Từ 1.7, Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ phải chịu áp dụng mức phạt cao nhất 20 năm tù giam, bị phạt tiền tới 1 tỉ và bị cấm sản xuất, kinh doanh. Bộ NNPTNT cho rằng, đây là bước đột phá mới, là thắng lợi ban đầu đối với vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tồn tại suốt nhiều năm qua.
Hàng loạt vụ sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi bị cơ quan thanh tra Bộ NNPTNT phát giác. Ảnh: Kh.V
Theo Bộ NNPTNT, qua 4 tháng triển khai đợt cao điểm công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn đối với hàng nông, lâm, thủy sản, Bộ NNPTNT đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, thanh tra 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở 11 tỉnh thành trên cả nước, phát hiện xử phạt hàng loạt Cty hợp sử dụng các loại chất cấm như Salbutamol, Vàng O trộn vào thức ăn chăn nuôi với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn, thu nộp ngân sách khoảng 1,3 tỉ đồng.
Đặc biệt, nhờ sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) – Bộ Công an, hàng loạt cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi vi phạm đã bị xử lý thích đáng. Đồng thời, ngành y tế đã rất chủ động kiểm soát salbutamol để tránh việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích vào thức ăn chăn nuôi. Cụ thể ngày 20.11.2015 Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49, để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol. Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu/thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật dược sửa đổi. Việc cấp phép nhập khẩu sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho, công ty mua, công ty bán…
Xem thêm: Nguy cơ ung thư vì ăn gà nhiểm chất cấm II Cách phân biệt hoa quả ngâm hóa chất