Kinh nghiệm nghệ nhân về việc “chọn mặt tiền” Bonsai

Để xây dựng một tác phẩm bonsai trước hết phải chọn mặt chính của cây, ta gọi nôm na là “chọn mặt tiền”, giống như cái nhà có mặt trước là mặt tiền vậy. Những tiêu chuẩn về “chọn mặt tiền” cũng như những kinh nghiệm của các nghệ nhân về việc chọn mặt tiền sẽ được AgriMark tổng hợp và trình bày trong bài viết này. Mời các bạn tham khảo và chia sẻ cho anh chị em cùng bàn luận. 

Nội dung bài viết có sử dụng tư liệu của Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh và một số nguồn khác.

Theo nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh thì điểm cơ bản chọn mặt tiền là chọn thân : Thân có co lõm (bụng) đầu tiên. Sau đó mới chú ý đế các yếu tố khác như Đế, Rễ, Cành. Trường hợp thân cây quá thẳng có thể lấy 2 tiền thì chọn mặt nào Đế Rễ đẹp.
Mặt chính thì Tuyệt đối không để chi đâm thẳng vào mắt người xem. Hiện có 1 số người làm 1 chi sát phần ngọn đâm thẳng vô mắt người xem chủ yếu là để rút ngắn thời gian làm tròn tàn ngọn , theo cá nhân anh thì cách làm này làm cho người xem bị cản tầm nhìn và không phô diễn hết được nét đẹp của ngọn, công sức lắc cái ngọn cho đẹp tự nhiên làm 1 chi ngay đó che hết phần ngọn, phí công.

Những tiêu chuẩn cây phôi nên có khi nhìn từ phía chính diện

Phần gốc rễ

Gốc nở đều, có cạnh khến thì càng tốt. Rễ có kích thước tương ứng với cây, nên bẹt xuống đất, rễ lớn không đâm thẳng mặt người xem, các rễ không đan cài vào nhau. Đối với các cây thông tùng thì trong các cuộc thi luôn được miễn chấm phần rễ.

Phần thân

Khúc uốn đầu tiên không nên lồi về phía người xem bởi sẽ gây cảm giác tức mắt. Cũng không nên chọn thân cong đều như chữ C, thân zíc zắc nhìn không tự nhiên và thân thẳng tuột đều đặn như cái ống nước.
(Đối với thân chữ C, ta có thể khắc phục bằng cách xoay cây đi 15o-20o xem có bớt đều đặn không)

Phần cành

Bất kể cây bay đổ lắc lượn gì thì tàn cũng nên xòe tròn theo mọi hướng. Điều đó chứng tỏ cây đã phát triển ổn định. Có thể bạn sẽ phản đối vì một số cây của ông Kimura hoặc ông Robert Steven chỉ có vài tàn lơ thơ. Nhưng đó là các ông lấy thân cây làm hình tượng cho vách núi dựng đứng, mỗi tán cây là 1 cây. (Về điều này có thể có người có ý kiến khác, mời bạn góp ý)

Có một vài quy ước thẩm mỹ cơ bản cho cành như sau (nhưng mà bạn không theo cũng được, gò bó làm giảm sự sáng tạo, chỉ xem cho biết thôi):
* Không nên để cành trên che mất ánh sáng của cành dưới.
* Cành thấp không nên chọc thẳng vào hướng người xem sẽ tạo cảm giác khó chịu và che mất đường thân.
* Cành không đối xứng với nhau qua thân như xương cá. Xưa các cụ có câu “Vô nữ bất thành mai, vô thập bất thành tùng” nhưng bây giờ bỏ rồi! 2 cành tùng mà đối xứng qua cây (tạo thành hình chữ thập) là bị chê liền.
* Cành không mọc từ chỗ lõm của cây.

14 lỗi cành qua hình ảnh:

  1. Cành mọc song song
  2. Cành mọc đối xứng
  3. Cành mọc vòng qua thân
  4. Cành uốn vòng cung
  5. Cành mọc hướng lên
  6. Các nhánh nhỏ đan cài nhau rối rắm
  7. Cành thấp mọc đâm vào hướng nhìn
  8. Cành mọc 1 bên
  9. Cành mọc xen ở giữa
  10. Cành mọc chụm tại một vị trí
  11. Cành mọc đan xen với nhau
  12. Cành gập khuỷu tay bất thường
  13. Cành mọc từ chỗ lõm của thân
  14. Cành mọc hướng xuống dưới

Rồi, vậy bây giờ bạn hãy xoay cây vòng vòng 360o xem góc mặt nào thích hợp nhất. Thường thì sẽ chẳng mấy khi có được một phôi hoàn hảo mà về sau bạn sẽ phải áp dụng các kỹ thuật ghép, uốn, chiết, bổ cành.. để cải thiện vẻ đẹp cây. Ưu tiên phôi nào có gốc rễ đẹp bởi đây là phần khó cải tạo hơn chi cành.

3 ví dụ về cách chọn mặt tiền

Cây 1. Mặt A có bộ đế đẹp, nhưng đoạn cong thân đầu tiên hướng về mặt tiền, không đẹp. Thêm nữa cành trên đoạn cong đầu tiên cũng hướng về mặt tiền, không đẹp.
Mặt B có 1 rễ lớn đâm thẳng chính diện và đè lên trên một rễ nhỏ. Ngoài ra có một cành cụt chỗ co đầu tiên cần phải cắt lại và sẽ để lại sẹo khá lớn.
Giải pháp là ta chọn mặt B. Rễ lớn đâm mặt tiền sẽ cắt bỏ, cắt lại cành chỗ co đầu tiên cho sát vào thân. Mai chiếu thủy liền sẹo nhanh nên sẽ không ảnh hưởng tới thẩm mỹ sau này.

Cây 2. Mặt A có đoạn lượn đầu tiên lồi về phía người xem, không đẹp. Bộ rễ thì không tự nhiên như mặt B. Bù lại có mấy cục u đẹp.
Mặt B đế đẹp, đoạn lượn đầu tiên thuận mắt (cong ra đằng sau). Cành 1 thì hơi lồi về phía người xem, không đẹp. Có một sẹo khá lớn.
Giải pháp là ta chọn mặt B nhưng xoay cây chừng 20o cho cành 1 nhìn ko quá chướng mắt mà vẫn lộ được nét đẹp của đoạn cong đầu tiên của thân. Cái sẹo lớn thì không đáng ngại bởi mai chiếu thủy liền sẹo rất tốt.

 

Cây 3 Mặt A chỉ có ưu điểm hơn mặt B là bộ rễ nhìn đẹp hơn chút xíu.
Mặt B Có đường cong cả 2 thân đều thuận, thân cao lại có cạnh khến đẹp. Thân nhỏ lùi về phía sau rất hợp lý bởi sẽ tạo chiều sâu cho tác phẩm (phần nào nhỏ hơn thì ở xa, nhìn sẽ thuận mắt.)
Giải pháp là ta sẽ chọn mặt B, cắt lại rễ ngắn hơn để sau này bộ rễ xòe đều (những đường cắt màu đỏ) và làm thành một cây 2 thân.

Xem thêm:  Tìm hiểu về cây me và kinh nghiệm chăm sóc II  Những “tỉ lệ vàng” cần lưu ý trong bộ môn nghệ thuật bonsai II Kinh nghiệm về chọn chậu cho Bonsai II Kiến thức về 3 loại Lan cơ bản cần nhận biết để phân biệt

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG