp “đất bờ”. Lý do là để đắp nhiều rêu mở mặt sau, giúp vách núi ẩm lâu hơn vào mùa hè sắp tới (vách núi cần để ngoài trời vì có cây Tùng).

Trồng cây lên vách núi

Cây dùng trong trường hợp này nên là cây dáng huyền, hợp với cảnh vách đá cheo leo. Về mặt kỹ thuật thì cây dáng huyền như một cái móc khiến ta dễ cố định cây vào vách. Ở đây mình chọn được một cây ngọa tùng.

Bầu rễ được rũ sạch đất.

Đất cát được giũ ra khỏi rễ và cắt ngắn. Tổng số rễ cắt bỏ bớt lên tới 70 %, bởi số cành lá dự trù cũng sẽ cắt bỏ khoảng 70-80%.

Tất cả những cành mọc chĩa xuống đất đều bị cắt bỏ.

Quấn dây định hình cây.

Ướm thử cây lên vách đá. Nhiều cành dài quá, chả thấy vách núi đâu cả! Cần cắt bỏ bớt.

Tỉa bớt cành. Vẫn còn nhiều, cành phải thật ít mới hợp với cảnh vách đá cheo leo.

Tầm này là vừa rồi.

Trước khi chính thức gắn cây vào vị trí, mình thựa hiện 2 việc nhỏ.

Việc thứ nhất: cắt hai đoạn ống hút để làm 2 lỗ mũi cho bàu đất rễ. Thành ống có cắt vài lỗ nhỏ. Ống này nhằm :
-đưa nước vào vùng rễ.
-giúp tâm bàu đất được thoáng.

Việc thứ nhì: đặt vào phần dưới gốc một miếng vỏ cây (thông, bạch đàn, phi lao v.v). Vì thường cây Tùng Juniper thích vùng gốc khô, nhưng nếu không ướt mà có chút hơi ẩm của vỏ Thông thì cây Tùng dễ chịu nóng hạn hơn.

Hai việc này chỉ là chút kinh nghiệm riêng về cây Tùng.

Đặt miếng vỏ cây vào gốc tùng.

Tiếp theo, đặt cây vào vị trí. Lưới phủ bàu đất được gắn quanh rễ , cột chặt vào vách núi.

Đất trồng (phân trùng viên) được đưa dần vào bàu rễ.

Đất được đựng trong rổ. Mục đích là để loại bỏ ra những bụi đất còn sót.

Chiếc đũa ăn cơm rất hữu dụng để đưa đất xuống tận cùng.

Đắp đất lên lưng vách núi.

Tạm ổn. Cây và rễ đã yên vị trong vị trí cần thiết.

Việc cuối là đắp rêu toàn bộ mặt đất bờ quanh bàu đất và mặt lưng vách núi. Không sẵn rêu đẹp, nên mình quơ mớ rêu dài thượt mọc trên suối dưỡng đường xài đỡ (sau này có rêu đẹp sẽ gắn lại sau).

Gắn rêu và ghim dây nhôm chữ U vào để rêu không bị tuột.

Thêm vài chi tiết nhỏ cho sinh động.

Phun sương 15 phút, để ráo nước và thế là ta có thứ để khoe với bạn bè!

Cách chăm sóc

Hình cây ngoài vườn chiều nay.

Bạn có thấy hai miệng ống hút (cạnh gốc) thò lên trong vùng trũng quanh gốc không?

Đó là điều mình muốn trình bày.

Trong các sách vở bonsai chả ai nói chuyện tạo hũm hoặc đặt ống vào bàu rễ. Mình dùng thấy rất tiện.
Bạn cứ tưới bình thường như mọi cây bonsai (dĩ nhiên là vòi tưới bông sen và nước từ bình tưới là tốt). Hai ống này giúp đưa nước vào vùng rễ dễ dàng.

Sách vở thì nói bạn dùng phân viên và dùng kẽm uốn cong giữ viên phân trên mặt đất trồng (vách núi). Nhưng nếu bạn tạo hũm nhử cây trên thì chả cần bận tâm. Dĩ nhiên là phân viên hữu cơ đặt trong hũm sẽ nhỉ ra dần mỗi khi tưới sẽ đỡ hao và tốt cho cây hơn.

Để kết luận, mình có vài điều nhắc chừng các bạn về cây Tùng treo vách núi:

1. Chuyện đưa cây Tùng trong chậu lớn vào đá núi bằng cách cắt tỉa bớt rễ thì quả là dễ khiến cho cây chết vì những lý do sau đây:

a. Rễ không làm việc vì thay đổi hoàn toàn chất trồng(ở vấn đề này, nếu bạn giữ càng nhiều rễ thì cây càng dễ chết. Có một số người gọi: rễ bị cháy tái!).
b. Không có chóp rễ làm việc và cây không được đưa ra đủ nắng để lá làm việc.
c. Cây khô lá và chết từ từ vì lá bị mất nước từ từ và không được tiếp thêm nước vào ban đêm (sương đêm). Ban ngày lá khép miệng để giảm mức thoát hơi nước. (Rễ chưa có khả năng tiếp nhận nước khi vùng rễ bị đụng chạm).

2. Do đấy, để tránh các hiện tượng : đất lạ, thiếu rễ, nước ở cây mất đi nhiều hơn nhận vào chúng ta nên lưu ý thực hiện những chuyện như ông Kimura đã từng làm :

a. Chuyển cây từ chậu lớn sang một chậu (mới)nhỏ nhưng sâu (tức là tỉa rễ nhưng có chỗ cho rễ phát triển chóp rễ dài).
b. Dùng 80% đất mới (loại đất sẽ dùng để trồng cây trên đá) và 20% đất cũ cho rễ quen loại đất mới và lấy một ít giống nấm cộng sinh sang đất mới.
c. Chuyển cây từ chậu sang núi đá ở mùa cuối năm trời mát. Nhưng nếu vùng lạnh, nên thực hiện vào đầu xuân.

Nếu bạn đã quen chơi Tùng thì mấy vấn đề này cũng chẳng có gì mới lạ.

Chuyện cuối cùng: trong vòng ít nhất là 6 tháng sau khi chuyển chậu, chưa nên bón phân!

Cảm ơn các bạn đã theo dõi.

Cùng chủ đề: Kiến thức bonsai: Cổ thụ treo vách đá

Xem thêm:  Tìm hiểu về kỹ thuật cây bám đá, ký đá – Phong cách chơi “cổ – kỳ -mỹ” ll Tuyệt chiêu thúc cho cây mau lớn

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG
 
frees-diplom.com/kupit-attestat/attestat-11-klassov frees-diplom.com/kupit-diplom-farmacevta www.frees-diplom.com/sanktpeterburg frees-diplom.com/bryansk
купить диплом специалиста