Người già “nương náu” trong thế giới thơ ca được xem như thú vui tao nhã ở độ tuổi xế chiều. Thế nhưng, làm thơ cho cây cảnh, tặng cây cảnh như ông Nguyễn Văn Lẫm (thôn Can Vũ, xã Việt Hùng, Quế Võ, Bắc Ninh), quả là xưa nay hiếm gặp. Gặp và nghe ông làm thơ về cây cảnh rồi mới thấy cách ông lão 75 tuổi ấy thể hiện tình yêu với cây cảnh bằng thơ thật lạ.
Vô giá
Tôi tình cờ gặp ông, sau dăm câu ba điều về truyền thống của quê nhà trong căn nhà tuềnh toàng không có đồ đạc gì đáng giá, mới hay ông lão đang ngồi trò chuyện với tôi kia có thú vui độc đáo “làm thơ về cây cảnh”. Mảnh vườn vuông vức cỡ trăm mét vuông chật ních những cây cảnh đủ hình thù thế đứng.
Cái cách ông sắp xếp cây trong khu vườn “thượng uyển” của mình cũng thật là chẳng giống ai. Bởi vì mỗi cây là một vần thơ, gắn liền với từng câu, từng chữ trong bài thơ lục bát ông làm tự bao giờ. Nói vườn cây của ông là một “vườn thơ” hẳn chẳng phải là nói ngoa!
Ông hào hứng dẫn tôi ra xem “vườn thơ” của mình. Có thể, với các đại gia cây cảnh sở hữu những vườn cây bạt ngàn tiền tỉ thì vườn cây của ông chỉ là “muỗi”. Thế nhưng, ông vẫn tự hào về vườn cây của mình lắm. Vì cây nào của ông cũng sở hữu ít nhất một bài thơ, “ăn đứt” những cây cảnh triệu đô. Nếu theo giá trị tinh thần thì vườn cây của ông là vô giá. Còn chi li tính toán thì cũng vài trăm triệu đồng nếu ông “đành lòng” bán hết số cây đó.
Và như mọi vị khách khác, bao giờ ông cũng đọc bài thơ dạo đầu tóm tắt về “vườn thơ”. Bài thơ gồm 11 câu thơ liệt kê đầy đủ những loại cây ông sở hữu trong vườn. Bài thơ như khúc dạo đầu kích thích trí tò mò của khách ghé thăm.
“Khóm trúc trà mi mai tứ quý
Long vờn vũ nữ mẫu đơn tiên
Tam đa ngũ phúc long chầu nguyệt
Một cột chùa cao nguyện chí tâm
Tân Trào lịch sử hồn non nước
Sơn thủy hữu tình thỏa ước mong
Đa sung lộc muôn màu vạn tuế
Cau non mơn mởn cảnh làng quê
Cam ổi bưởi sai cành trĩu quả
Hoa nở muôn màu đượm sắc xuân
Cảm ơn quý khách đến thăm”.
Trong câu chuyện với ông, dường như hiếm hoi lắm mới có lúc ông không dùng thơ để… nói chuyện. Đề cập đến chủ đề gì, ông cũng có cả một bụng đầy ắp thơ đối đáp lại làm câu chuyện thêm phần thi vị. Thơ ông mộc mạc như con người ông vậy, dễ đọc dễ nghe và lấp lánh tình yêu thiên nhiên. Khi hỏi sao ông lại làm thơ cho cây cảnh, ông chẳng trả lời ngay mà nẩy mấy câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra chiều tâm đắc lắm:“Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài/Lời quê chắp nhặt dông dài/Mua vui cũng được một vài trống canh”.
Rồi ông nhắc đến cái thú vui ngân nga những vần thơ mỗi lần các bạn già ghé thăm hàn huyên lúc nhàn rỗi bên ấm trà thoang thoảng hương thơm. “Cụ Nguyễn Khuyến đã bảo “Khi chén rượu khi cuộc cờ/Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” thì mình chén trà cũng thế thôi, ngồi tán cho vui, sáng tác dần. Tớ làm thơ nhanh lắm. Tớ làm một ngày hai ngày là xong, chả nghĩ gì nhiều. Nhiều ông thích đến đây là xem thơ của mình thôi. Khách đến lại dẫn đi xem cây, đọc thơ”.
Chỉ tay vào hòn non bộ nằm ở vị trí trung tâm của vườn cây, ông giới thiệu từng “hạng mục” có trong công trình hòn non bộ rồi ngâm nga những câu thơ đã có sẵn tự trong đầu. “Dạo chơi non bộ trước xuân/Nước non sơn thủy hữu tình biết bao” – ông lẩm nhẩm như người không tỉnh. Mỗi chi tiết dù nhỏ nhất trong “công trình nghệ thuật” này ông đều gắn cho một câu thơ như bộ phận không thể tách rời trong cơ thể hoàn chỉnh. Qua thơ của ông, ai không thấy được tận mắt hòn non bộ ấy cũng hình dung ra được đến 7-8 phần vì ông tả bằng thơ đã đầy đủ lắm rồi.
Thích thơ từ hồi trẻ
Cùng ngược dòng quá khứ về thuở ông còn thanh niên trai tráng mới hay, con đường đến với thơ của ông cũng lạ không kém. Dù yêu thơ, thích đọc thơ từ nhỏ, nhưng suốt tuổi thanh niên cho đến lúc về hưu, ông lúc thì làm công nhân ở nhà máy gang thép Thái Nguyên, khi thì được điều động đi học kế toán rồi về làm tại Nhà máy cán thép Gia Sàng. Xong lại chuyển về làm trưởng phòng kế toán của Nhà máy phi tiêu chuẩn thuộc Bộ Cơ khí.
Ngỡ rằng công việc quẩn quanh bên những con số và nhôm, đồng, sắt thép ấy làm con tim và khối óc của ông cũng khô khan và cứng rắn như thế. Vậy mà thơ vẫn bền bỉ gieo vào lòng ông những giai điệu khi trầm khi bổng. Để rồi khi về nghỉ hưu do mất sức vào năm 1980, ông bắt đầu đến với thơ và cây cảnh. Lúc đầu, ông chơi chim cảnh. Thế nhưng theo lời ông cái giống ấy hay bệnh tật nên ông đành từ bỏ mà tìm đến cây. Ông bảo trồng cây sanh là tốt nhất vì ông có thể tạo ra “thế” cho cây.
Ông Nguyễn Văn Lẫm bộc bạch: “Ngày ấy, cây sanh đi xin đâu cũng được, bẻ vài cành về dâm. Những cây hoa trà thì mua. Không hết nhiều tiền đâu. Nhưng giờ thì có giá lắm đó. Như cây “Nhất trụ kình thiên”, người ta trả 100 triệu tôi còn chưa bán. “Nhất trụ kình thiên” là một anh hùng độc lập giữa phong ba bão táp không bao giờ bị ảnh hưởng, giống logo của Hội Người cao tuổi Việt Nam. Cây này được gần 20 năm rồi. Tôi tạo thế cho cây từ hồi cây còn bé tí”.
Cứ thế, ông tỉ mẩn học hỏi kinh nghiệm từ sách vở cho đến các bạn già vẫn hay lui tới nhà ông để trau dồi kiến thức cho thú chơi cũng lắm công phu này. Ông tự mình xem sách, rồi tạo hình cho cây, tùy thuộc vào từng dáng cây để tạo thế trực, hoặc thế hoành.
Ông lại giải thích cặn kẽ bằng… thơ: Thế “trực” là người quân tử: Hiên ngang dáng thế lòng ngay thẳng, tức là người quân tử bao giờ cũng hiên ngang, thẳng thắn. Chín vạn hiền dân đức chí tâm. Gốc già bệ đẹp cành xanh tốt. Mãi mãi xanh tươi với nước non. Còn cây nằm xà là cây thế “hoành”: Gốc già dáng thế huyền chi. Nghênh thiên đối đất còn gì đẹp hơn. Kìa thân ngắt dẻo cành mềm. Lá tươi xanh tốt thế hoành là đây. Ngắm nhìn cảnh đẹp mà say. Như trong giấc mộng thế này đẹp sao. Ai nhìn mà chả ước ao. Có nhiều cây đẹp ai nào chẳng vui.
Lương Bằng (baohaiquan.vn)