Rong ruổi về miền Tây Nam Bộ, bạn sẽ bất ngờ khi thấy các cây cầu với cái tên cực kỳ độc đáo mang đậm chất bản địa miệt này.
Cầu Mồng Gà
Vốn là miền sông nước nên vịt được nuôi đại trà ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiếm thấy cầu mang tên đó. Ngược lại, những cây cầu có tên liên quan tới gà rất nhiều. Trên hình là cầu Mồng Gà ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Cầu Cựa Gà
Cầu Cựa Gà nằm trên quốc lộ 1A từ thị trấn Cái Nước về huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Cầu Cái Gà
Cái Gà nằm trên quốc lộ 1A về thành phố Bạc Liêu.
Cầu Cái Da
Không ít người thường thắc mắc vì sao ở đây lại dùng từ “Cái” rất nhiều, từ những vùng đất như Cái Răng, Cái Bè, Cái Nước, Cái Cui đến cây cầu tên Cái Da, Cái Xe, Cái Sơn đều có đủ. Cầu Cái Da cũng nằm trên quốc lộ 1A.
Cầu Lòng tong
Lòng tong là một loài cá rất nhỏ, có mặt khắp nơi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên cũng không lạ khi một cây cầu mang tên nó. Cầu Lòng Tong thuộc tỉnh Cà Mau trên quốc lộ 1A.
Cầu Chắc Cà Đao
Chắc Cà Đao là một vùng đất ở thị trấn An Châu, tỉnh An Giang. Cụm từ “chắc cà đao” ngày xưa thường được dùng bởi những người dân quê, ám chỉ một vùng đất xa xôi hẻo lánh ít dấu chân người. Cầu Chắc Cà Đao nằm trên quốc lộ 91 từ Long Xuyên về Châu Đốc, An Giang.
“Em là gái Chắc Cà Đao
Xứ quê xa lắm anh nào có hay
Thương anh còn một chút này
Gửi thuyền cho bến, gửi mây cho trời
Gặp đây là chút tình thôi
Cõng nhau đi trọn kiếp đời mai sau”…
Có lẽ ai đó một đôi lần trong đời có nghe nhắc đến địa danh Chắc Cà Đao như để ví một nơi nào đó xa lắc, quê mùa, có khi chỉ với mục đích gây cười là chính, nhất là các tiểu phẩm hài miền Nam: “Nhà nó ở tận… Chắc Cà Đao!”. Vậy Chắc Cà Đao có thật không và nếu có thì ở đâu?
Ngày xưa, cụm từ “Chắc Cà Đao” ngoài việc được dùng để chỉ một xứ sở xa lơ xa lắc ở đâu đó tuốt dưới miền Tây, còn được ám chỉ một nhân vật “quê mùa, thô kệch” lắm (thằng đó ở Chắc Cà Đao). “Mặc Cần Dưng” cũng vậy, tưởng như ba cái từ để trêu chọc qua lại, ấy vậy mà nó có thật. Thật ra hai cụm từ trêu ngươi ấy luôn đi liền với nhau bởi nó là hai địa phương cũng chẳng xa nhau lắm.
Dân thành phố, dân thị xã hay tỉnh lỵ nếu không gọị mấy anh chân lấm tay bùn ở đồng ruộng miền Tây là thằng “chắc cà đao’ thì cũng là thằng “mặc cần dưng”, nôm na lịch sự hơn thì gọi là anh “Tư Ếch”. Câu chuyện “Tư Ếch đi Sài Gòn” là câu chuyện dài theo kiểu “tiếu lâm đau đầu” khi nói về sự ngô nghê khờ khạo của những chàng nhà quê miền Tây ngày nào.
Nhưng Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng ở đâu mà bị cho là quê mùa dữ vậy?
“Làng quê tên Mặc Cần Dưng
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao
Dưới kia là Chắc Cà Đao
Cách tám cây số không sao lạc đường”…
Thật ra Chắc Cà Đao và Mặc Cần Dưng là một địa phương có từ lâu đời của tỉnh An Giang, hai địa phương này chỉ cách Long Xuyên trong khoảng 10km trở lại. Sau 1975, cả hai đều thuộc huyện Châu Thành. Mặc Cần Dưng là xã Bình Hòa, huyện Châu Thành. Sau này Bình Hòa chia thành 2 xã Bình Hòa và An Hòa. Còn Chắc Cà Đao trước là Hòa Bình Thạnh, huyện Châu Thành. Nay là thị trấn An Châu, tuy tên không còn nhưng chiếc cầu ngay thị trấn vẫn còn tên Chắc Cà Đao, như để hoài niệm về một thời xưa cũ.
Về nguồn gốc tên gọi Chắc Cà Đao có nhiều giả thiết. Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nói có hai cách lý giải:
– Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là do tiếng Khmer “chắp kdam” nghĩa là “bắt cua” vì vùng này xưa kia có nhiều cua.
– Nhà nghiên cứu Sơn Nam nói Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer “prek pedao”. “Prek” là rạch, “pedao” là một loại dây mây (trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam thì Sơn Nam nói prek pedao là rạch có cây rừng mọc).
Cụ Vương Hồng Sển cho rằng ý kiến ông Nguyễn Văn Đính đúng hơn. Có lẽ vì so với Chắc Cà Đao thì “chắp kdam” gần âm hơn là “prek pedao”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông Nguyễn Văn Đính thì ta biết “chắp kdam” là một động từ, mà trong việc đặt tên cho các địa danh, người ta ít sử dụng động từ mà thường sử dụng danh từ hơn. Do đó, cách lý giải của nhà nghiên cứu Sơn Nam lại nghe có vẻ hợp lý hơn.
Có dịp về ngang vùng Long Xuyên, ghé lại một nhà hàng bên đường, thưởng thức những món đặc sản vùng nước nổi như ốc, rắn, chuột đồng hoặc thịt trâu hấp hèm… bên cạnh những cọng hẹ mỏng tang, cọng bông súng giòn rụm, lại được nghe tiếng đàn kìm và sáu câu vọng cổ đặc sệt Nam bộ mới thấy sự Chân chất hồn nhiên ở cái xứ Miệt vườn này
Những ai đi Châu Đốc thường ngang qua địa danh này, từ Long Xuyên theo quốc lộ 91 đến thị trấn An Châu thuộc huyện Châu Thành, chỉ hơn 8 cây số sẽ gặp một cây cầu tên là cầu Chắc Cà Đao, bắc ngang qua con kênh cùng tên. Vùng đất hai bên con kênh dài hơn 15 cây số này được gọi là làng Chắc Cà Đao, nhưng bây giờ ít ai dùng địa danh có nguồn gốc Khơme ấy nữa, người ta thích dùng tên “sang” hơn, tùy vị trí, khi là thị trấn An Châu, khi là xã Hòa Bình Thạnh, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
Làng quê tên Mặc Cần Dưng
Hướng lên Châu Đốc nửa chừng cầu cao.
Dưới kia là Chắc Cà Đao,
Cách tám cây số không sao lạc đường.
Xuống kinh qua tới bờ mương,
Nhà tôi mát rượi, cá lươn rất nhiều.
Nuôi nhiều ăn chẳng bao nhiêu,
Dành khi có khách sẽ chiêu đãi liền.
Mong sao gặp được bạn hiền,
Chén thù chén tạc thì tiên cũng hàng.
Bao giờ có dịp đi ngang,
Viếng Bà Chúa Xứ, ghé làng mình chơi…
Cầu chữ S
Trong khi TP HCM trang bị cầu chữ Y tả theo hình dáng chính ký tự này, đoạn quốc lộ 91 từ Long Xuyên về Châu Đốc cũng có cây cầu như vậy, nhưng uốn cong hình chữ S.
Cầu chữ U
Dùng chữ cái để mô tả thì cầu hình ký tự Y, S, H, X đều đứng nhưng cầu Chữ U lại không. Đây chỉ là một cây cầu thẳng, nằm ở tỉnh An Giang đoạn từ Tri Tôn về Long Xuyên.
Cầu Ông U
Cầu Ông U ở quốc lộ 1A trên đường về Cà Mau.
Cầu Xẻo Xu
“Xẻo” cũng là một từ thường dùng ở đây, giống chữ “Cái”. Đi khắp miền Tây, bạn sẽ bắt gặp những cái tên như Xẻo Xu, Xẻo Cao, Xẻo Quýt, Xẻo Xiêm, Xẻo Rô… Cầu Xẻo Xu nằm trên quốc lộ 53, từ Tắc Cậu đi thị trấn Thứ Bảy, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Cầu Xếp Bà Vải
Một địa danh trên quốc lộ 54 từ thành phố Long Xuyên về Cần Thơ.
Speak Your Mind