Tổng hợp những kinh nghiệm về cây dương (phi lao)

Dương hay Phi lao là cây lâu năm, có lá đốt, nhỏ như lá kim, không khó trồng, sinh trưởng nhanh, cây thành phẩm có nét gần gần như cây thông nên làm bonsai rất hợp lý. AgriMark tổng hợp những kinh nghiệm của các nghệ nhân về cây dương (phi lao) để các bạn tham khảo và làm tài liệu lưu trữ.

Ảnh sưu tầm

Mô tả đặc điểm sinh học của Phi Lao

Phi lao (dương, dương liễu, xi lau) thuộc họ Casuarinaceae. Theo Giáo sư Lâm Công Định, ở Việt Nam phi lao có 2 chủng: Phi lao trắng và phi lao tía. Phi lao trắng có gỗ màu trắng, thớ thẳng, gỗ mềm nhẹ, không bền. Phi lao tía có gỗ màu hồng, gỗ nặng và bền hơn phi lao trắng.

Cây Phi Lao trên dĩa cạn tại vườn thực nghiệp AgriMark

Cây sinh trưởng tốt nhất trên đất cát mới bồi tụ ven biển và đồng bằng; cũng có thể sống được trên đất cát nghèo, đất dốc tụ có tầng dày, thành phần cơ giới nhẹ, độ pH 5,5. Nhưng trên đất quá khô xấu, đất đồi tầng mỏng, lẫn nhiều đá, đất có thành phần cơ giới nặng, bí chặt, độ pH 4-4,5, cây sinh trưởng rất kém; lá vàng đỏ, thường biến dạng thành cây bụi, thấp, thân nhỏ, cành loà xoà trên mặt đất hoặc bị chết dần.

Phi lao sinh trưởng nhanh, chi cành rậm rạp. Cây rất ưa nước, nếu đủ nước cây phát mạnh. Cây non chịu lạnh kém nhưng khi đã ổn định (trên 2 tuổi) thì cây khỏe và rất khó chết. Khả năng tái sinh chồi của phi lao rất tốt, trên thân có nhiều rễ bất định. Ta có thể vận dụng đặc điểm này vào một số việc:

  • Tạo rễ buông cho Phi lao nếu muốn! Chỉ cần vít cành xuống đất và lấp đất lên, một thời gian sau rễ mới sẽ ra, ta kéo dần cành lên là thành rễ buông. Hoặc có thể chiết cành rồi nhử dần rễ xuống.
  • Tạo cây dạng bè nảy lên nảy xuống như quả bóng bàn vậy, nhìn rất sống động (hình A). Chỉ cần chọn cành nào gần đất có khúc ngoặt gấp (phi lao hay có cành thế lắm), vít nó xuống đất và lấp đi. Một thời gian sau cây ra rễ là ta có 1 cây độc đáo.
  • Chiết & giâm phi lao rất dễ.


Chữa phù cho dương (phi lao)

Có thể nói trong các lọai cây, phi lao có vẻ như là loại rất “nhạy cảm” trong việc hay bị phù: cây mọc quá sung cũng phù, dây nhôm mới hằn tí síu cũng phù… Quan sát hình ngọn của ngọn các cây trên ta thấy chỉ trên 1 đoạn ngắn mà có rất nhiều điểm bị phù, có thể thấy rõ nhất các nguyên nhân phù:

a- Các cành thứ cấp mọc quá gần nhau.

b- Để dây hằn quá sâu (các vết hằn ngang)

c- Xử lí vết cắt chưa đúng.

Cách khắc phục:

a. Bố trí các cành thứ cấp xa nhau ra, theo kinh nghiệm thực tế, vị trí các cành cách nhau tối thiểu = 4 lần đường kính thân cành là khó bị phù nhất (đúng với cả các chủng loại khác).

b. uốn dây với góc xiên nhiều, tránh để dây bị hằn vào da cây quá nhiều (khoảng 1/4 đường kính dây tháo ra là vừa, dương có cái hay là cứ đặt dây nhôm vào là mọc nhanh hơn bình thường nên rất mau hằn dây. khoảng 2-3 tuần là dây đã hằn dây rồi) – Trường hợp có thể thì cắt bỏ tại chỗ phù, đợi mầm mới lấy nhịp cành lại.

c. Để xử lí các vết cắt khi cắt từ phôi hoặc kể cả khi đã phù nên cắt các mặt cắt sao cho LÕM nhiều và ăn vào phần gỗ của thân hay cành thì sau này vết thẹo sẽ đùn đầy lên bằng mặt thân hoặc cành sẽ tránh được bị phù. Sau khi cắt cần lấy băng keo đen quấn thật chặt xung quanh chỗ cắt.

Chữa teo tóp cho dương (phi lao)

Nguyên nhân

a. Mặc nhiên sinh lí của Dương, nhất là các điểm ở phần tiếp giáp ở thân và ngọn là hay bị nhất

b. Để quá nhiều nhánh mọc ở 1 cành.

c. Xử lí vết cắt sai.

Khắc phục: Lợi dụng đặc tính dễ bị phù của Phi lao, tại điểm bị teo dùng dao sắc rạch những đườn thẳng song song với phương của cành hay thân, có thể rạch đến 4 đường nếu bị Teo đều, hoặc 1-2 đường nếu bị teo về 1 phía. Chú ý chỉ rạch hết phần da đỏ chỉ vừa chạm đến phần gỗ, sau đó bôi thuốc và lấy vải quấn nhẹ che vết thương lại, thì sau này vết thương sẽ cuốn lại rất nhanh và sẽ lồi ra rất nhiều làm cho các vết teo lồi ra và cân đối lại chỗ than hoặc cành đó.


Nhân giống phi lao

Nhân giống từ hạt

Thu hạt từ cây 10 tuổi trở lên (chu kỳ sai quả của phi lao là 2 năm). Quả chín vào tháng 9-10 khi vỏ quả chuyển từ xanh sang vàng nhạt, một số mắt quả mở ra để tung hạt ra ngoài. Mang quả về vun thành đống, ủ 2-3 ngày cho quả chín đều; mỗi ngày đảo một lần. Khi quả chín đều, phơi 3-5 nắng nhẹ để hạt tách ra. Hong khô hạt 2-3 ngày nơi râm mát. Khi khô đưa vào bảo quản. Thường 30-35kg quả được 1kg hạt. Có khoảng 650.000-700.000hạt/1kg. Tỷ lệ nảy mầm đạt 35-50%. Nếu được giữ ở nhiệt độ ổn định 5-100C, hạt có thể duy trì khả năng nảy mầm đến 1-2 năm.

Trước khi gieo cần ngâm hạt trong nước ấm (45oC) và để nguội dần, sau 10-12 giờ vớt ra cho vào túi vải ủ trong bao tải. Mỗi ngày rửa lại trong nước ấm (30-40oC) 1 lần. Khi hạt nứt nanh đem gieo vào khay cát. Sau 8-10 ngày, khi cây mầm cao 2-3cm, nhổ cấy vào bầu. Bầu có kích thước 7-12cm, thành phần ruột bầu 80% đất mặt vườn trộn 20% phân chuồng hoai. Những nơi gần rừng phi lao, hỗn hợp ruột bầu có thể chế biến từ lớp đất mặt của rừng + 1% supe lân. Thời vụ gieo tháng 2-3 và tháng 9-10. Thời gian nuôi cấy trong vườn ươm 4-6 tháng.

Đối với mục đích trồng Phi lao làm cây cảnh, ta phải tiến hành thêm 1 bước nữa để có bộ rễ đẹp. Đó là sau khoảng 1 tháng khi thân cây con đã thành thục, vỏ chuyển màu tím thì ta cắt ngang thân cây và ngâm vào thuốc kích thích ra rễ rồi đem trồng lại như giâm cành vậy. Làm như vậy sau này rễ sẽ xòe đều và đẹp.

Khi ươm ở trong vườn phải tưới đều, trong 3 tháng đầu ngày tưới 1 lần, lượng tưới 4-5lít/m2. Cây phát triển yếu, lá vàng phải dùng đạm và lân để bón bổ sung. Cây trong vườn ươm cần được che bóng. Độ tàn che thích hợp là 25% ánh sáng tự nhiên.

Nhân giống bằng giâm cành

Vào đầu xuân hoặc giữa thu, ta bẻ cành dài cỡ 10-15cm để giâm. Bẻ cành phi lao con rất dễ, chỉ cần lật ngược cành về phía sau là tách được ra khỏi cành chính. Đây là cách lấy cành giâm tốt nhất đối với tất cả các loại cây (nếu có thể tước cành) bởi không gây dập & thối gốc cành. Không nên cắt bằng dao kéo bởi sẽ gây dập không nhiều thì ít. Sau đó giâm cành và chăm sóc tương tự như nhân giống bằng hạt.

Chăm sóc
– Trong tự nhiên Phi Lao có thể phát triển tốt trong điều kiện đất kém màu mỡ, nhưng khi sống trong chậu, cần được bón phân hợp lý để đáp ứng tốt tốc độ sinh trưởng.
– Phốt pho và ni tơ là 2 thành phần không cần thiết có trong phân bón cho Phi Lao. Vì nó có thể tự tao ra nitrat cho riêng mình. Do khả năng tự tổng hợp Ni tơ khi cộng sinh với vi khuẩn Frankiasp. Trong môi trường tự nhiên nó phát triển tốt với nước ngầm mặn và nước muối vì vậy được khuyến khích đưa thêm muối xung quanh đất theo định kỳ ở một liều lượng nhất định.
– Cần phải cân nhắc cẩn thận khi thay chậu cho cây phi lao. Được khuyến cáo là nếu có thể nên tránh xáo trộn nghiêm trọng đến hệ thống rễ và ko nên cắt bất kỳ rễ lớn nào.
– Thời gian thay chậu tốt nhất là vào mùa khô và nên hạn chế tối đa việc thay chậu vào mùa mưa vì thời gian đó sẽ thiếu ánh nắng mặt trời, quá nhiều nước cũng như độ ẩm có thể gây ra thối rễ.
– Nếu như không thật sự cần thiết, nên thay đất định kỳ xung quanh chậu chứ không phải là thay hoàn toàn chất trồng với một hổn hợp chất trồng hoàn toàn mới.
– Để duy trì vẻ đẹp của tán lá theo thời gian, cần làm sạch các lá kim mọc thừa và ngắt các lá phát triển quá dài. Điều này có thể thực hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm để giữ cho tán lá gọn gang và không bao giờ rụng lá.


Lưu ý một số đặc tính khác của Dương (phi lao)

a. Cây rất ưa nước, nếu ngâm nước vào khay cây sẽ phát mạnh. Bạn xem cái cây con con của mình (hình B) thế này mà ngày hè nó hút gần hết nước trong khay luôn đấy.
b. Gỗ Phi Lao dễ bị mục, do đó không nên làm lũa.
c. Phi lao ưa nắng và gió.
d. Rễ phi lao khỏe và cứng cho nên không cần đất quá thoáng khí. Tuy nhiên đất chặt quá cây sinh trưởng kém. Với mình, mình dùng một số chất trồng chính cho tất cả các loại cây, chỉ pha sao cho sáng tưới chiều thấy đất khô là được. Không có một công thức pha đất trồng cụ thể nào bởi nó thay đổi tùy vào khí hậu, vào việc bạn đặt cây trên sân thượng hay dưới vườn v.v
e. Nhiều người nghĩ phi lao dễ chết nhưng không phải như vậy. Bởi vì phi lao có nhiều nốt sần chứa vi khuẩn cố định đạm cho nên nếu bạn đánh bầu đất mà rửa sạch hết đất cây dễ chết. Hai nữa là phi lao là cây lá bản, cần đánh bầu vào mùa xuân và giữa thu chứ không phải làm vào mùa đông như cây lá kim. Nếu cây đã sống ổn định trong chậu thì rất khỏe và hầu như không bao giờ chết.
f. Sau 50 năm cây bắt đầu già cỗi và suy thoái, cần trẻ hóa lại cây nếu không cây sẽ chết dần.
g. Không nên dùng dao kéo cắt sửa, nếu có thể hãy bẻ các cành con, và dùng 2 ngón tay túm chặt lá và xoay để lá đứt ra.
h. Không cần bón đạm và lân cho phi lao, bởi rễ của chúng cộng sinh với các vi khuẩn thuộc chi Frankia.
i. Nên thay đất vào mùa khô bởi có nhiều nắng, sau khi thay đất để 1, 2 ngày cho khô nhựa rồi có thể ngâm cây vào khay nước mỏng.

j. Cây dương dể bị chai lỳ, khi đã chai lỳ thì lâu phát triển. Đặt trường hợp nếu có một chi bị chai lỳ mà quá nhỏ, trong khi cạnh đó có 1 chồi non xanh xanh mới nhú thì tốt nhất cắt phéng nhánh chai đó, dùng nhánh mới nuôi theo phương pháp cắt nhịp khoảng 6 tháng -1 năm sau sẻ có nhánh bằng, và phát triển bự hơn nhánh cũ gấp 2-3-4 trong một vài năm tiếp theo…Phương pháp này có vẻ nặng tay nhưng đó là cách nhanh hơn nếu cứ giữ một nhánh bị chai lỳ.

Xem thêm: Kinh nghiệm về cây Ngọa Tùng & Duyên Tùng II Kinh nghiệm – kỹ thuật trồng và chăm hoa Đỗ Quyên II Kinh nghiệm chọn cá cảnh để rước tài lộc về nhà II Kinh nghiệm nhận biết các loại gỗ quý

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG