Triết lý âm dương của non bộ và những điều cấm kỵ cần tránh

Như bài trước, AgriMark có chia sẻ về Các thế núi của Non Bộ và kinh nghiệm tạo dựng Hòn Non Bộ đẹp thì bài này bổ sung quan điểm về triết lý âm dương của non bộ cũng như những điều cấm kỵ cần tránh khi chế tác non bộ.

Triết lý âm dương và “đạo chơi” non bộ

Non bộ Việt Nam chú trọng về nước, khác với non bộ Trung Quốc và Nhật Bản chú trọng về cây. Điều này muốn nói lên rằng nền Văn Hóa của người Việt là một nền Văn Hóa Lúa Nước khác biệt với nền Văn Hóa Du Mục của Trung Hoa.

Kiểu gì thì non bộ Việt phải có nước, chiều sâu mặt nước không quan trọng nhưng phải không nhìn thấy chân núi. Trong non bộ xưa đá hoàn toàn bị bao quanh bởi nước. Non bộ lớn đặt ở đình chùa thường thả cá lớn, rùa.., còn non bộ nhỏ đặt bàn trà thì cũng “điểm” vài chú cá bảy màu. Tuy nói non bộ Việt không chú trọng về cây nhưng trong chế tác vẫn có cỏ rêu và cây bụi theo một tỉ lệ tương ứng.

Ngày nay, do chịu ảnh hưởng từ các trào lưu bonsai thế giới. Người chơi Nom Bộ ở Việt nam có xu hướng phối cảnh tả thực đầy sáng tạo, cũng như rất chú trọng đến cây. Dân “chơi” có thể đưa những tác phẩm bonsai đẳng cấp vào hòn non bộ ưng ý của mình và phối hợp đá, nước, sông, suối…một cách đầy ngẫu hứng và ngoạn mục.

Bạn có thể bấm vào xem: Nghệ thuật tiểu cảnh độc đáo của nghệ nhân xứ Bắc

Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy non bộ xưa tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc âm dương mà trong đó, trong âm có dương, trong dương có âm. Núi nặng, vững chãi cứng cáp là “Dương”, như đồng thời cũng rất nhẹ nên gọi là “non bồng”. Để chỉ ý đó, người xưa làm chân núi không lộ như bây giờ mà ẩn dưới nước nhìn không thấy chân, như núi đang nổi trên nước vậy. Nước mềm mại là “Âm” nhưng cũng hàm chứa sự mạnh mẽ bên trong nó (là dương) bởi nước làm mòn đá núi. Bố cục cơ bản của non bộ cũng thể hiện quan niệm âm dương: Núi cao hơn là chủ (dương), núi thấp là khách (âm). Cạnh núi chủ có núi nhỏ hơn chút gọi là thiếu dương, cạnh núi khách cũng có núi nhỏ là thiếu âm.

Chú ý bức ảnh trên bạn sẽ thấy: Non bộ xưa thường làm chân không lộ để thể hiện cái ý “non bồng”, nhìn như núi nhẹ mà nổi trên mặt nước; trái với non bộ ngày nay thường làm chân choãi ra thoai thoải. Phải chăng cái thẩm mỹ của nghệ nhân hiện đại nghiêng về phần tả “thực” và điều này chịu ảnh hưởng bởi trường phái bonsai Nhật (!), (Có thể họ diễn giải rằng núi là phải vững chải, có chân, có đế…)

Những điều cấm kỵ cần tránh

Ngoài giá trị thẩm mỹ, người xưa còn gửi gắm những đạo lý vào trong đó. Chơi sinh vật cảnh là nó vận đúng vào gia cảnh nhà mình, cho nên các cụ tuân thủ nghiêm ngặt các điều cấm kỵ. Sách “Cây thế Việt Nam- nghệ thuật, kỹ thuật và đạo chơi” viết 5 điều kiêng kỵ như sau:

1. Thông tâm: ở chính giữa có lỗ thông từ trước ra sau. Như vậy khác nào tự kỷ ám thị rằng nhà mình rỗng tuếch, con người cũng rỗng, chỉ được cái thùng rỗng kêu to.

2. Lộ mục: thân núi có 2 lỗ tròn to, sâu, đen ngòm như 2 mắt yêu quái luôn dòm ngó vào nhà mình. Chơi thế độc lắm, trong khi nhà mình chỉ cầu được an lành.

3. Tiêm đầu: các ngọn núi nhọn hoắt như giáo mác tua tủa, non đầy sát khí. Trong khi đó dân tộc ta vốn hiền hòa và ưa chuộng hòa bình. Chuyện “hoàn kiếm” của vua Lê nói lên cái ước vọng đó của dân tộc.

4. Dị chủng: một hòn non bộ ghép bởi nhiều chủng loại đá khác nhau. Có khác nào trong nhà có nhiều loại con, con anh, con tôi thật loãng hết cả “máu đào”.

Như vậy, muốn dựng non bộ phải biết qua các loại đá cơ bản:

– Lũa thạch là loại đá do tác động của ngoại lực phong hóa lâu đời mà thành, dân thường gọi là đá tai mèo.

– Bàn thạch là đá chịu tác động của nhiệt độ thay đổi quá lớn giữa ngày và đêm, đá tự nổ. Từng tảng đá tách ra có mặt khá bằng phẳng.

– Nhũ thạch do nước mưa chảy qua núi đá vôi kéo theo canxi tích tụ qua nhiều triệu năm hình thành.

– Sa thạch là đá ở suối trải qua nhiều năm “nước chảy đá mòn” mà hình thành nên các viên đá nhẵn nhụi.

– Nham thạch là đá tạo thành do núi lửa phun trào.

Bởi vậy người đi lấy đá về làm non bộ chỉ lấy đá ở 1 chỗ nhất định trên quả núi thôi.

5. Triệt lộ: không có đường đi. Thường con đường là khe nước quanh co uốn lượn ở giữa 2 quả núi, bắt đầu từ phía trước mặt non bộ, quanh co nhỏ dần và mất hút đằng sau tiểu cảnh mà không thấy cuối đường. Không thể trồng cây hay chặn đá mất lối đi, như thế là cuộc đời bế tắc.

D.H (Tổng hợp có bổ sung)

Xem thêm: Các thế núi của Non Bộ và kinh nghiệm tạo dựng Hòn Non Bộ đẹp ll  Chiêm ngưỡng nét độc đáo của 2 trường phái sân vườn Á Đông 

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG