Riềng newman
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc chi Riềng (Alpinia Roxb.) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae) ở các vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi.
Loài mới được đặt tên Riềng newman, Alpinia newmanii N.S. Lý, để vinh danh Tiến sĩ Mark F. Newman của Vườn Thực vật Hoàng Gia Endinburgh, (Scotland, Vương Quốc Anh), người đã và đang có rất nhiều đóng góp trong nghiên cứu họ Gừng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Loài mới được công bố trên tạp chí chuyên ngành Nordic Journal of Botany tháng 2 năm 2017.
Khám phá này nâng tổng số loài thuộc chi Riềng ở Việt Nam lên khoảng 33 loài, trong đó có 12 loài riềng thuộc nhánh phụ Catimbium (subsection Catimbium) bao gồm cả loài Riềng newman.
Cụm hoa của loài Riềng newman (Alpinia newmanii N.S.Lý). (Ảnh Lý Ngọc Sâm).
Riềng newman, Alpinia newmanii N.S. Lý, là cây thân thảo đa niên, cao đến 1,7m. Mặt ngoài bẹ lá, cuống lá, lưỡi lá và mặt dưới của phiến lá có nhiều lông xám. Phiến lá hình elíp hẹp, dạng như da, xanh xám mặt trên, xanh mặt dưới. Cụm hoa ở ngọn mang 9–21 hoa, 3–7 hoa nở cùng lúc. Cụm hoa không lá bắc, lá bắc con hình elíp rộng, màu trắng. Đài hoa dạng hình chuông, màu trắng, đầu có 3 răng nhọn; tràng hoa tròn dài, màu trắng. Cánh môi dạng hình trứng-tam giác rộng, hơi uốn vào ở đáy(gốc) và phẳng ở phần đầu, cỡ 42–46 × 30–36 mm, màu vàng tươi với bệt đỏ đậm lớn ở đáy và các sọc đỏ đậm kéo dài về phía mép cánh môi, mép rách và uốn xuống, đầu xẻ 2 thùy. Nhụy lép hình dùi dài cỡ 4–8 mm, cong, màu đỏ đậm. Bầu noãn hình cầu, nhiều lông vàng. Quả nang hình cầu, màu đỏ tươi khi chín, nhiều lông.
Riềng newman có kiểu cụm hoa dạng chùm, ống tràng hoa hình phễu, nhụy lép hình dùi giống với các loài Riềng roxburgh (Alpinia roxburghii Sweet), Riềng hải nam (A. hainanensis K. Schum.) và Riềng ri (A. latilabris Ridl.). Riềng newman có lưỡi lá ngắn, phiến lá hình elíp hẹp có màu xanh xám đậm mặt trên, lá bắc con ngắn, ống tràng hoa dài, cánh môi dạng hình trứng-tam giác rộng hơi uốn vào ở đáy(gốc) và phẳng phần đầu, màu vàng tươi với bệt đỏ đậm lớn ở gốc và các sọc đỏ đậm kéo dài về phía mép cánh môi, và bao phấn dài là các đặc điểm hình thái khác biệt với các loài Riềng roxburgh, Riềng hải nam và Riềng ri.
Riềng newman mọc ven suối hay bên dưới tán rừng thứ sinh cây lá rộng ưu núi thế họ Dầu ở huyện Nghĩa Hành hay rừng thường xanh cây lá rộng trên núi thấp của núi Cà Đam huyện Trà Bồng và Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, ở cao độ từ khoảng 300–1000 m. Đây là loài đặc hữu hẹp, hiện chỉ phát hiện một số quần thể mọc phân tán từ 1–5 cá thể trưởng thành ở mỗi cụm tại núi Dầu huyện Nghĩa Hành và núi Cà Đam. Riềng newman ra hoa từ tháng 2 đến tháng 4, ra quả từ tháng 4 đến tháng 7. Hoa của loài khá lớn và đẹp, cần nghiên cứu bảo tồn và nhân giống để làm cảnh.
Tỏi cà đam
Đó là một loài Tỏi mới vừa được các nhà khoa học phát hiện và đặt theo tên địa danh ngọn núi cao nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Cây tỏi cà đam. (Ảnh: VAST).
Loài tỏi mới có tên khoa học Aspidistra cadamensis N.S. Lý & Tillich, được phát hiện ở ngọn núi Cà Đam cao nhất tỉnh Quảng Ngãi.
Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), tỏi cà đam là loài cỏ thân rễ đa niên cao đến 80cm, không phân nhánh. Bình hoa của chúng dạng hình chuông nhỏ, mặt ngoài trắng hoặc trắng kem với các đốm tía đỏ ở 1/3 đầu ống bình. Bộ nhụy hoa có hình nón ngược, nuốm nhụy đường kính 6-7mm, ba thùy ôm chặt.
Hoa loài Aspidistra cadamensis N.S. Lý & Tillich. (Ảnh: VAST).
Loài mới mọc thành các quần thể dưới tán rừng nguyên sinh cây lá rộng trên vùng núi Cà Đam, thuộc địa bàn hai huyện Tây Trà và Trà Bồng (Quảng Ngãi), ở độ cao từ 800 m đến trên 1.000m. Đây loài đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu là sự hợp tác của Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Đại học tổng hợp Ludwig-Maximilians (Đức).
(Theo vast.ac.vn)
Xem thêm: Phát hiện thực vật mới ở Cao Bằng và Đắk Nông ll Phát hiện cá khổng lồ ở Tp.HCM và con cá rô kỳ lạ ở Vĩnh Long
Speak Your Mind