Kinh nghiệm về cây Ngọa Tùng & Duyên Tùng

Ngọa tùng (Juniperus Procumben Nana)

Cây Ngọa Tùng tại Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK

Ngọa tùng (tùng xà) tên khoa học là Juniperus procumbens Nana. Đây là loại cây khó chết, dễ nảy mầm và ra rễ, dễ làm bonsai mini dù mới chỉ vài tuổi. Do đó, gần như ai mới chơi bonsai cũng tập qua loại này (bên Mỹ), cũng giống như ở miền Bắc ai cũng tập chơi sanh đầu tiên, và ai mới tập guitar cũng chơi Romantic đầu tiên vậy!

Bên Mỹ , nhà vườn họ bán 3$ một cây 3-4 tuổi trong chậu 3 lít. Ai mới mua nhà, muốn cây này phủ đất thì trồng cứ 1 m2 4 cây. Sau 5 năm, chúng sẽ phủ kín mít và chỉ cao khoảng 30 cm. Tuy nhiên gốc chúng to rất chậm, muốn có gốc cỡ 5 cm đường kính thì cũng phải 25 năm nếu trồng dưới đất.


Đặc điểm sinh lý của ngọa tùng và cách chăm sóc

Đặc điểm sinh lý

Như mọi loài Juniper khác, ngọa tùng phát triển mạnh hay yếu là do mức lấy sương đêm. Tùng phát triển ngược đời lắm, ban ngày chúng khép các lỗ khí khổng lại để tránh mất nước, chỉ dùng năng lượng mặt trời chuyển hóa nhựa nguyên thành axit hữu cơ và tích trữ lại, ban đêm mới mở khí khổng lấy nước để tổng hợp thành nhựa luyện. Thế nên chỉ có ban đêm lá mới hấp thụ nước thôi. Tưới ướt lá tùng vào ban ngày là chuyện rất vô duyên bởi chúng đâu có lấy được nước đâu, lại cản trở quá trình quang hợp. Nếu không có sương đêm, bạn có thể tưới ướt lá khoảng chừng 15′ là đủ.
Tóm lại ngọa tùng rất thích có hạt sương đọng ở búp lá. Nếu điều đó xảy ra mỗi đêm, cây sẽ phát triển quanh năm. Đất ẩm nhưng không ướt và có sương, cây sẽ phát rất nhanh.
Tiếp theo, tùng là loài ưa nắng. Nếu có ánh nắng mạnh và thời gian chiếu sáng dài, tùng sẽ phát mạnh. Tuy nhiên tùng không chịu nổi cái “lò nướng bánh” trên trần nhà bê tông ở miền Bắc vào mùa hè (mình đã đo thử, nhiệt độ thường khoảng 45o-50oC). Cây chỉ thích nhiệt độ “ấm” tức là khoảng 10o-40oC mà thôi.
Bạn hãy xem kiểu sương đêm mà ngọa tùng rất thích.

Vậy thì ta có 4 điều kiện để cây ngọa tùng sống tốt như sau

1. Nước thoát thật nhanh: nếu chậu đất cát mịn, lấy dao xắn đất mặt chậu sâu xuống càng gần đáy chậu càng tốt. Bỏ lớp đất này đi. Gốc cây sẽ cao hẳn lên khỏi mặt đất, chuyện úng nước khó xảy ra.

2. Để cây ra giữa trời nắng. Đừng để cho nền gạch hắt nóng hư cây. Nên đề cây cách mặt nền gạch càng nhiều càng tốt (ít nhất cũng cần trên 1 mét). Nền gạch quá nóng, nên để chậu cây nhỏ vào chậu lớn, độn xốp cách nhiệt chung quanh.

3. Tưới ướt lá mỗi ngày vào chiều sẩm tối. Nếu mùa nắng nóng, tưới ướt lá ban đêm không sợ cây bịnh. Nước trên lá rơi xuống đất là đủ. (Thỉnh thoảng thăm chừng, thấy đất trong chậu khô rang mới tưới đẫm một lần).

4. Chỉ khi nào lá cây nổi đầy búp lá, lúc đó mới tưới chút phân vì đã có rễ. Cây không phát = rễ yếu. Rễ yếu mà tưới phân thì cây chết!

Cách giâm cành ngọa tùng

Cứ cắm cành to bằng đầu đũa xuống đất ấm và có nắng, sau 6 tuần cành sẽ ra rễ, không cần thuốc men gì cả.

Xem thêm: Kinh nghiệm Giâm Cành Ngọa Tùng

Kinh nghiệm bổ sung:

Chơi tùng vừa dễ vừa khó, dễ nếu ta nắm được một số đặc điểm sinh lý của tùng. Những điều viết trong bài này đúng với hầu hết các loại tùng. Đối với một vài loài cụ thể có thể sẽ có chút khác biệt, ví dụ Ngọa tùng (Juniperus Procumben Nana) ưa đất ẩm, nắng nhẹ trong khi đa số loại tùng khác ưa nắng to, gió nhiều. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết phân biệt các giống tùng để biết thêm thông tin.

Trước khi muốn làm gì với tùng: uốn éo, thay đất, tỉa lá v.v bạn cần phải chắc chắn rằng cây có bộ rễ khỏe mạnh. Nếu rễ yếu, 10 cây chết 9 là bình thường. Vậy đầu tiên hãy nói về:

Bộ rễ

Bộ rễ tốt là bộ rễ có thật nhiều chóp gần gốc.

Tỉa rễ

Nếu để ý kỹ , các bạn sẽ thấy đa số những cây Juniper không có bộ rễ xòe. Trừ những cây mọc ở ngoài thiên nhiên. Lý do vì người ta nhân giống Juniper hoàn toàn bằng phưong pháp giâm cành.Cho nên gốc thì nhỏ, cây khá cao, số rễ quanh gốc ít, phát triển dài và nhỏ, ốm. Số chóp rễ thường là xa gốc. Vì vậy, muốn sang chậu an toàn hoặc muốn cây phát triển nhanh, cách duy nhất là giúp cây tạo rễ gần gốc. Điều may mắn là Juniper rất dễ phát rễ. Cách giúp gốc tùng phát chóp rễ: tỉa rễ từng phần quanh gốc. Nếu chúng ta xén 1/4 đất rễ quanh gốc hai lần (đợt tháng 5 cuối Xuân và đợt tháng 9 cuối Hạ cho nhiệt đới như Việt Nam. Sau hai năm cắt bỏ ổ rễ ốm còn lại ở nửa dười chậu cũ là sang chậu mới an toàn.

Đó là cách áp dụng cho những cây Juniper có rễ đặc nghẹt khi các bạn mới mua từ vườn ươm. Bạn đừng làm như sách bonsai chỉ : xả đất và rễ , tỉa rễ cho gọn rồi đặt cây vào chậu bonsai với đất mới. Mười lần thì 9 lần cây chết vì không kịp ra rễ mới, trong khi đám rễ cũ còn lại sau khi tỉa chỉ là những rễ ốm nhom yếu ớt. Sách họ dạy thế chỉ là dạy giai đoạn cuối cùng của phương pháp tỉa 1/4 rễ bên trên thôi, khi đó bộ rễ đã khỏe và cứng cáp rồi.

Đất trồng

Vì tùng cần nấm vú em nuôi rễ thì mới sống tốt được, do đó rễ Juniper thích được phát triển trong môi trường đất đủ ẩm nhưng thoáng (hạt độ 3-5mm). Nếu bạn trồng Juniper với các đất trồng có trộn hữu cơ, hoặc nhiều phân bón vô cơ hay hữu cơ, việc này sẽ gây chết cho đám nấm vú em. Nấm vú em chết là rễ của Juniper sẽ rất yếu. Theo mình với điều kiện ở Ninh bình nên sử dụng sỏi nhỏ (sàng cát xây dựng qua rổ có mắt 3 mm) trộn với xỉ than và thêm ít đất từ chậu cũ (để lấy giống nấm vú em) để trồng cây. Bạn hãy tham khảo thêm tự làm đất trồng bonsai để biết thêm chi tiết.

Chậu trồng cây tùng bán thành phẩm

Nhiều bạn vẫn cứ nghĩ : dùng chậu thật to để cây chóng lớn = gốc mập, thân to, cành nhiều lá. Một số cây cây lá bản nào đó có thể là như vậy. Với những loài Tùng và Thông, vấn đề chậu to thường đưa tới kết quả ngược lại.

  • Chậu to, nhiều đất, khu vực quanh gốc gần như không bao giờ khô ráo. Điều này rất dễ khiến gốc ẩm ướt muôn niên nên dễ nhiễm bệnh. Nhiều đất = đất chậm ráo = khó có nhiệt độ ấm cho rễ phát triển mạnh.
  • Rễ dễ bị “bí thở” (do trọng lượng đất quá lớn, nhất là loại đất hạt độ nhỏ) nên thường có khuynh hướng chạy nhanh ra ngoài vành chậu và chạy vòng vòng quanh chậu = rễ dài ngoằng. Rễ dài sẽ thường đưa tới kết quả là thân cành phát dài.
  • Rễ dài = chóp rễ rất xa gốc = cây yếu phát triển vì chậm tiếp thu phân bón. Rễ dài = rễ ít phân nhánh = dễ thiếu lượng chóp rễ = lá lưa thưa. Rễ dài = khó khăn đưa cây vào chậu cạn.

Do đó, để ý kỹ những cây Tùng trong giai đoạn bán thành phẩm, các bạn sẽ thấy đa phần những cây Tùng trước khi bước vào giai đoạn cắt, uốn cành tạo dáng, người ta trồng cây trong những chậu bonsai training có kích thước tương tự chậu của tác phẩm bonsai tương lai.
Nhờ vậy : chóp rễ nhiều và gần gốc (tỉa rễ từng phần mỗi năm) khiến cành nhánh không phát dài nhưng lá sẽ rất dày.

Thay đất

Đầu xuân là thời điểm nên sang chậu cây Tùng Juniper. Lý do vì bên các xứ ôn và hàn đới , đây là thời điểm ấm áp.
Nhiệt độ đất ấm giúp việc ra rễ ở Juniper dễ hơn. Đồng thời, nhiệt độ ấm dần giúp dòng nhựa đặc cứng của Tùng bắt đầu mềm rồi loãng ra để chuyển vận. Nhờ vậy, đầu lá của Juniper bắt đầu phát triển.
Nếu thay đất, thay chậu và rũ bỏ hết đất cũ, rồi trồng cây vào đất mới và làm trong mùa lạnh (cây gần như ngủ ) thì chỉ tưới ướt đất một lần duy nhất. Kế đó dùng bao plastic phủ kín chậu và đất lại để giữ ẩm suốt 6 tháng. Lá cây thỉnh thoảng phun sương. Khoảng 5-6 tháng sau, khi trời ấm, rễ bắt đầu phát, đọt bắt đầu bung, sẽ gỡ bao ra tưới nhẹ dần.
Bạn nên nhớ là Tùng Juniper sống vùng đồi núi nên xài rất ít nước. Vì thế, chủ yếu là đất thật ráo và ấm thì rễ mới phát. Đất ướt luôn luôn thì sẽ khó có cây Tùng Juniper phát triển tốt.
Nếu bạn thay đất cho tùng vào mùa nắng + rũ hết đất cũ thì 10 cây chết 9 là hiển nhiên. Bởi nắng nóng liên tục cộng với việc nấm cộng sinh bị chết do thay đất sẽ làm cây mất nước nghiêm trọng và héo rũ.

Tưới nước

Không tưới thì thôi, đã tưới là nước phải thấy nước thoát ra đáy chậu mới ngưng và nước không được đọng thành vũng trong chậu. Do đó không nên dùng loại chậu sứ bán sẵn trên thị trường để trồng tùng. Bạn nên trồng tùng trong rổ nhựa nếu là cây đang nuôi. Nếu là cây thành phẩm nên mua loại chậu tốt có vài lỗ thoát nước hoặc tự làm chậu bonsai bằng bê tông. Một lưu ý khác là tùng là loài chân ấm. Tức là nó không thích ướt gốc. Bạn nên nâng gốc lên cao một chút và nên tưới vòng quanh chậu.

Một lưu ý khác đối với những vùng có khí hậu lạnh: rễ cây sẽ không hoạt động trong mùa lạnh, do đó việc bạn tưới nước cho tùng trong mùa đông chỉ làm cây yếu đi.

Một số đặc điểm sinh lý của tùng

Sương đêm

Trong giai đoạn phát rễ phát đọt (có thể nhận biết qua việc tùng mọc chồi non màu xanh nhạt) thì cây có thể nhận nước nhiều từ rễ. Tuy nhiên cây không có khả năng lấy nước qua rễ già. Khi bước vào mùa hè nóng khô cây sẽ chủ yếu nhận nước qua lá từ sương đêm. Do đó khi lá cây đã già (đồng nghĩa với việc rễ cây đã già), tránh tưới nước cho rễ quá nhiều. Phun sương liên tục cho lá là cách tốt nhật giúp cây mạnh khỏe và chồi lá sớm phát tín hiệu ra rễ. Nhớ rằng mọi loại tùng đều sẽ phát triển tốt nếu ta uốn cho ngọn lá ngửa lên trời để hứng sương đêm.
Nếu bạn ở nơi khí hậu ít sương đêm thì có thể khắc phục bằng cách phun sương bằng bình xịt nước vào lúc chập tối. Nhớ rằng đừng làm ướt đất bởi vì rễ tùng thích môi trường ấm. Sỏi+xỉ giúp cho rễ được ấm và dễ phát rễ non.

Nhựa đặc

Nhựa tùng đặc và di chuyển rất chậm so với cây lá bản. Do đó nó cần sự hỗ trợ của nắng và gió để nhựa lưu chuyển được dễ dàng. Nếu tình trạng thiếu nắng và gió kéo dài nhựa sẽ đặc cứng lại dẫn tới chết cây. Dù là mới tỉa cành tỉa rễ đi nữa, bạn vẫn nên để nơi có nắng và gió nhẹ, ví dụ như trước hiên nhà với nửa ngày nắng.
Nếu đã từng trồng vài cây tùng, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng tùng rất thích nắng bởi những lá ở giữa vòm lá thiếu nắng đều bị chết khô.
Tuy nói rằng tùng thích nắng, nắng càng to cây càng khỏe, nhưng bất kỳ loài cây nào cũng sợ cái nóng như lò bánh mỳ trên sân thượng vào mùa hè ở miền Bắc. Do đó nếu trồng cây trên sân thượng bạn hãy thử nghĩ tới giải pháp làm giàn che nắng doppler làm giảm 1/2 lượng ánh sáng mặt trời mà vẫn có khoảng trống để sương lọt qua.

Mạch nhựa riêng biệt

Mỗi nhánh cây có mạch nhựa riêng, cũng có nghĩa là có một số rễ riêng. Do đấy, khi bạn muốn cắt bỏ cành tạo Jin (lũa), cần phải xem kỹ cành đó có rễ như thế nào. Nếu rễ của cành đó chiếm số lượng lớn (trên 1/2 so với tổng số rễ của toàn bộ cây) thì việc triệt bỏ cành đó dễ có nguy cơ cả cây bị chết vì mức áp suất nhựa thay đổi nhanh, nhiều và đột ngột. Chuyện này khiến cho nhựa cây phì ra khỏi vết cắt làm cây yếu và chết.
Phương pháp an toàn nhất là chia làm nhiều giai đoạn tỉa cành. Ví dụ tuần 1 cắt 1/3 số lá định cắt, tuần thứ 2 cắt tiếp 1/3, tuần thứ 3 cắt nốt 1/3 còn lại. Mục đích là để cây kịp thích nghi với mức áp suất nhựa mới.

( Bài viết của  tác giả Vũ Hưng trên diễn đàn cây cảnh Việt Nam)

* Duyên Tùng (tùng cối)

Cây duyên tùng hay cây tùng cối là cây bonsai đẹp, có giá trị cao rất được ưa thích trong giới chơi bonsai. Cây thường được trồng trong chậu, phối với núi đá, nước tạo tiểu cảnh bonsai đẹp.

Tiểu cảnh duyên tùng ( ảnh sưu tầm)

Cây Duyên Tùng có thân màu vàng nâu có thể cao 15 đến 20m, da sần sùi, có nhiều vết nứt (nhìn có vẻ cây này chậm lớn, già, cổ), lớp da cây khá dày. Nhựa cây có mùi thơm đặc trưng, trong thân cây có lõi màu đen rất cứng (nên khó uốn chi), cành cây lúc còn nhỏ rất dẻo.

Nhân giống cây Duyên Tùng:

Chiết cành: Áp dụng đối với những cành lớn. Nếu chiết thời gian tiến hành tốt nhất vào tiết đông chí (giữa mùa đông) và cắt vào mùa xuân
Giâm cành: Chọn những cành bằng chiếc đũa trở xuống.Thời điểm tiến hành vào mùa phát triển (miền bắc là mùa xuân)
Ngoài ra nếu muốn nhân giống với số lượng lớn ta có thể dùng phương pháp giâm ngọn: Chọn những ngọn hơi già, chấm thuốc kích thích ra rễ và giâm trong khay cát.

Trồng và Chăm sóc Duyên Tùng

Đất trồng:

Đảm bảo tơi xốp, nhiều lỗ thoáng, theo kinh nghiệm nhiều người thường dùng hỗn hợp xỉ than tổ ong, đất thịt, chất xơ (trấu hoặc mụn dừa), phân vi sinh.

Nước tưới:

Tùng cối rất hợp với nước bể phốt, là loại cây cần nhiều nước vì vậy không nên để đất trồng khô quá và nên tưới đẫm hàng ngày.

Ánh sáng:

Cần nhiều ánh nắng và nên để cây ở vị trí nắng đều.

Phân bón cây:

– Hàng năm có thể bổ xung NPK vào khoảng tháng 3.
– Cắt tỉa, bẻ, uốn cành vào mùa đông hoặc đầu xuân khi thời tiết se lạnh là tốt nhất, lưu ý không được lặt hết lá và đầu ngọn luôn phải để hướng lên trên một chút để hứng sương.
– Lên chậu vào mùa đông hoặc đầu xuân, đánh bầu, khi trồng cắt hết rễ dập, thối, lèn đất trồng thật chặt quanh gốc, đưa chậu vào chỗ mát và tránh nước mưa vào nhiều gây thối rễ.

Lưu ý:

– Tuyệt đối không tiến hành cắt tỉa cành cùng lúc với khi sang chậu.
– Rễ Tùng cối có nhiều nấm cộng sinh do đó khi đánh chuyển nên lấy 1 ít đất cũ để trồng.
– Theo kinh nghiệm của một số nghệ nhân chia sẻ thì cây tùng trồng trong chậu nông thì tốt hơn ở chậu sâu với cùng một môi trường và điều kiện chăm sóc như nhau.

Dưới đây là bài viết của tác giả Vũ Hưng trên diễn đàn caycanhvietnam.com phác thảo tương lai cho một em Duyên tùng (shimpaku-Tùng Nhật Bản).

Đây là cây Shimpaku ban đầu của bác Lê Xuân- một Việt Kiều tại Mỹ:

Sau khi cắt tỉa lần 1 nhìn đã gọn hơn nhiều:

Tuy nhiên nhìn tàn lá vẫn còn rậm rạp quá. Để trông cây được giống như một cây “đại thụ đầu non” bị gió thổi liên tục theo một hướng, ta nên tỉa tàn mỏng hơn nữa và làm jin một số cành:
A : cắt bỏ , tạo jin. Tác động mạnh mẽ của gió khiến cho cây oằn mình sang bên phải và cành nào ngược gió sẽ bị gãy tạo thành jin.
B : tỉa thật mỏng, gần như chỉ còn cành (để phía trái thật nhẹ)
C: tỉa thật mỏng . Đỉnh cây thưa thớt chứng tỏ nắng gió dữ dội (thì cây mới có thân vặn và trơ jin như thế). Có một lưu ý nhỏ trong nguyên tắc làm ngọn, đó là ví dụ trường hợp “cây có hướng chuyển động sang mé trái” như thế này thì ta cần làm ngọn dốc về bên trái và thoai thoải hơn ở bên phải. Làm như vậy cây sẽ uyển chuyển hơn.
D: Ba cành này quá dày và đều nhau quá. Giữ lại cành rơi dưới cùng là đủ . Ba cành này cần mỏng dần lên đỉnh và chiều dài (ngọn nhô ra) so le cho tự nhiên hơn.
Nhìn tổng thể tàn lá, cây sẽ trĩu về bên trái, phía cành rơi tạo thành tam giác lệch. Kết quả ta sẽ có cây tương tự thế này.


Một số lưu ý:

  • Tránh không để jin bên mé trái (không hợp lý khi có cành xanh tốt mà lại lẫn jin)
  • Cây Tùng già, phần dưới (mặt dưới) tán lá chả bao giờ có lá mọc (không nắng gió).
  • Cây không jin như cờ không gió (câu mình tự chế thôi). Jin tức là phần gỗ còn lại sau khi cành bị chết đi và mưa nắng bào mòn. Trong phong cách chơi cây nước ngoài, jin gần như là bắt buộc phải có bởi không có chứng tỏ cây chưa từng trải gió sương, chưa hứng chịu đau thương của cuộc đời.

(Nguồn ảnh sưu tầm từ Internet)

Xem thêm: Những kinh nghiệm về cây Tùng La Hán ll Tổng hợp những kinh nghiệm về cây dương (phi lao)

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG