Vùng đất trồng hoa tiến Vua và Ông tổ của làng nghề Hoa Cảnh xưa

Làng Vị Khê, thuộc xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định xưa kia vốn nức danh cả nước là vùng đất trồng cây cảnh tiến Vua. Nhưng có phải từ khi loài địa lan nơi đây “soán ngôi” các loại hoa cảnh khác để “kiêu hãnh” vào chốn thâm cung, nên trong dân gian lưu truyền câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”?

Vang danh thiên hạ, hoa cảnh tiến Vua

Đất thành Nam vang danh thiên hạ về nghề trồng hoa, cây cảnh. Nhiều nghệ nhân lâu năm trong nghề cho biết, theo một số tư liệu Hán Nôm, năm 938, một vị tướng của Ngô Quyền tên là Nguyễn Công Thành, người Châu Thành Ro, nay thuộc tỉnh Cao Bằng, sau khi dẹp xong giặc, đã về nơi đây lập ấp dựng làng. Ông đặt tên cho vùng đất này là Nguyễn Gia Trang, tức là trang ấp của họ Nguyễn. 
 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch hội sinh vật cảnh xã Điền Xá.

Xưa kia vùng đất này gần biển, có nhiều cồn và đảo nhỏ.  Sau khi ông mất đi, để tỏ lòng biết ơn người có công dựng làng ấp, người dân đã lập đền thờ ngay tại gia đình ông, và được tôn là Thành hoàng làng. Để minh chứng ông Nguyễn Công Thành đã sống và có công gây dựng vùng đất này, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch hội sinh vật cảnh xã Điền Xá, người được phong là nghệ nhân làng nghề Việt Nam kể rằng, vào khoảng thế kỷ XVII, ông nghè Phạm Kim Kính, ghé thăm làng hoa, cây cảnh Vị Khê, tức cảnh sinh tình đã đề tặng bài thơ: 

Việc tốt xưa nay kế đó hay/ Sớm hôm làng biển chăm cấy cày/ Lầu vàng điện ngọc tranh giàu có/ Mấy kẻ về già được thấy may/Trục bắc Đằng Giang công đệ nhất/Cư Nam Nguyễn tướng đức vi tam.


(Đại ý của mấy câu thơ trên là: Trận Bạch Đằng Giang lập công đầu, ở vùng đất trấn Sơn Nam Hạ ông đứng sau trời đất).

Vào năm 1211 thời Lý, Mạc có một người tên là Tô Trung Tự, quan Thái úy phụ chính của triều Lý, được cử về trấn ải Sơn Nam và cho xây dựng thành, hào ở đây lấy tên là Bảo Bình Giã. Thấy nơi đây đất đẹp, dân cư chịu khó và thuần phác ông đã truyền nghề trồng hoa, cây cảnh cho người dân làm kế sinh nhai. Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, dân làng đã tôn ông là ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh và lập đền thờ phụng. Đến thời Trần, nghề trồng hoa cây cảnh nơi đây phát triển hơn. Cho đến nay, trong đình làng còn có câu đối của quan Bình nguyên Phạm Đôn Lễ, khi ghé thăm làng hoa đã đề tặng: 
 

Dục chủng tài hoa Tô tứ thủy/ Nguyễn Trang Vị Xá hiệu chi tiên.
 

(Dịch là: Trồng hoa ươm cây do tướng họ Tô khơi dạy trước/ Ấp tên Trang Nguyễn vốn làng Vị, Xá buổi ban đầu).    

Các cụ cao niên trong làng trước đây vẫn truyền tai nhau rằng, thời đó các vương công, quý tộc về đây xem hoa thưởng nguyệt nhiều vô kể, có thể nói rằng, làng hoa Vị Khê “lên ngôi” từ đó. Ông Nguyễn Văn Chiến trầm ngâm nói: “Đã có lúc nơi đây phải chịu nạn đại hồng thủy, nạn đói, rồi chiến tranh tàn phá, có lúc nó gần như tan hoang, vậy mà may sao nó vẫn sống và tồn tại được đến giờ”. Từ giọng kể đầy hoang mang lo lắng, ông Chiến khiến người nghe thở phào nhẹ nhõm trước cái kết có hậu của một làng hoa cảnh tiến Vua!

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được những cây cảnh truyền thống thuở xưa như: Trà my, Hải đường, hoa Mộc hương. Đặc biệt, ngày xưa ở vùng đất này bạt ngàn cây quất, chính vì trồng nhiều quất mà nơi đây một thời còn được mệnh danh là làng quất nguyên thủy của Việt Nam. Cho đến khoảng năm 2000, diện tích đất trồng quất dần thu hẹp và chuyển qua trồng các cây thế, bonsai và các cây cảnh có thu nhập kinh tế cao. Qua hàng thế kỷ, nhưng ở đây vẫn giữ được những cây cảnh truyền thống như: Sanh, Lộc vừng, Đa, Vọng cảnh…

Nói về loại cây được tiến Vua, ông Ngyễn Văn Chiến cho biết: “Ngày xưa thường chỉ có một loại cây duy nhất được đem tiến Vua. Cây tiến Vua phải đạt các tiêu chuẩn như vừa quý, vừa hiếm lại vừa mang cốt cách của một bậc anh minh”. Chính vì vậy, loại Địa lan đã “soán ngôi” các loại hoa, cây cảnh khác, để “kiêu hãnh” vào chốn cấm cung dâng lên  Hoàng thượng. Để giải thích vì sao Địa lan là loại cây duy nhất ngày xưa dùng để tiến Vua, ông Chiến tiếp lời: “Địa lan là loại “khó tính”, sinh một thì tử một, con sinh thì cha lụy, cho nên loại này cực kỳ quý hiếm”. Ca ngợi về Địa lan, đến nay trong dân gian còn lưu truyền câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”, bây giờ cả thôn chỉ có mỗi nhà ông Nguyễn Duy Thơm ở xóm 2, là còn giống cây này.

“Báu vật” gần hai trăm tuổi
Vào những năm 1924, trong làng Vị Khê có một ông phó Lý tên là Nguyễn Văn Lã, tuy làm phó Lý nhưng nổi tiếng chơi cây cảnh không ai bằng. Hồi đó, cây cảnh nghệ thuật chưa có nhiều cây độc đáo như bây giờ, nhưng có một đôi cây Sanh thế trực liên chi nổi tiếng khắp vùng. Năm ấy, trong cung đình Huế, Chúa Nguyễn có mở cuộc thi cầm, kỳ, thi họa. Ông Lã không quản ngại xa xôi gánh đôi cây cảnh này vào ứng thi. Người ta kể rằng, ông Lã đã phải đi các phương tiện khác nhau như đi bộ, xe ngựa, xe bò để vào tới kinh thành dự thi. Thấy hai cây Sanh thế trực liên chi đẹp quá, Chúa Nguyễn đã không tiếc lời khen ngợi và ban sắc phong cho ông Lã. Ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định: “Việc sắc phong cho ông Lã là hoàn toàn có thật nhưng sau cải cách ruộng đất vì sợ tai họa  bởi tấm sắc phong, ông đã đem hủy”. Ông Chiến cho biết thêm: “Ông Lã sinh được 4 người con, trong đó có 3 gái, 1 trai. Nhưng đều đã rời khỏi làng từ lâu, có người lấy chồng Cao Bằng, người con trai của ông thì ở Hải Phòng, chắc giờ đây, họ đều đã trở thành người thiên cổ!”.
 

Du khách tham quan hoa, cây cảnh tại lễ hội truyền thống hoa cây cảnh Vị Khê, Hội chợ Xuân xã Điền Xá (Nam Trực) lần thứ VIII.

Ông Chủ tịch hội sinh vật cảnh xã Điền Xá còn chia sẻ thêm về kinh nghiệm trồng và chơi cây cảnh. Nói về cây cảnh nghệ thuật, theo ông Chiến, cây cảnh nghệ thuật có nguồn gốc từ thời nhà Đường – Trung Quốc. Cây được trồng tự do trên chậu nên được gọi là bồn tài. Sau đó, cây cảnh được du nhập qua Nhật Bản hay còn gọi là bonsai. Cây cảnh được du nhập vào nước ta sau giải phóng miền Nam và được gọi là cây cảnh nghệ thuật vì được trồng tự do. Từ Huế trở ra gọi là cây cảnh nghệ thuật. Từ Huế trở vào người ta chơi theo kiểu bonsai, một cách gọi bắt nguồn từ tiếng Nhật.

Chơi cây, khâu quan trọng nhất là chọn giống. Cây cảnh được chọn trồng là những cây có sức tái sinh, khỏe, có thể sống ở mọi địa hình và khí hậu khắc nghiệt. Trong số những giống cây, Sanh là loài cây được trồng nhiều nhất. Giống cây này có nhiều nhựa sống, theo kinh nghiệm của người xưa, nhựa như dòng máu của cơ thể. Thứ hai chọn dáng, thứ ba là nguyên tắc tạo thế. Cây cảnh có giá trị phải mang đủ bốn yếu tố: Thẩm mỹ, giáo dục, tâm linh và gắn với nền nông nghiệp – nền văn minh lúa nước. 

Thi thoảng vị nghệ nhân lại nâng điếu cày rít một hơi thuốc lào, nhấp thêm một chén trà mạn, câu chuyện kể đến đâu người nghe lại ngạc nhiên đến đó vì ý nghĩa sâu xa của các thế, dáng cây. Sau một hơi thuốc lào, ông lại tiếp chuyện. Yếu tố thẩm mỹ tức là gốc bồ, ngọn chỉ (gốc cổ, ngọn kim), gốc và ngọn phải hài hòa, nếu gốc và ngọn bằng nhau thì rất tục (xấu – PV). Về ý nghĩa giáo dục, cây cảnh mang  triết lý tôn thống, trên dưới, trước sau, nên có cây cảnh có tên gọi là Ngũ thường tam dương… Người chơi cây cảnh hay hướng tới chân – thiện – mỹ, nên không bao giờ làm điều ác. Người chơi cây phải có tư duy, đôi bàn tay khéo léo mới thổi được hồn vào đó. “Làng Vị Khê đã có bề dày trên 800 năm về trồng hoa và cây cảnh nghệ thuật. Xã có 7 làng thì 100% gia đình ở đây đều trồng cây cảnh, cũng là hiếm thấy trong đất nước Việt Nam ta” – ông Chiến nói trong tự hào. Năm 2009, Điền Xá được Nhà nước phong tặng là làng nghề tiêu biểu Việt Nam.

Hỏi về mảnh vườn trù phú và đẹp mắt với hàng trăm cây cảnh quý, ông Chiến ước tính giá trị cả gia sản của ông cũng lên tới gần chục tỷ đồng. Ông khiêm tốn mà rằng: “Cây cảnh trồng ra có khi gần cả đời người mới hoàn thiện và có giá trị, đôi khi đời mình trồng nhưng đến đời con, đời cháu mới được hưởng!”.
Huy Hoàng (PL&XH)

Xem thêm:Tìm hiểu thú chơi Hoa Cảnh của người Hà Nội xưa II  Những làng hoa đẹp nhất Việt Nam II Tham quan và học tập những làng trồng sứ ở Nam Bộ

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418 - 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
(Website đang trong giai đoạn Cập Nhật Hoàn Thiện)
EMG