Kiến thức về dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho Bonsai

Một cây Bonsai đẹp thì phải sung mãn, tràn đầy nhựa sống. Dù cho bạn chơi trường phái "lũa" với những "cành khô queo quắc" thì phần sống còn lại cũng phải "mạnh mẻ can trường". AgriMark giới thiệu những kiến thức cơ bản về dinh dưỡng và những biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho bonsai. Mời các bạn theo dõi:

1. PHÂN BÓN CHO BONSAI 

Có nhiều chuyện hoang đường về việc trồng kiểng Bonsai mà nay vẫn còn khó sửa chữa. Có người cho rằng cây Bonsai phải được duy trì thường xuyên ở tình trạng gần suy nhược. Ngược lại có người cho rằng phải bồi dưỡng thật nhiều cho cây. Thật ra bón phân cho cây Bonsai có nghĩa là chú ý kỹ đến các nhu cầu chuyên biệt của cây ở mỗi giai đoạn phát triển của nó, cung cấp cho nó đúng những chất dinh dưỡng mà nó cần và vào đúng lúc.

Mặc dầu đúng là các yếu tố cần thiết cho tăng trưởng của cây là lấy từ nước, không khí và đất, nhưng cũng đúng các cây Bonsai không phải luôn luôn có được những điều kiện tối ưu cho sự sống còn của chúng ở trong những chậu nhỏ Phân bón có thể giúp cho chúng thích nghi được với những điều kiện dưới mức lý tưởng.

Vì lượng đất trồng rất ít nên thỉnh thoảng phải bón phân cho cây. Thường một năm bón phân 2 lần: một lần vào mùa khô (ít) và một lần vào mùa mưa (nhiều).

    Lượng phân bón: tùy tình trạng, tùy loài cây và tùy theo mùa, cây đang phát triển thì cần nhiều, cây đã thành thục thì cần ít hơn Những loài cây cho ra một đợt chồi mỗi năm thì chỉ bón phân vào lúc cây trưởng thành. Những loài cây ra chồi quanh năm thì bón phân đều đặt hơn, mỗi lần một ít. Những loài thay lá thì nên bón phân sau khi lá rụng. Bón phân vào mùa khô hay mùa lá rụng sẽ làm cho thân cây Bonsai dày lên và cứng cáp hơn

Không nên bón phân khi cây đang tạo nụ hoặc đang trổ hoa ra trái vì chúng sẽ rụng hoặc bị “cháy”. Không bón phân cho những cây vừa mới thay đất, thay chậu, nên đợi 3 tháng sau cho cây tái tạo đủ rễ rồi hãy bón phân. Phân bón thuộc loại vô cơ (gọi là phân hóa học) hay hữu cơ cũng đều có chứa những nguyên tố mà ta có thể phân ra thành nguyên tố đa lượng và nguyên tố vi lượng. Đạm, lân và kali được gọi là nguyên tố đa lượng là vì cây sử dụng chúng với mỗi lượng lớn, còn nguyên tố vi lượng – như magê, bor, kẽm, Mangan, canxi, sắtt, đồng, cabalt, molybden: thì cây chỉ cần thiết Ít à thôi. Mặc dầu các nguyên tố trên đây là cần thiết cho sự tăng trưởng và hoạt động của cây, nhưng nếu bón với những liều lượng không đúng thì có thể ức chế cây. Do đó, tốt hơn nên dùng những loại phân bón đã được pha trộn đầy đủ. Lúc bón phân cần phải chú ý đến mùa màng và loài cây. Vào mùa mưa, phân bón có chứa nhiều đạm sẽ giúp cho lá tăng trưởng mùa khô thì bón phân có kali nhiều hơn để trợ lực cho sự phát triển thân và cành. Cây có hoa và trái thì cần được bón nhiều lần vào đầu mùa mưa hoặc trước khi trổ hoa.

Phân bón cho cây Bonsai cần có 3 chất căn bản là:

N-P-K theo tỷ lệ tương ứng là 50-30-20

N : nói chung là giúp cây tăng trưởng

P : giúp điều hòa các chức năng sinh sản ra hoa kết trái

K : giúp tạo và vận chuyển nhựa trổ hoa sinh trái

Bánh dầu thường được dùng cho kiểng Bonsai vì nó làm cho màu lá đẹp hơn. Nên bón thêm kali với bánh đầu thì càng tốt có thể dùng bột xương, bột cá, tro gỗ, tro rơm.

    Hòa với nước để tưới: một muỗng cà phê phân trong 15 lít nước tưới 15 ngày 1 lần. Tuy nhiên người ta ưa dùng phân viên để trên mặt đất. Lấy phân bội tẩm nước nhồi thành viên, nhỏ khoảng đầu ngón tay cái. Trung bình nếu bề kính của chậu là 10 – 15 cm thì dùng 1 muỗng cà phê phân bột để vo thành viên.

Tuy nhiên số lượng chính xác thì còn tùy thuộc mùa, tuổi và chủng loại cây. Các cụm phân phải đặt ở vùng giữa bờ chậu và gốc cây Nếu đặt gần gốc thì có thể cháy rễ, nếu đặt gần bờ chậu thì có thề bi nước tưới cuốn trôi đi. Cũng giống như trường hợp của đất, việc sử dụng phân để trồng Bonsai cũng có nhiều quan điểm khác nhau.

Một điều phân vân thường nghe nhắc đến là nên dùng phân hoá học là phân hữu cơ hay ngược lại? muốn giải đáp điều này thì phải xét đến thời gian mà cây cần để đồng hóa các nguyên tố trong phân bón. Phân hóa học thì được đồng hóa nhanh, còn phân hữu cơ thì thường là tác động chậm và cần một hoặc hai tháng khi có hiệu qủa đối với cây. Mặt khác, loại phân bón hữu cơ đặc hiệu cho Bonsai, mặc dầu không phải dễ tìm, nhưng không bao giờ gây ra những bất ngờ phiền phức. Cũng nên tuân thủ một số nguyên tắc sau đây khi chọn và sử dụng phân bón.

         Thăm dò các nhu cầu chuyên biệt của cây.

         Lập kế hoạch bón phân, phân hữu cơ phải được bón ít nhất là một tháng sớm hơn phân hóa học.

         Nếu sang chậu (và như thế là thay đất) mỗi năm, thì có thể giảm được các nguy cơ bất ngờ nếu dùng phân hóa học.

         Tưới nước thường xuyên có xu hướng làm trôi các chất dinh dưỡng: do đó nên bón phân thêm vào mùa mưa và mùa khô; nếu dùng phân hóa học thì hai tuần bón một lần.

         Không nên bón phân vào thời kỳ nóng nhất trong năm.

         Nếu bón phân hoá học thì chỉ nên dùng phân nửa liều lượng do nhà sản xuất khuyến cáo; nếu dùng phân hữu cơ ở thể khô, thì chỉ nên bón hai lần trong một năm: vào đầu mùa tăng trưởng (mùa mưa) và cuối mùa khô

2. TƯỚI NƯỚC CHO BONSAI

Cây trồng thiếu nước sẽ chóng chết đã đành, việc tưới quá nhiều nước cũng gây hại cho cây trồng, nguy hiểm hơn là không phải lúc nào chúng ta cũng biết được những tác hại do việc tưới nước quá nhiều. Tưới nước cho cây cảnh như thế nào là đủ và đúng cách, đó là một câu hỏi cần trả lời. Một số ý kiến sau đây sẽ giúp bạn tham khảo để chăm sóc cây bonsai của mình. 

Về cơ bản, ban đầu mọi cây trồng đều có khả năng tự điều chỉnh sao cho phù hợp với môi trường sống mới cũng như lượng nước tưới cho chúng. Chẳng hạn như khi tưới nước cho cây, nếu như lượng nước tưới là không đủ thì bộ rễ của cây trồng sẽ tự tản dài ra xung quanh cho đến khi chúng có thể hấp thụ đủ độ ẩm cần thiết thì thôi. Chính vì vậy, những cây trồng mọc lên hay được nuôi trồng ở những vùng đất khô thường có bộ rễ sâu và dài đủ để hấp thụ độ ẩm cần thiết cho cây trồng. Ngược lại, đối với những cây trồng mọc lên hay được trồng ở những vùng có điều kiện khí hậu ẩm, nơi mà đất trồng luôn có đủ độ ẩm cần thiết cho cây thì chúng thường có bộ rễ nông hơn, nguyên nhân là do việc hấp thụ độ ẩm cần thiết đối với chúng là quá dễ dàng. Nói như vậy để đem ra so sánh, khi cây trồng được đem trồng trong chậu cảnh như cây cảnh bonsai chẳng hạn, lúc này cây trồng đánh mất khả năng tự điều chỉnh khả năng hấp thụ độ ẩm, chúng không thể khống chế hay điều chỉnh lượng nước tưới được nữa. Vả lại, đất trồng trong chậu cảnh có xu hướng nhanh khô hơn bình thường, các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ xung quanh cũng có tác động trực tiếp lên đât trồng.

Tưới nước đúng cách cho cây trồng đòi hỏi phải có kỹ năng, đó không phải là một công việc dễ dàng đối với những người mới làm lần đầu. Ở Nhật Bản, người ta nói rằng phải mất tới 3 năm để học cách tưới nước cho cây trồng sao cho có hiệu quả nhất. Thậm chí đối với nhiều người chơi bonsai, họ cũng không rõ tại sao cây trồng của mình lại bị chết, phải mất một thời gian khá dài sau đó họ mới biết được nguyên nhân chính là do cách tưới nước cho cây trồng của họ là không đúng

Ảnh hưởng của việc tưới nước đến bonsai
    Nước tưới giúp cho cây trồng tồn tại và phát triển, nước tưới thấm qua đất trồng, rồi dần dần thấm qua rễ cây trồng bởi quá trình thẩm thấu, sau đấy, nước tưới thấm vào thân cây trồng, thoát dần ra ngoài không khí qua bộ lá của cây. Tiến trình này cho phép cây trồng phân bổ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống của cây tới các cơ quan dinh dưỡng của cây trồng. Nếu không nhờ bộ rễ của cây, dòng luân chuyển nước tưới này sẽ bị chặn lại, hệ quả là cấu trúc cây trồng sẽ nhanh chóng bị đổ vỡ, từ đó cây trồng khô héo. Cành và lá cây trồng là những phần bị ảnh hưởng trước tiên, tiếp theo là đến các nhánh cây trồng cũng  sẽ bị ảnh hưởng, rễ cây trồng khô dần, cuối cùng cây sẽ chóng chết. Lúc này nếu có cố tưới nước cho cây trồng cũng chả có ích gì nữa.

Như đã nói ngay ngay ở phần đầu, phải mất nhiều thời gian mới  thấy rõ được ảnh hưởng của việc tưới thừa nước cho cây trồng. Tưới thừa nước vô tình tạo ra một môi trường nước ngập trong rễ cây. Trên lý thuyết, rễ cây cần oxy để thở, nước ngập trong rễ cây sẽ làm đất trồng giảm khả năng hấp thụ không khí. Hệ thống rễ cây không thể phát triển được nữa, hệ quả là rễ cây trồng sẽ dần chết.

Một điều lo lắng hơn, những rễ cây chết sẽ mục nát, trở nên thối rữa. Theo lẽ tự nhiên, điều đó sẽ dẫn tới việc nhiều vi sinh vật có cơ hội xâm nhập vào gây hại cho cây trồng.  Các tán lá trên cây trồng sẽ bắt đầu chuyển dần sang mầu vàng và rơi rùng dần, các cành cây nhỏ sẽ quắt lại. Những rễ cây còn sống sót sẽ trở nên nhỏ dần đi, chúng mất hết khả năng hỗ trợ, nuôi dưỡng cây trồng. Các rễ cây mục nát thường chỉ được phát hiện ra khi mà người trồng thực hiện công việc chuyển đổi trồng cây từ chậu cảnh này sang chậu cảnh khác. Rễ cây mục có mầu đen và bị tan rã ra khi chạm vào. Lúc này, tốt nhất là hãy cắt bỏ các phần mục nát của rễ cây đi trước khi đem trồng lại.

Vậy phải tưới nước cho cây như thế nào?

Trước tiên, đừng bao giờ coi việc tưới nước cho cây là một công việc diễn ra theo thói quen thông thường hàng ngày. Với nhiều người mới tập toẹ chơi bonsai, họ tưới nước cho cây như một thói quen hàng ngày sẵn có, cách làm như vậy đôi khi sẽ dẫn tới việc đất trồng lúc nào cũng trong tình trạng “thừa nước”. Hãy để ý tới điều kiện môi trường, nhiệt độ môi trường xung quanh, bề mặt của đất trồng, thường thì khi đất trồng khô đi thì bề mặt của nó thường chuyển mầu, đó là lúc cần tưới nước cho cây trồng, hay như vào mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, thì việc tưới nước cho cây hàng ngày là điều nên làm nhằm đảm bảo độ ẩm cần thiết cho đất trồng. Vào mùa đông và mùa xuân, khi thời tiết mát mẻ, đất trồng đã có đủ độ ẩm cần thiết thì việc tưới nước hàng ngày là không cần thiết.

Cách xác định thời điểm tưới nước cho cây trồng chính xác nhất là khi bạn nhận thấy phần phía trên (khoảng 1cm tính từ trên xuống dưới) của đất trồng bắt đầu khô đi. Cũng cần chú ý rằng, mỗi loại cây khác nhau thì lại đòi hỏi lượng nước tưới khác nhau, hãy tự nhận biết bằng điều này bằng cách theo dõi kỹ cây trồng của bạn sau những lần tưới ban đầu.

Ngày nay, vì công việc bận bịu mà nhiều người trong số chúng ta luôn phải vắng nhà, từ đó ta không thể có nhiều thời gian để chắm sóc, theo dõi tưới nước cho cây trồng vào ban ngày. Nếu như hôm nào đó mà do dự báo thời tiết có nói trời nắng nóng, mà bạn sợ cây trồng của mình sẽ thiếu nước do ban ngày không có ai ở nhà tưới cho chúng thì hãy tưới nước cho cây trồng vào buổi sáng trước khi đi làm. Không cần thiết phải tưới nước cho cây trồng vào buổi tối, hãy cố gắng tưới nước cho cây trồng của bạn vào buổi sáng nhằm đảm bảo cho cây trồng có đủ độ ẩm cần thiết trước cái nắng nóng của ban ngày của mùa hè, bạn chỉ nên tưới nước thêm cho cây trồng vào buổi tối nếu thấy thực sự là cần thiết.

Cách tưới nước

Khi tưới nước cho cây trồng, cần phải tưới đều, tránh tưới quá nhiều nước, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là bạn chỉ tưới qua loa là xong, tránh tưới thừa nước không có nghĩa là chỉ làm đủ ẩm cho cây mà thôi. Mỗi lần tưới, một điều quan trọng cần chú ý là toàn bộ hệ thống rễ của cây trồng và đất trồng cần phải được tưới đủ nhằm tránh tình trạng đất bị khô, từ đó dẫn tới rễ cây khô. Người Nhật có câu nói của riêng mình nói về việc tưới nước cho bonsai: “Khi tưới nước cho bonsai, hãy tưới 2 lần”. Cụ thể, lần tưới đầu tiên nhằm mục đích làm ẩm đất trồng, hãy tưới toàn bộ bề mặt trên của đất trồng cho đến khi thấy nước thoát ra khỏi lỗ thoát nước bên dưới chậu cảnh thì thôi. Sau đó, hãy đợi khoảng từ 10-20 phút hẵng tưới tiếp lần thứ 2, lần này hãy tưới đều và kỹ sao cho khi nào lại thấy nước tưới thoát ra từ lỗ thoát nước bên dưới chậu cảnh thì thôi. Lúc này bạn có thể đảm bảo rằng đất trồng và hệ thống rễ cây đã đạt độ ẩm cần thiết để đảm bảo sự sống cho cây trồng.

Chú ý phải dùng nước máy sạch để tưới nước cho cây trồng. Ở những nơi khó kiếm nước máy sạch, thông thường người ta còn sử dụng nước mưa để tưới cho cây trồng, nước mưa có tác dụng giúp sả hết lượng muối dư thừa có trong đất trồng. Đặc biệt chú ý không dùng nước được lấy từ nguồn nước thải hoá chất để tưới cho cây vì làm như vậy sẽ gây hại cho cây trồng

3. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

a. Sâu hại chính

  • Cào cào ăn lá nhiều loại cây khác nhau như dương, cần thăng, trúc ống điếu…

*  Phòng trị: Dùng Azodrin theo tỉ lệ 1/1000 phun đều lên lá cách 3 ngày/lần cho đến khi không còn cào cào

  • Sâu cuốn lá nhỏ: xuất hiện trên mai vàng vào cuối mùa mưa

* Phòng trị: Dùng Decis 1/800 hoặc Azodrin 1/1000 phun đều 2 mặt lá cách 5 ngày/lần

phun 3 lần.

  • Nhện đỏ (Tetranichus sp ) chích hút lá nhiều loại cây họ Moraceae

* Phòng trị : Dùng Kendall 1/1000 phun đều 2 mặt lá, cách nhau 2 ngày.

  • Sâu xanh họ bướm phượng (Papilionnidae ):
  • Ăn lá trên các cây họ Rutaceae như cần thăng, kim quít.

* Phòng trị: Dùng Decis 1/800 phun 2 lần cách nhau 3 ngày.

  • Sâu đục thân: đục thân nhiều loại cây như mai vàng, nguyệt quế, dương, kim quít… Đây là loại sâu khó trị có thể dùng kẽm để móc sâu hoặc Furadan rải trên mặt đất, bơm Decis pha loãng 1/1000 vào các lỗ có sâu.
  • Rệp sáp: Xuất hiện trên mai vàng, sung, nguyệt quế .

* Phòng trị: dùng Decis 1/800 phun đều 2 mặt lá cách nhau 3 ngày/lần

b. Bệnh hại

  • Bệnh thối củ phát hiện trên sứ, xuất hiện vào mùa mưa nhất là những ngày mưa dầm: Củ thối, mềm nhũn, chết từng phần hay chết cả cây.

* Phòng trị: Dùng dao cạo sạch cắt bỏ phần thối, dùng vôi hoặc Zineb bôi vào vết cắt, đem treo củ sứ trong mát, 2 – 3 tuần sau kiểm tra lại vết cắt, nếu khô, sạch không bị thối tiếp trồng lại.

  • Bệnh đốm lá: Trên mai vàng, sung, si, sam, lâm vồ, sơn trà, lựu… Do nhiều tác nhân khác nhau.

* Phòng trị: Nếu tác nhân là nấm bệnh, dùng Rovral tỷ lệ 1/800 phun đều 2 mặt lá cách nhau 3 – 4 ngày/lần.

  • Bệnh cháy bìa lá ở mai vàng: Xuất hiện cuối mùa mưa và suốt mùa khô.

* Phòng trị: Tăng cường phân bón, năng nước tưới và phun Dithane, tỷ lệ 1/1000.

  • Bệnh thối rễ: Phát triển nhanh vào mùa mưa, ẩm độ cao, nhất là các cây mới cắt rễ, thay chậu.

* Phòng trị: Xới xào chậu thường xuyên trong mùa mưa, rải Zineb khử đất.

  • Bệnh sinh lý: Thiếu dinh dưỡng (đa lượng hoặc vi lượng) cũng làm cây bị suy yếu, giảm sức đề kháng dễ bị các loại bệnh khác xâm nhập.

* Phòng trị: Dùng phân hỗn hợp có vi lượng.

Trên đây là một số kiến thức cơ bản dành cho người chơi bonsai mới bắt đầu từ ABC, khi đã cọ xát lâu năm, chắc chắn bạn sẽ có những kinh nghiệm thú vị hơn.

Chúc các bạn thành công!

Xem thêm: Kinh nghiệm tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng ll Kỹ thuật ghép cây bonsai non với gốc cây khô hoặc gỗ lũa

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG