Đây là phần HẠ QUYỂN trong BINH PHÁP NGÔ TỬ thuộc VŨ KINH THẤT THƯ của NGÔ KHỞI.
HẠ QUYỂN
Thiên thứ 4: LUẬN TƯỚNG
Ngô Tử nói rằng: Ai có tài kiêm văn võ thì có thể làm tướng cầm ba quân; ai giỏi gồm được hai thuật cứng mềm thì có thể coi được việc binh.
Người ta luận tướng, thường xét tính dũng cảm của họ, nhưng tính dũng cảm ấy chỉ đáng coi là một phần nhỏ trong toàn thể đức tính của tướng suý. Người dũng cảm ắt là coi thường sự hợp chiến; coi thường sự hợp chiến mà không biết đâu là lợi ích, chưa phải là điều hay.
Cho nên tướng suý có 5 điều thận trọng:
– Thứ nhất là chỉnh lí;
– Thứ hai là chuẩn bị;
– Thứ ba là quả cảm;
– Thứ tư là giới luật;
– Thứ năm là giản ước;
– Biết chỉnh lí thì trị nhiều người cũng giống như trị ít người;
– Biết chuẩn bị thì đi ra cửa cũng giống như đi gặp địch;
– Có lòng quả cảm thì khi gặp địch, không hề cầu sống;
– Biết giữ giới luật thì dù có hơn thua, cũng giống như mới đánh.
– Có tính giản ước thì pháp lệnh vắn tắt mà không rắc rối. Nhận mệnh lệnh rồi thì không từ nan, dẹp địch xong rồi mới nói chuyện trở về, đó là lễ nghi của tướng suý.
Cho nên từ ngày ra quân, thà chết vinh còn hơn sống nhục.
Ngô Tử nói rằng: Việc binh có 4 binh cơ (bốn việc binh then chốt):
– Thứ nhất là khí cơ;
– Thứ hai là địa cơ;
– Thứ ba là sự cơ;
– Thứ tư là lực cơ;
– Các việc sắp đặt to hay nhỏ của ba quân dù đông tới trăm vạn, cũng đều gom lại để do một người cầm nắm, đó gọi là khí cơ (việc chỉ huy);
– Đường sá chật hẹp, hiểm trở, núi cao chận đường, mười người chấn giữ thì ngàn người không vượt qua được, đó là địa cơ (việc coi đất);
– Giởi việc gián điệp, cho khinh binh đi về, làm li tán quân địch, khiến cho vui tôi họ oán nhau, trên dưới đổ lỗi cho nhau, đó gọi là sự cơ (việc gián điệp, tình báo);
– Xe cộ bền bỉ, thuyền bè tiện lợi, sĩ tốt thiện chiến, ngựa voi tập quen di đứng, chạy nhảy, đó gọi là lực cơ (việc quân nhu và huấn luyện).
Biết rõ bốn việc ấy thì có thể làm tướng.
Tuy nhiên người tướng phải có đủ uy, đức, nhân, dũng để dẫn dắt người dưới, trị yên ba quân, khiến địch sợ hãi, có tài quyết đoán không để hồ nghi, ban lệnh cho thì kẻ dưới không dám làm trái, đến nơi nào thì giặc không dám chống cự. Được tướng ấy thì nước mạnh, bỏ tướng ấy thì nước mất, đó gọi là tướng giỏi.
Ngô Tử nói rằng:
– Dùng chiêng trống chuông mõ là để tai sợ uy;
– Vẫy phất cờ xí là để mắt sợ uy;
– Bày ra các điều cấm chế, hinh phạt là để lòng sợ uy;
– Tiếng làm tai sợ uy, không thể không thanh;
– Sắc làm mắt sợ uy, không thể không sáng;
– Hình phạt làm lòng sợ uy, không thể không nghiêm.
Ba việc ấy không hẳn hoi thì dù có được nước cũng bị địch đánh bại.
Cho nên có nói rằng:
– Tướng vẫy về phía nào, không thể không đi theo phía ấy;
– Tướng đã chỉ tay, không thể không tiến lên mà chết.
Ngô Tử nói rằng: Khi cần tranh chiến, việc cốt yếu là trước hết phải dò xét tướng lĩnh của quân địch, quan sát tài năng của họ, tuỳ theo hình thế mà dùng quyền mưu, thì không vất vã mà lập được công.
– Tướng của địch ngu ngốc mà lại tin người thì ta có thể lừa dối họ để dẫn dụ họ;
– Tướng địch tham lam mà không cầu danh thì ta có thể dùng tiền của để hối lộ;
– Tướng địch cử động không thận trọng mà lại thiếu quyền mưu, thì ta có thể làm cho họ vất vả, lâm cảnh nguy khốn;
– Bên địch người trên giàu có mà kêu căng, kẻ dưới nghèo khó mà oán vọng, thì ta li gián họ;
– Quân địch tới lui không quyết định, sĩ tốt không biết nương tựa vào đâu, ta có thể làm cho họ rung động mà chốn chạy;
– Bên địch, sĩ tốt coi thường tướng suý mà có bụng muốn về, chọn các nơi dễ đi, mở thông các nơi khó đi, ta chờ cơ hội mà đánh chiếm;
– Quân địch dễ tới, khó lui, như thế chúng có thể tiến tới trước( để đánh ta);
– Quân địch khó tới, dễ lui, ta có thể xông tới gần mà đánh chúng;
– Địch đóng quân nơi ẩm thấp, nước chảy không thông, gặp khi mưa dầm, thì sẽ bị lụt lội, chìm đắm;
– Địch đóng quân nơi hoang vu, cỏ gai rậm rạp, gió thường thổi mạnh, ta có thể dùng lửa để đốt chúng;
– Địch ở mãi không đi, tướng sĩ trễ biếng, như thế quân địch không phòng bị, ta có thể âm thầm đến đánh úp chúng.
Võ Hầu hỏi rằng: Hai quân đối mặt nhau, không biết tướng địch như thế nào, ta muốn dò xét tướng của họ, phải dùng phương pháp nào?
Khởi đáp rằng: Nếu mệnh lệnh tầm thường mà tỏ ra dũng cảm, tướng địch tỏ ra coi thường sĩ tốt tinh nhuệ của ta như thế là địch muốn bỏ chạy chớ không muốn đánh chiếm.
Nếu ta thấy địch đi tới, kẻ ngồi người đứng, chính pháp của họ chỉ cốt để trị yên, họ trốn chạy làm ra vẻ không bằng ta, lại thấy điều lợi mà làm như không hay biết gì, tướng địch như thế đáng gọi là tướng mưu trí, không nên đánh nhau với họ.
Nếu quân địch huyên náo, cờ xí rối loạn, sĩ tốt muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng, binh đội tự do đi ngang đi dọc không có khuôn phép, khi trốn chạy thì lo rằng không kịp, khi thấy lợi thì lo không chiếm được, đó là hạng tướng ngu ngốc, dù có nhiều quân, ta cũng vẫn đánh bại chúng được.
Thiên thứ 5: ỨNG BIẾN
Võ Hầu hỏi rằng: Xe bền người tốt, tướng dạn binh mạnh, bỗng gặp địch, sĩ tốt rối loạn mất hàng ngũ, bấy giờ phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Theo phép đánh thì ban ngày phất cờ, xí, phan để làm hiệu lệnh, ban đêm dùng chiêng, trống, kèn, sáo để làm hiệu lệnh; phất qua trái thì đi qua trái, phất qua phải thì đi qua phải, đánh trống thì tiến tới, đánh chiêng thì dừng lại; kèn thổi một lần thì đi, lần thứ hai thì họp lại; ai trái lệnh thì chem., ba quân phải sợ uy, sĩ tốt phải tuân mệnh, như thế thì ta đánh, quân địch không còn mạnh với ta được, trận địch không còn vững chắc với ta được.
Võ Hầu hỏi rằng: Nếu địch đông, ta ít, phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Ở đất dễ ta tránh địch, ở đất kẹt ta đón chúng. Cho nên nói rằng:
– Lấy một đánh mười, không đâu tốt bằng đất kẹt;
– Lấy mười đánh trăm, không đâu tốt bằng đất hiểm;
– Lấy ngàn đánh muôn, không đâu tốt bằng đất khó.
Nay ta chỉ có ít sĩ tốt nhưng thình lình ta đánh chuông, nổi trống, thì ở nơi đường kẹt dù có đông quân đi nữa, chúng cũng không khỏi kinh động, Cho nên có nói rằng:
– Dùng quân đông, cần đất dễ;
– Dùng quân ít cần đất hiểm.
Võ Hầu hỏi rằng: Địch có quân đông, đã mạnh lại dạn, dựa vào nơi hiểm trở, nên phải có núi bên trái có sông, hào sâu thành cao, dùng nỏ mạnh để giữ kỹ, lui về như núi dời, tiến tới như gió mưa, lương thực lại nhiều, ta khó mà cầm cự lâu dài với họ, phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Việc vua hỏi thật là quan trọng! Trong trường hợp ấy không thể dùng sức xe ngựa mà dùng mưu kế của thánh nhân. Thường nên dùng ngàn cỗ xe, một vạn quân kị, dùng quân đi bộ thêm vào, chia ra thành năm đạo quân, mỗi đạo quân đi một đường. Bởi vì năm đạo quân đi năm đường khác nhau nên quân địch hồ nghi không biết ta sẽ đánh vào nơi nào. Nếu địch giữ kỹ, lo cũng cố binh đội, ta phải cho gián điệp đến dò xét cách sắp đặt của họ. Hoặc họ nghe lời ta rút quân mà đi; hoặc họ không nghe lời ta, chém sứ đốt thư, thì chia ra năm đạo mà tiến đánh, đánh thắng thì đừng đuổi theo định, không thắng thì lui về gấp làm ra vẻ bỏ trốn; nếu địch không nghi ngờ mà yên lòng theo ta để đánh gấp, thì ta cho một đạo quân chận đầu, một đạo quân chặn đuôi, rồi cho hai đạo quân ngầm tán quân ra hai phía trái và phải đánh úp vào nơi chúng đóng binh, năm đạo quân cùng đánh, ắt sẽ đươc thắng lợi, đó là phép đánh quân mạnh.
Võ Hầu hỏi rằng: Địch đến gần bức bách ta, ta muốn bỏ đi để tránh chúng mà không có đường, quân ta hết sức sợ hãi, bấy giờ phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Phép đối phó với chúng là: Nếu ta nhiều quân mà chúng ít quân thì ta chia quân ra đánh để đè bẹp chúng; nếu chúng đông quân còn ta ít quân, thì ta theo một hướng nhất định mà đánh chúng, cứ đánh riết đừng cho lơi lỏng, như thế dù chúng đông quân cũng phải thua ta.
Võ Hầu hỏi rằng: Nếu gặp địch ở chốn hang, lạch, ở chung quanh có nhiều nơi hiểm trở, địch nhiều quân còn ta ít quân, phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Ở các chốn gò, đồi, rừng, hang, núi cao, đầm rộng, nên đi mau cho qua khỏi, chớ nên nương tựa vào đó. Nếu tại chốn núi cao hang sâu, thình lình gặp địch, ta ắt hẳn trước hết đánh trống reo hò mà xông vào đánh chúng, đem cung nỏ ra trước, vừa bắn vừa bắt chúng, hễ xét thấy chúng rối loạn thì đánh gấp chớ nên nghi ngại gì cả.
Võ Hầu hỏi rằng: Ở bên trái và bên phải đều có núi cao , ở giữa đất rất chật hẹp, bỗng ta gặp quân địch, muốn đánh chúng mà không dám, muốn tránh chúng mà không được, hỏi phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Đó là trường hợp đánh trong hang núi, tuy nhiều quân cũng vô ích, một ít sĩ tốt tài giỏi của ta cũng có thể đối phó ngang sức với quân địch, ta cho binh mạnh lẹ chân đi trước, cho xe, ngựa nấp ở bốn phía, rồi rút cánh xa địch vài dặm, địch không thấy binh xe ngựa ấy của ta, ắt hẵn bày trận giữ vững, không dám lui tới. Bấy giờ ta mới giăng bày cờ xí ra, đi ra khỏi núi mà đóng dinh, như thế địch phải sợ ta: ta liền đem xe ngựa khiêu chiến, đánh riết đừng cho địch nghỉ ngơi, đó là phép đánh trong hang.
Võ Hầu hỏi rằng: Ta và địch gặp nhau tại chỗ đầm lầy nước lớn, nghiêng bánh ngập càng, hoặc là nay nước cạn, xe ngựa hay thuyền đò, đều không dùng được, tới lui chẳng được, bấy giờ phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng; Đó là trường hợp đánh trước tiên, không dùng xe ngựa được, phải dẹp vào một bên. Hãy leo cao nhìn bốn phía để biết hình thế nước như thế nào, xem kỹ vùng nước rộng hẹp sâu cạn như thế nào, rồi sau mới lập mưu kế để chiến thắng. Nếu địch vượt nước, ta chờ địch qua nửa chừng rồi là đánh chúng.
Võ Hầu hỏi rằng: Trời mưa dầm lâu ngày, xe ngựa bị kẹt không dời chuyển được, bốn phía đều bị bao vây, ba quân sợ hãi, phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Về phép dừng xe, trời mưa ẩm thấp thì nghỉ, trời nắng khô ráo thì dừng, quý nơi cao mà chê nơi thấp. Khi dừng xe nặng, đi đứng đều phải tuân theo đường sá, địch dấy binh ắt hẳn sẽ đuổi theo dấu bánh xe.
Võ Hầu hỏi rằng: Giặc dữ thình lình kéo đến, chiếm đồng ruộng của ta, bắt trâu dê của ta, phải làm thế nào?
Khởi đáp rằng: Giặc dữ kéo đến, ắt lo lắng về cái hoàn cảnh miễn cưỡng của chúng ta, ta bèn giữ kỹ chớ đánh chúng ngay, đến chiều chúng sẽ rút lui, đùm bọc, khiêng dắt nhiều đồ vật; bấy giờ chúng phải sợ sệt, muốn lui về cho gấp, như thế chúng không có lòng chuyên chú chiến đấu, ta bèn đuổi theo mà đánh thì quân địch phải tan vỡ.
Ngô Tử nói rằng: Phép đánh địch vây thành là sau khi hạ được thành ấp, ta vào chiếm cung phủ, sắp đặt lộc trật (tổ chức việc cai trị), tịch thu khí vật của họ; quân ta đến chỗ nào, cấm chúng không được chặt cây, phá nhà, lấy lúa gạo, giết gia súc, đốt kho chứa trữ, để tỏ cho dân chúng rằng quân ta không có lòng tàn nhẫn; bên địch có ai xin ra hàng, ta cũng bằng lòng cho hàng và an ủi họ.
Thiên thứ 6: KHÍCH LỆ SĨ TỐT
Võ Hầu hỏi rằng: Thưởng phạt nghiêm minh, riêng việc ấy có đủ để chiến thắng không?
Khởi đáp rằng: Về việc nghiêm minh, hạ thần không dáp cho rằng mình biết đủ hết, tuy nhiên chớ nên trông cậy vào đó. Ban bố hiệu lệnh mà dân thích nghe, dấy động binh mã mà dân ham đánh, đem ra chỗ chiến trường đầu tên mũi giáo mà dân vui lòng liều chết, đó là ba điều mà dân chúa có thể trông cậy.
Võ Hầu hỏi: Muốn được như thế phải làm thế nào?
Khởi đáp: Nhà vua nên cất nhắc những người có công trạng để họ hưởng lộc và khuyến khích những kẻ vô công.
Bấy giờ Võ Hầu sắp ngồi tại miếu đình ba hạng khách tiệc:
– Các quan đại phu, các người có công đầu được ngồi chiếu ăn hàng đầu, được đãi thức ăn uống bậc nhất, thịt tế bậc nhất;
– Các người có công kém hơn được ngồi chiếu hàng giữa, được đãi kém hơn;
– Các người không công được ngồi chiếu ăn hàng sau, không được đãi các thức thượng phẩm.
Tất cả ăn uống xong rồi đi ra. Lại ban thưởng cho cha mẹ, vợ con của các kẻ có công ngay ngoài cửa miếu đường, cũng bằng theo công trạng mà đãi cao thấp khác nhau.
Đối với nhà nào có người chết trận, hàng năm sai sứ giả đến an ủi và ban thưởng cho cha mẹ, để tỏ lòng không quên công lao.
Thi hành việc thưởng công ấp được ba năm thì gặp lúc nước tầng dấy binh xâm phậm đất Tây Hà, sĩ tốt nước Nguỵ nghe được tin ấy, không đợi lệnh trên sai khiến mà đã mặc áo giáp, đội mũ trụ rang sức đánh giặc, số người ấy lên tới vạn người.
Võ Hầu triệu Ngô Khởi đến hỏi rằng: Lời dạy của ngài ngày trước bây giờ đã thi hành được rồi!
Khởi đáp rằng: Hạ thần được nghe rằng người ta có điều hay điều dở, khí có khi thịnh khi suy, xin nhà vua hãy giao cho thần năm vạn kẻ không công, thần xin dẫn họ đi đánh giặc, nếu lỡ ra mà không thắng, thì để cho chư hầu chê cười, và chịu mất quyền hành giữa thiên hạ.Nay khiến một tên tử tù nấp ở nơi đồng hoang, và cho ngàn người theo đuổi nó, thì nó không khỏi trở nên dữ tợn như chim kiêu, như chó sói, bởi có sao? Bởi nó sợ người ta hành động hung dữ mà hại nó vậy. Đó là một người liều mạng đủ khiến cho ngàn người phải sợ hãi. Nay hạ thần lấy năm vạn quân mà làm một tên tử tù để dẫn quân ấy đi đánh giặc, chắc chắn là giặc khó địch lại ta.
Võ Hầu nghe lời, thêm vào năm trăm cỗ xe, ba ngàn quân kị, mà phá được năm mươi vạn quân Tần, đó là nhờ khuyến khích sĩ tốt lập công vậy. Một ngày trước khi giao chiến, Ngô Khởi ban lệnh xuống ba quân nói rằng: Các sĩ tốt của ta đang bị xe ngựa và lính bộ của địch đón đánh, nếu xe của ta không bắt được xe của địch, lính kị của ta không bắt được lính kị của địch, lính bộ của ta không bắt được lính kị của địch, dù có phá được địch cũng đều không có công trạng gì cả. Cho nên đến ngày đánh, mệnh lệnh không rắc rối mà uy vũ làm rung động tất cả thiên hạ.
(Trích THẬP NHỊ BINH THƯ).
Xem thêm: Tìm hiểu binh pháp cổ đại Trung Hoa: BINH PHÁP NGÔ TỬ (quyển thượng) II Tìm hiểu binh pháp cổ đại Trung Hoa: BINH PHÁP NGÔ TỬ II Tìm hiểu binh pháp cổ đại Trung Hoa: BINH PHÁP KHỔNG MINH