Những họa tiết, hoa văn trên gốm Lái Thiêu

Nhất dáng, nhì men, tam trí (hình dáng, chất men và trang trí) là 3 yếu tố tạo nên vẻ đẹp cơ bản hoàn hảo của sản phẩm gốm. Đối với gốm Lái Thiêu xưa, chúng ta thấy có nhiều những họa tiết trang trí vô cùng đặc sắc, ấn tượng. cùng với những Minh Văn bằng chữ Hán hoặc Việt mà AgriMark đã đề cập ở bài viết ” Chữ trên gốm Lái Thiêu “. Ở bài này chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về những họa tiết, hoa văn thường thấy trên gốm Lái Thiêu.

Bát bửu: Tám vật được coi là quý giá đó là Bát bửu, Bát bửu có nhiều bộ: 1. Tám trì vật/Bửu bối của Bát Tiên, thường được thể hiện thành đồ án cặp đôi, tức 4 nhóm: Quạt vả – Kiếm, sen – Gỗ đào, ống sáo – Bầu trói/Hồ lô, cặp sênh (nhạc khí có hai dăm); 2. Bát bửu Phật giáo (gốc là trì vật của Thần Bảo tồn Vishnu) thường được chạm khắc dưới bàn chân Phật: 1. Bùa Ashtamagala; 2. Hoa sen; 3. Bầu đựng nước; 4. Phất trần; 5. Lọng tán; 6. Cá; 7. Ốc; 8. Cờ.

Tám thứ Bửu bối này chuyển qua Trung Quốc được gọi là Bát bửu: 1. Biến thể của Ashtamangala thành dây liên Bát kiết gọi là bàn trưởng (dây thắt nút vô tận), biểu thị cho sự may mắn, trường thọ, sự phong phú vô tận; 2. Xa luân; 3. Loa (ốc); 4. Liên hoa (bông sen); 5. Bảo cái (Lọng quý); 6. Thiên cái (tàng); 7. Bảo bình (bình); 8. Song ngư (hai con cá). Các món đồ quý thật ra có đến 14 món: 1. Ngọc như ý; 2. Khánh đá; 3. Tường vân (mây lành); 4. Phương viên (hình thoi/ miếng chả); 5. Sừng tê; 6. Lư; 7. Sách; 8. Bức tranh; 9. Lá ngải băng; 10. Lá chuối; 11. Cỏ thi; 12. Đinh; 13. Nấm linh chi; 14. Vàng xuồng.

Bát tiên: Tám vị Tiên, thường gặp được hiểu là 8 vị chủ quản về phía đông (dựa theo Tiên thoại Đông du Bát Tiên). Mỗi vị cũng được tôn làm thần Bảo hộ các ngành nghề và mỗi vị đều sở đắc một thứ bửu bối riêng: 1. Lý Thiết Quài (người ăn mày thọt chân, chống gậy sắt, mang hoặc cầm cái hồ lô, ở đó chứa tinh anh của ông); 2. Hàn Tương Từ (Tiên Đồng thổi sáo, được tôn làm thần của các nhạc công); 3. Hán Chung Ly (cầm quạt lá vả, đôi khi thêm quả đào tiên); 4. Lam Thái Hòa (Xách giỏ hoa, được tôn làm thần của những người bán hoa); Lữ Đồng Tân (tay cầm phất trần đuợc tôn làm thần y dược); 6. Trương Qua Lão (cầm một thứ nhạc khí); 7. Tào Quốc Cựu (tay cần sênh, được tôn làm thần của giới nghệ sĩ); 8. Hà Tiên cô (cầm cái vợt cán dài hay một ngó sen, được tôn làm thần bảo hộ gia đình).

Bát Tiên biểu thị cho sự trường sinh bất tử. Do đó có đồ án Bát Tiên hiến thọ (8 vị tiên ban sự sống lâu. Mỗi vị tay cầm một loại linh dược/thảo dược) Phổ biến hơn là đồ án Bát Tiên quá Hải (8 vị Tiên qua biển) vẽ tiên thoại kể về chuyện đông du của 8 vị tiên, trừ các loại ma quái ở biển Đông. Trên đồ gốm Lái Thiêu có trường hợp vẽ đủ Bát Tiên, có trường hợp vẽ nhị Tiên cũng có trường hợp vẽ một trong Bát Tiên…

Bướm: Chữ Hán gọi là Hồ Điệp. “Điệp” đồng âm với “Điệt” (người thọ trên 80 tuổi). Do đó, theo truyền thuyết Bướm đuợc thể hiện trong các đồ án chúc thọ. Ngoài ra, dựa vào chuyện Trang Tử nằm mơ hóa Bướm hay lượn vui giữa muôn hoa. Do đó, Buớm và Hoa biểu hiện cho niềm vui thú và ở một khía cạnh khác Buớm cũng biểu thị cho hạnh phúc lứa đôi. Có lẽ các đồ án trang trí Bướm – hoa trên đồ gốm Lái Thiêu biểu ý sự vui thú hay hạnh phúc lứa đôi/vợ chồng.

Cá: Chữ Hán là “Ngư”, đồng âm với “dư” là dư dật, sung túc. Do đó, cá biểu thị cho sự sinh con, đẻ cháu nối truyền dòng giống. Đồ án trang trí trên gốm Lái Thiêu là Tảo – Ngư (rong – cá) cũng dựa vào tính đồng âm để biểu thị lời cầu chúc sớm được sung túc/tảo dư.

Cá chép: Chữ Hán đọc là “Lý Ngư”, đồng âm với lợi dư. Do đó cá chép là loại đồ án trang trí biểu đạt ý chúc tụng sung túc. Mặt khác, tục truyền cứ vào tháng 3 âm lịch, cá chép thường bơi ngược dòng Hoàng Hà tranh tài vượt dòng Long Môn để hóa thành Rồng. Cá chép vượt Long Môn được biểu thị việc thi cử đỗ đạt của kẻ sĩ. Long Môn tam cấp biểu thị cho 3 cấp tuyển trạch: Thi hương, Thi hội, Thi đình. Các đồ án thể hiện truyền thuyết này thường vẽ con cá chép đang vọt lên trên đỉnh song nước/hồi ba chập chùng và ở trên không là những con rồng đang lượn trên mây ngó xuống. Do đó, đồ án này còn được gọi là “Long ngư hý thủy” hay “Khiêu Long môn”.

Cá vàng: Là loài cá kiểng phổ biến, người ta nuôi cá vàng là để ngắm nhìn chúng vẩn vơ bơi lội một cách thanh nhàn. Trên đồ gốm Lái Thiêu, cá vàng được vẽ với những cọng chum/chùm rong để cầu chúc sớm được hạnh phúc (tảo dư). Có đồ án vẽ được một con, lại có đồ án vẽ 2 hoặc 4 con cá vàng. Ở đây, cá vàng đọc theo âm Hán tự là “kim ngư” đồng âm “kim dư” (có vàng là dư dả). Do đó, đồ án cá vàng thường được tặng vào dịp đám cưới. Lại có đồ án vẽ kim ngư với hoa sen để biểu thị lời chúc “Kim ngọc đồng hòa” (Kim ngư: Kim ngọc; Hà (sen): Hòa). Đồ án vẽ hai con cá vàng biểu trưng cho sự sinh sản, phát đạt, phồn thịnh.

Chim: Là đề tài phổ biến trong trang trí mỹ thuật gốm và nhiều loài chim hàm chứa ý nghĩa biểu trưng: Hạc, đại bàng, chim thước, én, trĩ, cút, sẻ. Loài chim “Bạc đầu” biểu trưng cho người cao tuổi và cặp chim loại này thường thích hợp với loại hoa mẫu đơn: biểu đạt sự mong cầu/chúc tụng hậu vận được giàu sang.

 

Gà: Hình ảnh con gà trống trên tô, đĩa.. đã trở thành “thương hiệu” của gốm men màu Lái Thiêu

Cổ đồ: Các đồ vật cổ xưa được coi là quý báu. Cổ đồ bát bửu: 1. Tiền đồng; 2. Ngọc châu (trân châu); 3. Miếng chả (hình thoi, gọi là phương viên); 4. Sách; 5. Khánh (nhạc cụ); 6. Bức họa (thường thể hiện dưới dạng tranh cuộn); 7. Sừng tê; 8. Lá ngải băng. 8 vật này biểu thị cho sự phú quý và tao nhã. Cúng thường thể hiện cặp đôi. Mặt khác cổ đồ (còn được gọi là bách cổ) là các nhóm thuộc bát bửu hay tứ bửu là những vật biểu trưng cho mỹ thuật âm nhạc (nhạc cụ), thú vui giải trí (bàn cờ), thư pháp/thư họa (tranh cuộn, chữ viết) hoặc bức tranh. Các loại vật này được thể hiện ước lệ tích hợp với bồn chậu (đồ tự khí), hoa, thú vật… Có những mô típ trang trí nhỏ bé không cho phép chúng ta nhận dạng để xếp loại chúng vào danh mục phân loại này.

Công: Biểu thị vẻ đẹp và sự sang trọng cao quý với các đề tài Mẫu Đơn Công (có người gọi Mẫu Đơn Trĩ)

Cúc: Loài hoa biểu trưng cho mùa thu (trong đồ án tứ thời Mai – Lan – Cúc – Trúc) và biểu thị cho khí tiết thanh tao của bậc cao sĩ, lấy sự an nhàn, ẩn dật làm vui và xa lánh danh lợi. Ở trong các đồ án khánh chúc, cúc đồng âm với cát (điềm lành) nên được biểu ý cát tường. Ở đồ gốm Lái Thiêu, cúc thường thích hợp với gà là để biểu thị sự cát tường.

Dây lá: Đồ án trang trí một dãy dây lá/dây leo, biểu trưng cho sự trường tồn, sự nối truyền của các thế hệ không dứt.

Dơi: Chữ Hán gọi là “biên bức” có âm đọc đồng âm với phúc/phước. Do đó đồ hình Dơi biểu thị cho phúc/phước. Đồ án 5 con dơi biểu thị cho ngũ phúc (Phước, lộc, thọ, khang, ninh).

Đá: Giống như núi, đá biểu thị cho sự trường tồn, trường thọ. Đồ án vẽ hòn núi bay, quả núi nhô lên trên mặt biển là biểu thị câu chúc thọ “Thọ tỷ Nam sơn, Phước như Đông hải”. Đá tích hợp với hoa sen biểu thị chí lớn của người quân tử.

Đào: Đào (cây, hoa, quả) có nhiều ý nghĩa biểu trưng. Gỗ đào treo trước cửa có công năng trừ tà, trái đào biểu trưng cho trường thọ (theo thần thoại: Vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu, 1.000 năm mới chín trái một lần) và hoa đào biểu thị cho vẻ đẹp của người thiếu nữ.

Em bé đọc sách: Đồ án thấy trên cái gạc – bù – lệch. Cậu bé ngồi chăm chú đọc sách bên ven đường, sau lưng là dãy tường rào hoặc sau lưng là cây chuối… Đồ án em bé đọc sách này có người cho rằng đó là Chu Mãi Thần, người đời nhà Hán rất chăm học, vừa đi bán củi, vừa đem sách theo học. Năm 50 tuổi được tiến cử lên vua Võ Đế, được phong làm quan lớn. Lại nữa, có người cho rằng đó là Trác Dẫn (nhà nghèo và rất ham học. Ông bắt đom đóm, lấy ánh sáng thay đèn để đọc sách, học bài). Nói chung dù tra cứu như thế nào thì đồ án này cũng đều có ý nghĩa “khuyến học”.

Hạc: Là loài chim dung để biểu thị sự trường thọ. Đồ án phổ biến là Tùng – Hạc trường xuân (Hạc và cây tùng) cũng biểu thị cho sự sống lâu khỏe mạnh.

Hoa: Hoa của bốn mùa là mộc lan hay viên vĩ (xuân), Mẫu đơn hay Sen (hạ), Cúc (thu) và Mai hay Trúc (đông). Có một danh mục hoa tiêu biểu cho tháng, nhưng danh mục này tùy từng địa phương có khác nhau, song cũng có một số yếu tố giống nhau trong các danh mục đó: Hoa mai (tháng 2 âm lịch), Hoa đào (tháng 3), hoa sen (tháng 6), hoa quế (tháng 8) và hoa cúc (tháng 9). Do đó, trong các đồ án trang trí dùng hoa biểu trưng cho tiết thứ, cho bốn mùa có phần khó xác định. Mặt khác, hoa tích hợp với các loài chim để tạo thành các đồ án “Hoa Điểu” để biểu thị những ý nghĩa riêng. Bốn “bạn hữu” của hoa đều thấy trong các đồ án trang trí gốm Lái Thiêu là chim sẻ, chim yến, ong và bướm. Trong mỹ thuật, cây hoa và chim, bướm, thảo trùng là cặp đôi tĩnh – động, hô ứng cho nhau. Đó là “Luật âm – dương” của cái đẹp.

Hoa hồng: Đồ án tứ thời sử dụng bốn loại hoa để biểu thị cho bốn mùa. Ngược lại hoa hồng biểu thị cho cả bốn mùa, bởi hoa hồng nở quanh năm.

Hồ lô (Bầu trói): Bình chứa có phép tiên của đạo sĩ. Nó đựng chứa linh đan hay pháp thuật vô cùng linh nghiệm. Hồ lô là một mô hình của Trời và Đất, thể hiện một thể thống nhất. Khi mở có một luồng khí bay ra để bắt ma quỷ. Bầu trói/hồ lô biểu thị cho Lý Thiết Quài, một trong Bát Tiên. Ngoài ra, đồ án vẽ một dây bầu dài có trái, lá, tua cuốn… Biểu thị cho lời chúc “Vạn đại tử tôn” (con cháu truyền nối vạn đời).

Hổ (Cọp): Là chúa của các loài dã thú. Nó là sinh vật dương hàm chứa nguyên lý nam tính. Hổ được coi là con vật dũng mãnh có khả năng khu trừ ma quỷ.

Hổ phù (mặt bợm, mặt hợm): Là đồ án trang trí trên khoen cửa, quai xách của các loại bình, lọ, đôn, chậu, rương. Về nguồn gốc có nhiều ý kiến khác nhau: 1. Mặt thao thiếc đắp nổi; 2. Mặt con quì (thú một chân, chuyên bắt ma quỷ ăn thịt)… Nói chung đồ án này có công năng trừ tà, chống lại các điều xấu, các thế lực hắc ám…

Lan: Biểu trưng chính của lan chủ vào mùi hương và hướng về nữ giới. Nói chung, lan biểu thị cho tình yêu và vẻ đẹp. Cụm từ “Kim Lan chi” dung chỉ tình bạn thân thiết giữa hai người nam hay người nữ, không phân biệt giới tính. Câu nói: “Sống là kim lan đồng cành, chết đồng mộ” để chỉ tình yêu chung thủy.

Lân: Một trong tứ linh. Theo tín niệm cổ, Lân xuất hiện là điềm báo có thánh nhân xuất hiện, cuộc sống được thái bình. Do đó, lân biểu trưng cho điềm lành. Trong tâm thức cổ đại, Phụng – hoàng, kỳ – lân, Uyên ương là cặp đôi lưỡng thể này có ý nghĩa vũ trụ. Về sau, các cặp đôi lưỡng thể phân biệt ra âm – dương, đực cái – Trong gốm Lái Thiêu, cặp luôn luôn là con đực (kỳ), con cái (lân) biểu thị cho âm dương hòa hợp, tức điều cát tường.

Lựu: Còn gọi là “thạch lựu” là trái có nhiều hạt (tử). Do đó, lựu biểu thị lời chúc phúc: Có nhiều con cái. Đồ án trang trí thường thể hiện một hoặc hai ba quả lựu trong đó có một quả đã tách một miếng vỏ để lộ ra những hạt lựu, biểu thị lời chúc trong lễ cưới “Lựu khai bách tửu” (lựu nở trăm con”. Lại có đồ án tích hợp lựu với phật  thủ, Đào biểu thị lời chúc tam đa: Đa nam, đa phú, đa thọ.

Mai: Mai biểu trưng cho cốt cách người phụ nữ đẹp, mùa xuân. Trong gốm Lái Thiêu, mai được tích hợp với trăng và đồ án mai – Nguyệt (hồng mai hay bạch mai), thuộc nhóm đề tài hoa hảo nguyệt viên (Hoa đẹp trăng tròn) biểu thị cho sự tròn đầy và tương hợp, một hảo cảnh của lứa đôi hay mở rộng ra là cuộc sống thanh bình.

Mẫu đơn: Là chúa của các loài hoa, biểu thị cho phú quý (giàu có và danh giá). Mẫu đơn có nhiều màu nhưng màu đỏ là được coi trọng và có giá trị nhất. Hoa mẫu đơn trắng biểu thị cho các thanh, thiếu nữ tài sắc vẹn toàn. Trong dân gian “mẫu đơn chỉ có cô gái xinh đẹp. Tục truyền, hoa mẫu đơn nở hương thơm tỏa xa nghìn dặm quyến rũ các loài hoa khác và bướm. Ở đây, bướm biểu thị cho các chàng trai trẻ và hoa mẫu đơn biểu thị cho các cô gái. Đồ án tứ thời gộp các loài hoa để biểu thị bốn mùa: Mẫu đơn (xuân), sen (hạ), cúc (thu), mai (đông). Ngoài ra, mẫu đơn tích hợp với phù dung chỉ sự giàu có và tiếng tăm; tích hợp với đào biểu thị sự trường thọ, giàu có và danh vọng; tích hợp với tùng và đá chỉ sự giàu có và trường thọ.

Ngoài ra trên gốm Lái thiêu còn có một số đề tài thường gặp như: Lưỡng Long Triều (hau Chầu) Nhật (gọi tắt là Rồng Chầu, đối nghịch với một đề tài gọi là Rồng Đuổi), hay Lưỡng Long Tranh Châu (!), Ngư Long Hý Thủy, Cá Hóa Long, Long Phụng Triều Dương, Long Phụng Hòa Minh, Ngư Ông Đắc Lợi, Tứ Thời, Tứ Quý, Tứ Dân Tứ ThúThượng Cầm Hạ Thú, Trúc Lâm Thất Hiền, và cùng với những điển tích bên Tàu…V.v..

D.H (Tổng hợp)

Xem thêm: Chữ trên gốm Lái Thiêu ll Tìm hiểu về hiệu đề trên gốm sứ cổ Trung Hoa ll Tìm hiểu về Gốm Cây Mai , Saigon Xưa ll Tìm hiểu về hiệu đề trên gốm sứ cổ Trung Hoa ll Tìm hiểu về gốm mỹ nghệ Biên Hòa II Tìm hiểu về gốm Chu Đậu và quy trình sản xuất gốm cổ

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418 - 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
(Website đang trong giai đoạn Cập Nhật Hoàn Thiện)
EMG