Cúc mốc là một trong những loại cây nhìn lạ và đẹp mắt, nó có giá trị bởi cái vẻ già cỗi, nứt nẻ của thân, cái bồng bềnh của lá… Và đặc biệt hơn, nó còn là một loài dược thảo quý trong một số bài thuốc dân gian.
Bên cạnh những sanh, si, tùng, bách v.v. thì cúc mốc khi được tạo hình bởi nghệ thuật Bonsai có một vẻ đẹp riêng biệt, vừa có nét cổ kính lại pha chút lãng tử, bởi màu trắng bàng bạc như in đậm dấu ấn của mùa đông lạnh giá.
Cúc mốc rất thích hợp để làm các tiểu cảnh theo thế “thác đổ”… |
Cây cúc mốc hoa tuy không đẹp nhưng cây và lá lại rất “gợi hình”. Lá mọc vòng ở đỉnh cành như những bông hoa có lông trắng như mốc, chúng long lanh dưới sương như được phủ một làn tuyết mỏng. Lá nhỏ dày, bỏ vào ấm trà làm trà có mùi thơm của cúc.Cúc mốc là loài "diệp bất ly thân, hoa vô lạc địa", vì lá, hoa già chết vẫn bám chặt vào thân cây. Cây sống lâu năm thường trồng vào chậu nhỏ, có dáng như một cây cổ thụ. Người ta đặt cúc mốc bên đá cảnh gọi là tiểu cảnh thạch cúc. Có thể nói đây là loài cây rất hữu dụng khi trồng trong khuôn viên của gia đình. Cúc mốc khá dễ chăm sóc khi làm cây kiểng và lại có thể dùng để làm thuốc. Theo Đông y, cúc mốc có vị cay, thơm, tính mát, không độc, tác dụng trị can hoả, dương phế khí, làm tan màng nhầy, làm sáng mắt, trừ uế khí, chữa thổ huyết, chảy máu cam, cùng các chứng khác về huyết, chữa sởi, gầy lở, ù tai, trị ho, làm thuốc điều hoà kinh nguyệt.
Cúc mốc có tên Khoa Học là Crossostephium chinens, họ: Asteraceae. Người ta còn gọi là ngải phù dung, nguyệt bạch, ngọc phù dung. Cây có nguồn gốc xuất xứ tại Đài Loan, phân bố ở Việt Nam từ nhiều năm.
Đặc điểm hình thái:
Thân, Tán, Lá: Cây có thân cứng, ngắn, phân chia nhánh sát gốc, phủ lông trắng dày đặc. Lá mọc sát nhau làm thành bụi dày, lá ở gốc chia ba thùy, lá ở đỉnh nguyên phủ lông mịn cả hai mặt, màu trắng như tuyết.
Hoa, Quả, Hạt: Cụm hoa đơn độc ở đỉnh, lá bắc xếp thành nhiều dãy. Quả có một vòng vảy
Đặc điểm sinh lý, sinh thái:
Tốc độ sinh trưởng: Nhanh
Phù hợp với: Cây ưa sáng hoặc, ưa khí hậu khô thoáng, nhiều nắng, nhu cầu nước thấp. Dễ nhân giống từ hạt.
Công dụng: Lá được nhân dân dùng chữa cảm mạo, nhức đầu, ho, ăn uống không tiêu, đau bụng, có khi dùng chữa kinh nguyệt không đều. Mỗi ngày dùng 10-16g dưới dạng thuốc hãm hay thuốc sắc.
Cây sống nhiều năm, chịu hạn tốt. Có thể sống được trong đất nghèo dinh dưỡng. Cây tái sinh bằng hạt hoặc giâm cành.
Xem thêm: Kiến thức về 3 loại Lan cơ bản cần nhận biết để phân biệt II Thế giới xương rồng – không phải ai cũng biết II Kinh nghiệm chăm sóc và kích thích cây sung ra quả