Kinh nghiệm ghép và trồng cây trám đen

Quả trám đen ăn bùi, béo, rất ngon, là loại rau quả sạch, một đặc sản quý của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Trồng cây trám đen cho hiệu quả kinh tế cao. Cây trám đen cái 7 – 10 năm tuổi cho thu 2 – 3 tạ quả/năm trị giá 2-3 triệu đồng. Xin giới thiệu kinh nghiệm ghép và trồng cây trám đen của bà con nông dân Hiệp Hoà, Bắc Giang.

1. Thời vụ:

Trồng trám vào hai vụ chính trong năm, vụ xuân tháng 2 – 4, vụ thu tháng 8 – 10.

2. Ươm, nhân giống:

Trồng trám đen bằng hạt, rất lâu có quả (7-8 năm mới bói quả), tán cây lại cao khó can thiệp các biện pháp kỹ thuật như phun thuốc dưỡng cây, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái… Trồng trám bằng cây ghép khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm trên của cây trồng bằng hạt.

Gieo ươm gốc ghép: Chọn những quả chín (có màu đen) tách lấy hạt, rửa sạch thịt quả, phơi hạt khô trong bóng râm. Ủ hạt trong cát ẩm 70 – 80%, sau khoảng 15 – 20 ngày hạt trám nảy mộng. Gieo hạt đã nảy mầm vào túi nilon có đục 4 lỗ thoát nước ở đáy. Chăm sóc cây con trong vườn ươm khi đạt 50 – 60 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, cần trồng thưa ở mật độ 40cm x 1 cây để cây sinh trưởng khoẻ. Khi cây đủ 1-1,5 năm tuổi có đường kính gốc 1 – 2cm, cao 60 – 100cm là đạt tiêu chuẩn gốc ghép.

Kinh nghiệm ghép trám: Ghép trám rất khó, vì nhựa trám nhanh khô, lớp tượng tầng mỏng nên muốn có tỷ lệ cây sống cao đòi hỏi thao tác ghép phải nhanh, động tác kỹ thuật phải thành thục. Một số kinh nghiệm ghép trám đã được đúc kết trong thực tế cần lưu ý: Chọn cành bánh tẻ, vị trí ở giữa tán cây, tráng nắng, không bị sâu, bệnh hại trên những cây trám có 10-15năm tuổi, có ít nhất 3 vụ quả ổn định, năng suất chất lượng cao làm cành ghép. Chọn gốc ghép và cành ghép có đường kính gần bằng nhau để diện tích tiếp xúc tượng tầng của cành và gốc ghép là lớn nhất.

Chọn thời vụ ghép thích hợp: Nhiệt độ không khí 25- 30 độ C, nên ghép vào vụ xuân tháng 3-4 và vụ thu đông tháng 10-11 là phù hợp. Có ít nhất 7 ngày sau khi ghép không bị mưa ướt cành và gốc ghép, nếu trong thời gian này gặp mưa cần chủ động che mưa bằng bạt nhựa. Gốc ghép phải được cung cấp đủ phân và nước để dòng nhựa luyện lưu thông được thuận lợi, nhanh liền vết ghép.

Phương pháp ghép: Ghép nêm đoạn cành là tốt nhất. Chọn đoạn cành bánh tẻ dài 15-20cm, có 2-4 mắt ngủ. Cắt vát hai phía vạc ống dầu ở đầu dưới cành ghép bằng dao ghép chuyên dùng sao cho cân nhau. Dùng kéo cắt cành, cắt gốc ghép vị trí cách mặt đất 20- 30cm. Chẻ đôi gốc ghép sâu xuống phía gốc 5-7cm. Cắm cành ghép vào gốc ghép vừa chẻ sao cho phần tượng tầng (vỏ lụa giữa lớp vỏ ngoài và lõi gỗ) tiếp xúc với nhau nhiều nhất. Dùng giấy ghép nilon của Trung Quốc sản xuất quấn chặt cố định vài vòng cành ghép và gốc ghép rồi tiếp tục quấn theo chiều từ dưới gốc ghép lên trên cành ghép, buộc đầu cành ghép, quấn lượt 2 trở lại gốc ghép, buộc chặt sao cho giấy nilon thật khít vào cành và gốc ghép hạn chế tối đa hơi ẩm thoát ra môi trường bên ngoài. Thao tác ghép phải nhanh trong vòng 45-60 giây, quá trình ghép cần che ánh nắng trực tiếp không cho chiếu vào vết cắt cành và mắt ghép.

3. Trồng và chăm sóc cây trám ghép:

Trám đen cần trồng ở đất phù sa cổ giàu dinh dưỡng, phù sa ven sông và đất đồi thấp (độ dốc dưới 100) có tầng đất dày hơn 1m, thoát nước mới duy trì được chất lượng quả. Đào hố trồng rộng 0,8 – 1m, sâu 0,8 – 1m. Bón lót mỗi hố 30 – 50kg phân chuồng trộn với 0,5 – 1kg supe lân, ủ kỹ trong 60 – 70 ngày. Khi trồng trộn đều phân với đất, san phẳng, trồng cây trám ở chính giữa hố.

Mật độ khoảng cách: Trám là cây lấy quả lâu năm, tán lớn, trồng bằng cây ghép với khoảng cách: 4-5m x 7-8m. Hàng sông bố trí theo hướng đông-tây; những cây ở hai hàng con liền nhau trồng theo hình nanh sấu để tận dụng tốt nhất ánh sáng mặt trời. Sau trồng 8-10 năm tỉa bỏ những cành giao nhau giữa các cây trong hàng.

Tưới đủ ẩm 70 – 80% sau trồng để cây sinh trưởng thuận lợi. Tạo tán cho cây con trong 3 năm đầu: Khi cây cao 1 – 1,2m tiến hành bấm ngọn. Mỗi cây giữ 4 – 5 cành cấp 1 và 8 – 10 cành cấp 2 toả đều xung quanh.

– Bón cho cây con (1 – 3 năm): Mỗi cây 20 – 30 kg phân chuồng, bón 1lần/năm. Từ 0,5 – 1kg urê, 0,2 – 0,5 kg kali clorua, 1 – 2 kg supe lân, bón làm 4 – 5 đợt/năm.

– Bón cho cây kinh doanh: Bón làm 3 đợt trong năm: Bón phục hồi sau khi thu quả, kết hợp với tỉa cành la, cành vóng, cành tược, cành sâu bệnh, phân chuồng 30- 50kg, bón đạm, lân, kali theo tỷ lệ 2 đạm: 1kali: 4 lân. Bón đón hoa vào tháng 1 tỷ lệ 1 đạm: 1 ka li. Bón thúc quả vào tháng 4 tỷ lệ 1 đạm: 2 kali. Vị trí bón dưới tán cây.

Phun chế phẩm A-H 502+Chất bám dính cho trám 2-3 lần. Từ 1-2 lần khi có nụ đến trước nở hoa rộ, 1 lần khi đậu quả non đường kính quả bằng đầu đũa để tăng đậu quả, chống rụng quả sinh lý, tăng 15-20% năng suất quả.

4. Thu hoạch, bảo quản:

Trám đen chín vào tháng 8- 9, khi chín quả chuyển từ màu xanh nhạt sang màu đen hoàn toàn là thu hoạch được, trám chín không đều trong một chùm, lựa chọn những quả chín thu hái nhẹ nhàng để khỏi ảnh hưởng tới quả bên cạnh. Để quả trong rổ rá thoáng đem đi tiêu thụ trong 7-10 ngày, nếu để lâu cần bảo quản quả tươi trong tủ lạnh 12-15 độ C.

Sau khi om chín trám, ngâm trám cả quả không bỏ hạt trong nước muối 10% đun sôi, để nguội, đựng trong chum vại sành bịt kín có thể bảo quản được 5-6 tháng.

Công dụng chữa bênh tuyệt vời của quả trám

Quả trám là một loại quả dùng làm thực phẩm và có tác dụng chữa bệnh tốt. Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc.

Trám có nhiều loài khác nhau: trám trắng, trám đen, trám hồng. Quả trám còn gọi thanh quả hay cảm lãm (fructus canarii), được thu hái khi chín; có thể dùng tươi hoặc đem muối, sau đó phơi khô, hoặc sấy khô để chế các món ăn, có lợi cho hầu họng.

Quả trám đen

Quả trám trắng chưa chín

Quả trám trắng chí chuyển sang màu vàng

Thành phần hóa học, quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu… và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo.

Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc. Được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả xanh có tác dụng giải độc. Quả chín có tác dụng an thần, trị động kinh. Ngày dùng 6 – 12g, dưới dạng nhai nuốt nước, hoặc dạng nước sắc.

Một số cách trị bệnh từ quả trám:

Trị đau họng, sưng amidan, ho, miệng khô, khát nước

Quả trám rửa sạch, bỏ hạt, nấu với nước, nấu 2 – 3 lần, mỗi lần đun sôi 1 giờ, để lắng, gạn bỏ cặn, lọc qua vải xô, cô thành cao 2:1, thêm đường đủ ngọt, ngày uống 2-3 lần trước bữa ăn, mỗi lần 5-10ml. Có thể uống nhiều ngày liền cho đến khi hết các triệu chứng.

Trị lỵ

Quả trám tươi khoảng 90g, để nguyên hạt sắc với nước (2 – 3 lần), gộp dịch chiết, cô lại lấy cao, theo tỷ lệ 1:1, chia 3 lần uống trong ngày trước bữa ăn. Khi uống cần kiêng ăn các thứ tanh: cua, cá, lòng trắng trứng… Có thể uống nhiều ngày cho tới khi hết các triệu chứng.

Trị đau nhức xương khớp

Vỏ trám hồng, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, thái nhỏ, sắc nước uống, ngày 10 – 12g, chia 3 lần sau bữa ăn. Có thể thay vỏ bằng lá trám.

Trị đau răng, sâu răng

Quả trám đốt thành than, tán bột mịn, trộn với một ít xạ hương, rồi bôi và xỉa vào chỗ răng đau. Hoặc lấy vỏ thân cây trám trắng cạo bỏ lớp vỏ đen bên ngoài, thái mỏng phơi khô, sắc lấy nước, ngậm 10 phút rồi nhổ đi. Ngày làm nhiều lần. Có thể phối hợp với rễ chanh, rễ cây trẩu hoặc rễ cà dại.

Trị lở sơn

Vỏ cây trám, cạo bỏ lớp bần, thái nhỏ, nấu nước tắm, ngày 2 lần.

Trị tràng nhạc (loa lịch):

Hạt trám, hạt gấc, vỏ quả mướp đắng, đốt thành than, tán bột mịn, trộn đều với dầu thực vật hoặc mỡ lợn, bôi vào chỗ đau.

Trị nứt nẻ kẽ ngón và gót chân khi trời rét

Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.

Trị hóc xương cá

Quả trám trắng hoặc trám đen, nhai giập nuốt dần lấy nước; hoặc lấy 5 quả trám, sắc lấy nước, ngậm và nuốt dần. Hoặc chỉ lấy phần thịt quả trám, giã nát, ép lấy nước, uống dần. Hoặc lấy hạt quả trám, đốt tồn tính, rễ cây đậu ván trắng, thái nhỏ. Cả hai tán thành bột mịn, trộn đều, mỗi lần uống 4 – 6g. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng với trường hợp bị hóc các xương cá nhỏ.

(Theo Báo Nông nghiệp, Khoa học kỹ thuật nông nghệp và Sức khỏe & Đời sống)

Xem thêm: Kinh nghiệm cắt cành cây cà phê ll Tự trồng nấm kim châm tại nhà bằng bả cà phê ll Kinh nghiệm xử trí khi cây trồng bị vàng lá, khô héo

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418 - 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
(Website đang trong giai đoạn Cập Nhật Hoàn Thiện)
EMG