Nói về cái bàn Ông Thiên ở Nam Bộ

        AgriMark xin giới thiệu bài viết của tác giả TRẦN  PHỎNG  DIỀU về đời sống văn hóa tâm linh của người dân Nam Bộ. Bài viết đã được đăng trên Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 153 

ban-thien-nam-bo

Bàn Thiên, còn được gọi là bàn Ông Thiên hay bàn Thông Thiên, được thờ rất phổ biến ở Nam Bộ; đặc biệt là ở vùng nông thôn, hầu như gia đình nào cũng có đặt bàn Thiên ở trước nhà. Đây là dạng tín ngưỡng có từ thời khẩn hoang lập ấp, được các lưu dân từ miền Bắc, miền Trung mang vào Nam Bộ. Theo đó, chức năng của bàn Thiên là để thờ Trời. “Bàn Thiên: bàn thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn”1.

Như vậy, bàn Thiên chính là bàn thờ Trời. Thờ Trời là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Đây là một dạng tín ngưỡng sơ khai của con người. “Thần thoại sáng thế của người Việt kể rằng thoạt kỳ thủy, trời đất là một khối mờ mịt, hỗn độn. Từ trong khối hỗn độn đó, thần Trụ trời đào đất, đắp đá thành một trụ cao to, chống màn trời lên khỏi mặt đất, làm cho trời đất phân định rõ ràng: trời tròn như cái chén úp xuống, đất phẳng như cái mâm vuông. Trời ở trên cao (dương), tạo ra mưa nắng, bão táp; Đất là mẹ, ở dưới mang nữ tính (âm), hàm chứa khả năng sinh sản. Tín ngưỡng cha Trời, mẹ Đất còn mang nội dung mối quan hệ ba ngôi tam tài (tam hoàng): Thiên hoàng (Trời), Địa hoàng (Đất) và Nhơn hoàng (Người); con Người ở giữa Trời và Đất phải thông thiên, đạt địa”2.

Có một sự trùng hợp thú vị giữa những người theo Phật giáo Hòa Hảo và những người không theo đạo. Cả người có đạo và người không theo đạo đều có thờ bàn Thiên. Những người không theo đạo thì thờ bàn Thiên theo truyền thống gia đình, được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Còn những người theo đạo thờ Bàn Thiên là do giáo lý quy định. Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đã truyền dạy: “Nếu trong nhà chật chội, một bàn Thông Thiên với một lư hương không cũng được, bởi vì sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh, hơn là do sự lễ bái ở ngoài. Bàn Thông Thiên có thể là một gốc cây, một thanh gỗ, một cột bê tông hoặc được xây bằng gạch… chôn ở ngoài sân, trước cửa nhà, bên trên đặt một tấm phẳng, để đặt hương hoa. Bàn Thông Thiên gợi cho người ta nhớ đến hình ảnh Phật Thích Ca, một ngón tay chỉ lên trời, một ngón chỉ xuống đất, biểu thị cho mối quan hệ tam tài Thiên – Địa – Nhân. Hay nói cách khác, bàn Thông Thiên của Phật giáo Hòa Hảo, biểu tỏ quan hệ Hòa – Hợp giữa con người với thiên nhiên”3.

Ông Trời trong tâm thức dân gian là vị thần tối cao, linh thiêng nên ai ai cũng hướng về cầu cạnh, không ai dám xúc phạm đến uy Trời. Hình tượng Ông Trời có mặt ở mọi lúc mọi nơi và đi vào cuộc sống con người.“Tuy nhiên, Ông Trời trong tín ngưỡng của con người mặc dù có quyền năng vô biên nhưng thường hướng thiện chứ không ghê gớm và đáng sợ như ma quỷ. Vì vậy, Ông Trời là đối tượng để con người cầu xin hạnh phúc và giải trừ bất hạnh”4.

Trong văn hóa truyền thống, “hình tượng ông trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt đã được cung đình hóa bằng một nghi thức trọng thể của quốc gia, đó là tế Giao (cùng với Đàn Nam Giao – tế Trời còn có Đàn Xã Tắc – tế Đất). Việc tế Giao đã được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến và là một nghi lễ quan trọng nhất của quốc gia, được Bộ Lễ đứng ra tổ chức và nhà vua trực tiếp cử hành. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của một vị hoàng đế phải làm sau khi lên ngôi”5  Qua đây ta thấy, Ông Trời là đấng tối cao, có quyền năng vô biên, có thể ban phước lành hay gieo tai họa cho muôn loài.

Ở Nam Bộ, hình thức thờ Trời được thể hiện bằng bàn Thiên được đặt trước cửa nhà – là nơi gởi gắm những ước nguyện của con người đến đấng trời cao. Bàn Thiên ở Nam Bộ rất đơn giản, chỉ là một cây cột gỗ cắm xuống giữa sân, trên đó có đặt một tấm ván hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trên tấm ván đó, người ta đặt một lư hương, vài chung rượu chén trà, một dĩa trái cây. Trụ cột thường “cao độ 1,50m (bằng gỗ hoặc bằng gạch), trên có bệ thờ vuông, với thức cúng đơn giản: một lọ cắm nhang, một lọ hoa, ba chung nước lã, có nơi thêm vào một lọ gạo và một lọ muối. Bàn Thiên thường được dựng trước sân nhà; nếu sân đất, người ta tráng xi-măng hoặc lót gạch khoảng một thước vuông chung quanh bàn Thiên; ở vùng thị tứ, chợ búa, bàn Thiên có khi đặt trên sân thượng. Mỗi tối gia chủ thắp nhang khấn nguyện Trời Đất rồi xá bốn phương”6. Tuy đơn giản là thế, bàn Thiên ở Nam Bộ đã chứa chấp trong đó biết bao tình cảm thiêng liêng của con người đối với đấng bề trên, nó là nơi con người gởi gắm bao ước mơ cao đẹp của mình lên đấng trời xanh, ngõ hầu mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Bàn Thiên còn gắn với nét văn hóa tâm linh của những người dân miệt vườn đã hàng trăm năm khai phá cùng mùa khô nắng cháy và mùa mưa nước lũ tràn lan của thiên nhiên thời buổi đầu còn rất hoang sơ.

Bàn ông Thiên trước sân Đình thần Năm Ông (TP Sóc Trăng).

Một vài nơi, hình thức bàn Thiên có khác. Thí dụ vùng “Hồng Ngự (Đồng Tháp), nhất là các xã Thường Lạc, Thường Phước, Thường Thới Tiền, Thường Thới Hậu; vùng Thất Sơn (An Giang), nơi có khá đông tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (phái Ngô Lợi – núi Tượng) như các làng An Định, An Hòa, An Thành, An Lập có dạng bàn Thiên hai tầng. Tầng trên thờ Trời (còn gọi là thờ Chánh Đức Thiên La thần), tầng dưới thờ Đất (còn gọi là Thổ Trạch Long thần), bộc lộ rõ tín ngưỡng cha Trời – mẹ Đất, một dạng tín ngưỡng cổ sơ thờ sức mạnh vô hình hoặc hữu hình của thiên nhiên có khả năng phò trợ hay làm hại con người, còn đậm nét. Đồng thời cũng có tính pha tạp với nội dung âm dương giao hòa của thuyết âm dương ngũ hành với ước vọng phong điều vũ thuận vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt”7. Có nơi lại làm bàn Thiên ba tầng. Tầng trên thờ Trời, tầng dưới thờ Đất và tầng giữa thờ Người, theo thuyết tam hoàng.

Tín ngưỡng thờ Trời của người Hoa được thể hiện qua bàn thờ Thiên Quan Tứ Phước hay bàn thờ Thiên Địa Phụ Mẫu. Bàn thờ Thiên Quan Tứ Phước có khi được thờ ở nhà hoặc ở chùa. Nếu ở nhà thì thờ phía trước như bàn Thiên của người Việt, nhưng không dựng ở ngoài sân, mà trang thờ được đóng vào vách phía trước của ngôi nhà. Người ta mua trang thờ về, sau đó khoan tường bắt vào vách. Trên trang thờ đó có một lư hương, ba chung nước, lọ cắm hoa, có khi có thêm lọ muối và lọ gạo hai bên. Phía trong là bài vị ghi bốn chữ Thiên Quan Tứ Phước. Hoặc đơn giản hơn, người ta mua bài vị này về bắt vào vách, phía dưới bài vị có lọ cắm nhang là xong. Khi cúng thì đặt thức cúng dưới đất. Còn bàn thờ Thiên Địa Phụ Mẫu thường được đặt ở chùa để cúng tế trời đất mỗi khi trong chùa có lễ. Hình thức thờ Trời của người Hoa cũng có khi là một gian thờ Ngọc Hoàng trong chính điện của một ngôi chùa. Bởi, người dân Nam Bộ quan niệm rằng: Ngọc Hoàng Thượng Đế chính là ông trời, ông có quyền lực vô biên trong việc định đoạt phúc họa cho trần gian. “Ở các ngôi chùa, tượng Ngọc Hoàng thường được mô tả bằng một người đàn ông ngồi buông chân trên long ngai dáng vẻ uy nghi, đường bệ với nét mặt tĩnh tại, thánh thiện, đầu đội mũ bình thiên, mình khoác áo long cổn, tay cầm hốt ngà, cuốn thư, hoặc một viên ngọc quý”8.

Như vậy, Ông Trời – đấng tối linh của người Nam Bộ đã được đồng nhất với Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Người Khmer cũng có bàn Thiên ở sân nhà. Bàn Thiên của người Khmer cũng như bàn Thiên của người Việt, nhưng người Khmer không quan niệm đó là bàn thờ Trời mà đó là bàn thờ Phật. Hằng ngày, họ thắp nhang lên bàn Thiên van vái cầu mong cho Đức Phật phù hộ cho họ được mạnh giỏi, hoa màu tốt tươi, làm ăn phát đạt…

Ngày nay, xã hội đã phát triển, một số tín ngưỡng cổ sơ đã không còn tồn tại, nhưng tín ngưỡng thờ Trời vẫn mãi còn trong tâm thức người dân Nam Bộ nói riêng, người dân Việt Nam nói chung. Bởi ông trời không chỉ là nơi để mọi người cầu cho cuộc sống yên lành, mà ông trời còn là vị thần công lý, đem lại lẽ công bằng cho con người. Cho nên người ta mới nói Trời cao có mắt.

Và Ông Trời sẽ vĩnh viễn tồn tại trong tâm thức dân gian, một khi trên thế gian này vẫn còn bất công và những điều phi lý. Chừng nào con người còn phải chịu đựng nỗi bất hạnh thì chừng đó Ông Trời vẫn tồn tại để hiểu nỗi lòng và nghe lời khẩn cầu của nhân dân 9.

TRẦN  PHỎNG  DIỀU – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 153 

Chú thích:

1. Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ. NXB KHXH – 2007.Tr.116.

2. Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ. NXB Trẻ – 2004. Tr.144.

3. Phạm Bích Hợp, Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa. NXB Tôn Giáo – 2007. Tr.170.

4. Đinh Hồng Hải, Hình tượng Ông Trời trong tín ngưỡng của người Việt. Tạp chí Xưa và Nay, số 134, tháng 2 -2003.

5. Đinh Hồng Hải, Tlđd.

6. Nguyễn Hữu Hiếu. Sđd.Tr.144.

7. Nguyễn Hữu Hiếu. Sđd.Tr.145.

8. Đinh Hồng Hải. Tlđd.

9. Đinh Hồng Hải. Tlđd.

CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Tel/ Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
EMG