Về quê, tôi làm một ngôi nhà bằng đất
Tác giả: Bùi Hoài Mai
Gạch đất không nung dùng để xây nhà. Ảnh chụp lúc đang xây dựng.
Kĩ thuật làm nhà bằng đất đã có một truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Cách đây khoảng 20 năm, bạn có thể tìm thấy rất dễ dàng những ngôi nhà được xây bằng đất trong rất nhiều ngôi làng Việt Nam, rất phong phú. Thế nhưng, mọi việc đã khác từ khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, vật liệu xi măng và kĩ thuật làm nhà bằng bê tông càng ngày càng phố biến, lan từ thành phố về dần các vùng nông thôn, hữu dụng và đa năng, dễ sử dụng và dễ thi công. Hơn nữa, việc dùng xi măng làm nhà đã được tiêu chuẩn hóa đến mức người ta không còn phải băn khoăn nhiều về nó. Nhất là khi gần như tỉnh nào cũng có một nhà máy xi măng và được bán với giá phải chăng.
Ý định xây nhà bằng đất của tôi lại xuất phát từ những thích thú khi bước vào những ngôi nhà tường đất nện còn sót lại trong làng. Nó mát hơn hẳn và không hề thấy sự bức bối của độ ẩm trong những ngày nồm. Và điều này được khẳng định bằng các nghiên cứu khoa học khi tôi có trong tay cuốn “Kỹ thuật xây dựng bằng đất của Gernot Minke” (Nhà xuất bản kiến trúc Birkhäuser). Trong cuốn sách có chỉ ra vô số những điều thú vị khi xây tường bằng đất sống, bên cạnh việc giảm đáng kể bức xạ nhiệt, tự cân bằng độ ẩm, lọc không khí… Sách cũng chỉ ra rằng: các đo đạc thực hiện tại một tòa nhà mới xây ở Đức, trong đó cả nội và ngoại thất đều được làm từ đất, trong thời gian 8 năm, cho thấy độ ẩm trung bình trong nhà gần như được giữ ở mức cân bằng 50% suốt năm, chỉ dao động trong phạm vi từ 5% đến 10%, vì thế giúp tạo ra môi trường sống rất tốt cho sức khỏe với độ ẩm được hạ xuống vào mùa hè và tăng lên vào mùa đông.
Tất nhiên, một lí do nữa để quyết định xây một ngôi nhà bằng đất sống là giá thành. Sau tính toán, nó tiết kiệm một khoản kha khá so với dùng gạch và xi măng. Và nếu từng ở cạnh một lò nung gạch thì bạn sẽ thấy không khí bị ô nhiễm thế nào. Chả đâu xa, vài vụ trước, ngay trong cái làng này, cả vạt lúa lẫn những vườn cây sấu úa vàng rồi chết chỉ vì có một lò gạch đốt trộm. Thường ở quê, người ta chỉ cho đốt gạch vào những lúc rỗi vụ để khỏi ảnh hưởng đến hoa màu.
Ý tưởng xây dựng ngôi nhà bằng đất đã hình thành giản đơn như vậy. Một cái ao được đào trước mặt dùng để chứa nước và nuôi cá. Lượng đất được đào lên, thay vì phải chở đi đổ, thì đã thừa để biến thành vật liệu để làm thành những viên gạch không nung xây toàn bộ tường, hàng rào cho ngôi nhà.
Toàn cảnh ngôi nhà khi đã làm xong, nhìn từ khu vườn bên hông
Một khung nhà cũ bằng gỗ được mua lại với giá rẻ của một nông dân trong làng khi ông muốn vứt nó đi để xây một ngôi nhà bằng bê tông. Một vài người thợ xây, thợ mộc trong làng được thuê để xây dựng ngôi nhà bằng những kĩ thuật cổ truyền mà họ còn nhớ được.
Tất nhiên cũng chả khó khăn khi trong ngôi nhà đó vẫn có đủ các phòng tắm, vệ sinh với tiêu chuẩn tiện lợi.
Ngôi nhà được hoàn thành sau hơn hai tháng và với một con số về chi tiêu tài chính khá kinh ngạc: khoảng 300 triệu cho 200m2 nhà ở với hai buồng ngủ, một phòng khách và một bếp ăn khá rộng rãi. Chi phí đó còn đủ cho 400m2 vườn và cái ao nhỏ. Tất nhiên chi phí này không bao gồm những bức tranh, hay vài món đồ gỗ cũ được bầy trong ngôi nhà đó.
Ngoài việc để người chủ nhà có những giây phút thú vị khi sống trong ngôi nhà đó thì những mong muốn của tôi – là người xây nhà – là thay đổi được quan niệm của những người nông dân hàng xóm là đã làm nhà thì buộc phải bê tông.
Vài người dân sau khi sang tham quan đã quyết định sửa chữa nâng cấp ngôi nhà cũ mình đang ở chứ không phá nó đi. Người hàng xóm đã bán cho chúng tôi cái khung nhà cũ vẫn hay sang chơi và ngắm cái khung nhà cũ của mình một cách tiếc nuối. Ông nói rằng giấc ngủ của ông trong ngôi nhà mới không hề ngon. Ngôi nhà đó hình như thiếu một cái gì, mặc dù ông đã chi khá nhiều tiền vào để có một ngôi nhà giống những ngôi nhà trên phố.
Cổng nhà. Cảnh cửa to sẽ được mở khi cất ô tô vào sân.
Một cái cổng thứ hai, sau khi bước qua cổng chính. Cổng này làm nhiệm vụ tạo thêm một lớp không gian nữa phân định giữa ngôi nhà chính và nơi đỗ ô tô – thứ mà chủ nhân cần có nó nhưng không muốn nhìn thấy nó hiện diện trong ngôi nhà. Vì là đất trên đồi, nên cánh cổng này cũng là nơi phân không gian giữa lớp dưới và lớp trên.
Từ cổng phụ có lối đi dẫn vào khu nhà và ao. Vì miếng đất có mặt ngang khá lớn, cái cổng phụ sẽ cho cảm giác khu đất sâu hơn.
Đây là ngôi nhà chính và ao. Ao trước cửa nhà được đào để lấy đất làm gạch không nung, đủ dùng cho xây dựng toàn bộ ngôi nhà và tường rào. Nước của ao được lấy từ nước mưa từ mái nhà, chảy theo một hệ thống cống ngầm. Sau 3 năm, lúc nào ao cũng đầy nước. Hình dạng ao không vuông mà được xây một cách tự nhiên vì còn phải tránh những cây mít có sẵn trong vườn.
Sân trước nhà và một ngôi nhà khung gỗ đã cũ, 5 gian. Tường được xây bằng gạch không nung lấy từ cái ao trước mặt.
Hàng hiên. Những chân gốm và những con voi quì được làm từ xưởng gốm của họa sỹ cạnh đó. Chân gốm được làm rỗng sau đó nhồi bê tông vào trong để chịu lực
Bước vào trong, ba gian giữa được dùng làm phòng khách, với nội thất bằng tre mua từ Thanh Lai, làng chuyên làm đồ từ tre trúc gần đó. Kinh nghiệm cho thấy, rằng tuy mấy người bán bàn ghế nói rằng đã sử lý mọt, nhưng cẩn thận thì khi mua bàn ghế về vẫn nên ngâm xuống ao vài tháng.
Quang cảnh từ gian giữa nhìn ra sân trước.
Một cái tủ cũ dược bày ở phòng khách (ba gian giữa) giới sưu tầm thường gọi nó là tủ chạn. Phòng khách ba gian được ngăn với hai phòng ngủ ở hai đầu hồi bằng vách gỗ.
Nhà có nhiều hành lang. Bên phải phòng khách thông ra một hành lang dẫn tới nhà vệ sinh và bếp.
Cái hành lang nối nhà chính với bếp là đây. Trên hình, hàng hiên và phòng khách bên tay phải, hành lang ở trung tâm hình. Tường bên trái là tường nhà bếp. Toàn bộ ngôi nhà chỉ cần một nhà vệ sinh ở trung tâm nằm trên trục hành lang. Mọi người đều tiếp cận được nó mà không bị làm ảnh hưởng đến người khác.
Một lớp cổng nữa để tạo lớp không gian giữa sân giữa (của phòng khách và bếp) với vườn. Sân giữa này khá thú vị khi kê bàn ngối ăn ngoài trời vào buổi tối.
Nhà bếp, trong có một lò sưởi củi, có thể dùng trong những ngày đông, nhưng công dụng thường xuyên là để nướng thịt. Lò thông khói khá tốt, tránh được việc mùi thịt nướng ám vào quần áo. Phòng bếp khá rộng, đủ kê một cái giường ngủ, hoặc cho những ai thích ngồi nhậu theo kiểu ngồi xếp khoanh chân theo cách truyền thống.
Phòng ngủ cho người già, có hai cửa: một cửa tiếp cận với phòng khách và một cửa thông với phòng ăn, bếp và vệ sinh.
Nhà được xây bằng gạch đất, và cũng trát áo bằng đất kết hợp với phù điêu gốm nung.
Tường nhà được xây bằng gạch đất lấy bằng cách đào ao. Ảnh chụp lúc đang xây dựng
Một chi tiết: nhà nông thôn thì nên có ao, nhưng ao phải có lan can để phòng trẻ con từ thành phố về không trượt chân. Trong ảnh là góc nhìn từ sân nhà ra ngoài cổng
Còn đây là nhìn ngược qua ao vào nhà
Mặt bằng ngôi nhà
Xem thêm: Không gian xưa trong ngôi nhà Việt hiện đại ll Những mẫu nhà truyền thống độc đáo của Việt Nam
Speak Your Mind