Những chậu hoa sứ to nhỏ với nhiều hình dáng độc đáo cùng những cánh hoa đa màu sắc, vừa làm say lòng những người mê hoa sứ vừa là một mô hình kinh tế hiệu quả gần chục năm nay của nhiều nông dân trong Câu lạc bộ (CLB) Hoa sứ xã Hưng Long (huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh).
Nằm ở vùng ngoại thành, Bình Chánh là địa phương có đất đai khô cằn, nhiều nơi khác đất lại ngập úng, trồng lúa không hiệu quả. Người nông dân nơi đây luôn trăn trở để tìm kiếm một hướng đi mới. Trong một lần về thăm vườn hoa ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), ông Trương Văn Phượng được nhiều nghệ nhân chơi hoa kiểng tại đây giới thiệu mô hình trồng cây sứ cảnh và thấy được giá trị kinh tế của chúng. Nhận thấy cây sứ thích nghi với nhiều vùng đất, môi trường, ông đã học tập kinh nghiệm, sau đó về lại xã Hưng Long mạnh dạn đi tiên phong về mô hình trồng cây sứ cảnh. Nhiều nông dân trong xã chung niềm đam mê đã cùng với ông Phượng thành lập CLB hoa sứ xã Hưng Long vào tháng 8/2008.
Ban đầu, CLB có 11 thành viên có tâm huyết tham gia. Sau gần 7 năm phát triển, hiện nay CLB đã thu hút được hơn 40 thành viên, canh tác trên 3ha đất vườn với hơn 100 giống hoa sứ các loại, trong đó thế mạnh của CLB là trồng các loại hoa sứ Thái Lan.
Vườn hoa sứ của một hội viên CLB Hoa sứ xã Hưng Long (Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh).
Cây hoa sứ con được ươm trồng từ hạt.
Một cây sứ trưởng thành cho hoa trong khoảng từ 8 tháng đến một năm.
Kỹ thuật lai thụ phấn cho cây sứ tuy đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thì mới cho ra giống sứ theo ý muốn.
Trái hoa sứ sau khi thụ phấn thành công, được đánh dấu theo gia phả của cây bố mẹ.
Kỹ thuật ghép thân trên cây hoa sứ.
Cây sứ càng có “củ” to và được tạo tác hình dáng lạ, độc đáo thì giá trị càng cao.
Mô hình trồng sứ kiểng trên sân thượng của nghệ nhân Nguyễn Văn Túc, hội viên CLB Hoa sứ xã Hưng Long.
Phun phân bón lá cho cây sứ.
Cây sứ thuộc nhóm cây mọng nước, thân cành mềm mại, không kén đất trồng và chịu được khí hậu khắc nghiệt. Trồng cây sứ không tốn quá nhiều diện tích đất, có thể trồng được ở nhiều địa thế khó khăn, đầu tư cho cây giống không nhiều. Cây sứ nhanh phát triển, từ lúc ươm hạt chỉ sau 8 tháng đến 1 năm có thể ra hoa, hoa nở trong vòng một tháng mới tàn. Để lai tạo ra được nhiều giống hoa mới lạ, nhiều màu sắc, người trồng thường cắt và ghép mô từ các loại sứ khác mà thị trường ưa thích, nhất là các loại sứ Thái Lan. Kỹ thuật cắt ghép và chăm sóc cũng đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ cần hướng dẫn qua là có thể thực hiện được. Ông Trương Văn Phượng, Chủ nhiệm CLB Hoa Sứ xã Hưng Long, người có hơn 10 năm trồng hoa sứ chia sẻ kinh nghiệm: “Cây sứ rất dễ trồng nên không cần chăm sóc nhiều, nếu “cưng” quá thì “nó” sẽ dễ chết. Khi cắt ghép cây sứ nên chọn mùa nắng, không nên ghép vào tháng mưa nhiều vì trời lạnh, sẽ bị ảnh hưởng xấu”. Hiện tại, vườn hoa sứ của ông Phượng có diện tích hơn 3000m2 , trồng được hơn 3000 gốc sứ.
Ông Út Ánh, thành viên lâu năm trong CLB chia sẻ: “Một cây sứ được cho là đẹp cũng tùy thuộc vào thị hiếu của người “chơi”, có người “kết” kiểu dáng độc đáo, lạ mắt, kiểu dáng bon sai, cây cảnh, có người “kết” màu hoa, số cánh hoa… Đặc biệt, nhiều người rất ưa thích các loài sứ Thái”. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, những năm qua CLB đã nhiều lần cử người sang Thái Lan học tập kinh nghiệm trồng, cách ghép cây và mua nhiều loại cây sứ Thái về làm giống. Đến nay, CLB cho ghép ra được nhiều loại sứ Thái độc đáo với nhiều tên gọi mỹ miều như: Tân Bạch, Thanh Phương, Baby Girl, Lasting Kiss… rất được ưa chuộng. Vì cây sứ có hoa quanh năm lại có nhiều kích cỡ khác nhau nên thị trường tiêu thụ cũng rất đa dạng. Trong các khu đô thị mới, khuôn viên các ngôi đình, chùa, cổng nhà, vườn cây cảnh tư nhân, ban công nhà ở cho đến các cuộc triển lãm hoa đặc biệt các dịp lễ tết, hoa sứ đều rất được ưa chuộng. Hoa sứ của CLB đã có mặt trên nhiều tỉnh thành, từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, đến một số tỉnh miền Tây, miền Trung. Mỗi năm, CLB Hoa sứ xã Hưng Long cung ứng ra thị trường khoảng 50.000 cây sứ. Giá bán một chậu hoa sứ từ vài trăm nghìn cho đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, cây sứ để càng lâu năm giá trị lại càng cao. Bình quân lợi nhuận hằng năm của các thành viên trong CLB trên hai trăm triệu đồng, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Một số loài hoa sứ Thái Lan của hội viên CLB Hoa sứ xã Hưng Long |
Vừa qua, CLB đã xuất sang Nhật Bản 1000 gốc sứ Thái, và đang có kế hoạch xuất sang các nước châu Á trong thời gian tới. Trung tâm tư vấn nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã cử các kỹ sư hướng dẫn cách cắt ghép và chăm bón nhằm tăng tuổi thọ cây sứ, hỗ trợ xây dựng một trang web cho CLB nhằm giới thiệu cây sứ của CLB đến với nhiều khách hàng trong và ngoài nước./.
Bài: Sơn Nghĩa – Ảnh: Nguyễn Luân
Xem thêm: >> Kinh nghiệm nghệ nhân về cây sứ ll Kinh nghiệm trồng cây sứ Thái II Thế giới xương rồng – không phải ai cũng biết