Kiến thức về bộ rễ bonsai và kinh nghiệm tạo rể buông cho Sanh – Lộc

Sự khác biệt giữa rễ cây trong chậu và rễ cây ngoài tự nhiên:

Trong tự nhiên: rễ cây có 3 nhiệm vụ

  1. Hút nước và muối khoáng (nhựa thô)
  2. Giữ cho cây đứng vững trước mưa gió
  3. Dự trữ dinh dưỡng

Trong cây cảnh, rễ cây chỉ còn một nhiệm vụ cơ bản và thêm một nhiệm vụ mới, đó là:

  1. Hút nước và muối khoáng.
  2. Làm đẹp cho cây. Bên dưới sẽ có một phần mô tả rễ cây thế nào là đẹp

Nhiệm vụ 2 của rễ cây trong tự nhiên bị loại bỏ do thông thường các nghệ nhân nước ngoài dùng loại chậu tốt, có nhiều lỗ dưới đáy để có thể luồn dây cột cây vào chậu chắc chắn:

Nhiệm vụ thứ 3 của cây trong tự nhiên cũng bị loại bỏ do chúng ta cần thân cây to chứ không cần rễ to. Do đó chúng ta cắt tỉa rễ thường xuyên sao cho rễ nhỏ dần và dày đặc. Ta cắt rễ đúng thời điểm cây bắt đầu tích trữ dinh dưỡng thì cây sẽ đành phải tích dinh dưỡng vào thân cây, làm cho thân cây mau lớn. Ta cần rễ dày đặc bởi đơn giản đầu rễ nhiều thì cây hút được nhiều dinh dưỡng, sau này ta cho cây vào chậu nhỏ được (chậu cây càng mỏng càng thể hiện được đẳng cấp dân chơi!)

Cấu tạo rễ cây

Tế bào ráp nhau thành cây cối sẽ chồng chất nhau y hệt như lấy viên gạch 4 lỗ xây tường, xây nhà vậy. Từ tế bào này đến tế bào kia cách nhau bởi 1 vách riêng của từng tế bào. Thế nhưng giữ 2 vách đó, của 2 tế bào, chúng vẫn có những lỗ thông thương bé xíu xiu với nhau. Nhờ vậ, nhựa luyện của cây vẫn thấm được từ tế bào này sang tế bào kia để tế bào vẫn sống và làm việc.

Ta không đi sâu tìm hiểu cấu trúc rễ cây làm gì, chỉ cần quan tâm tới phần lông hút: là những lông mọc chìa ra ngoài rễ. Đây là những tế bào phát triển dài ra bên ngoài để hút dinh dưỡng. Những tế bào này chỉ sống vài ngày, sau đó sẽ có những tế bào khác mọc lên thay thế. Tại sao ta cần quan tâm tới lông hút? Tại vì chỉ có phần đó là có khả năng chắt lọc những phần dinh dưỡng nào cần thiết cho cây. Nếu bạn cắt ngang một rễ, do sự thoát hơi nước trên mặt lá và lực mao dẫn khiến nước vẫn được hút lên nuôi cây, nhưng không được lọc. Do đó mà cây dễ bị nhiễm bệnh, thối và chết. Đó là lý do bạn nên hạn chế tưới nước+vặt bớt lá cây giảm sự thoát nước khi mới thay chậu, phải đợi cây chữa lành vết thương đã rồi mới tính. Tùy giống loài và kinh nghiệm từng người, khi thay chậu cắt rễ bạn cần chừa lại một phần rễ có lông hút đủ để cây duy trì sự sống.

Quá trình phát rễ khi thay đất

Đầu tiên là mặc dù không còn rễ nhưng nước vẫn được hút lên cây nhờ hiện tượng mao dẫn. Với một phần dinh dưỡng còn sót lại trong thân, nó sẽ cố gắng phát lá. Sau khi lá mọc ra rồi nó sẽ làm nhiệm vụ tổng hợp dinh dưỡng để phát rễ.

Hiểu được vòng luân chuyển này rất quan trọng. Bởi khi thay đất bạn không nên cắt trụi lá mà nên chừa lại một phần để vòng tuần hoàn hút nước–>tổng hợp dinh dưỡng–>chuyển dinh dưỡng xuống nuôi rễ  không bị gián đoạn (thợ gọi là chừa lá thở). Thậm chí với những cây khó tính như nguyệt quế chẳng hạn, bạn nên để nguyên lá và tưới phun sương cho cây liên tục sau khi thay đất. Việc để nguyên lá là giúp cây dễ dàng tổng hợp dinh dưỡng và việc phun sương để cây không mất nước mà cũng không bị thối rễ do rễ cây lúc này chưa lành vết cắt.

Phương pháp thu gọn bầu đất

  • Cắt một rễ và chờ cho nhiều rễ con mọc ra: Việc này cần làm thường xuyên trong suốt cuộc đời của một cây bonsai. Đối với cây lá bản khả năng phát rễ cao ta có thể làm như sau: Dùng kéo bén cắt gọn rễ cọc, dùng dao gọt dứt khoát bầu đất tương ứng với chậu ta muốn vô,đối với những cây rửa rễ được như si, linh sam …thì phun trắng rồi sắp vào chậu.
  • Đối với cây lá kim, việc phát rễ khó hơn nên ta cần để nguyên cây trong chậu và cắt từng góc một AB,C,
  • Tăng khả năng hút dinh dưỡng của một rễ: (nói cách khác là làm cho rễ khỏe) Kỹ thuật này là việc nuôi cấy nấm cộng sinh với một số loại cây có vi khuẩn hoặc nấm cộng sinh ở rễ như thông tùng, vạn niên tùng(thông tre), dương liễu(Pacific Yew)v.v. Cách đơn giản nhất để cấy nấm này vào đất là lấy một ít đất quanh rễ loại cây tương tự ngoài tự nhiên trộn vào đất. Còn muốn nuôi nấm cho khỏe thì điều cần nhớ đầu tiên là KHÔNG BÓN QUÁ NHIỀU PHÂN. Cây thông thường chết vì `sặc` phân nhiều hơn vì đói.

Khi nào tỉa rễ?

  • Tỉa rễ nhằm mục đích làm cây phát nhiều rễ dày đặc hơn: Trên lý thuyết, cây chỉ phát rể khi có lệnh phát rễ từ đọt (chồi). Tức là khi nào chồi cây hơi nhú ra là lúc ta thay đất cắt rễ, khi đó chính là lúc cây phát rễ mạnh nhất. Ta cần lưu ý điều này, bởi có quan điểm cho rằng nên cắt  rễ khi lá cây vàng và rụng (cuối mùa sinh trưởng) do cây đã ngủ đông, rễ không hoạt động nên có thể cắt bỏ. Đó là quan điểm sai lầm. Bởi khi đó cây đã tích đủ dinh dưỡng trong rễ để chuẩn bị cho đợt phát triển tiếp theo, bạn cắt rễ là cắt luôn cả `kho dinh dưỡng` của cây nên cây sẽ lâu phát rễ ở đợt nảy mầm kế tiếp.
  • Tỉa rễ để thân mau to: Ta sẽ cắt rễ vào lúc cây đang bắt đầu tích trữ dinh dưỡng. Khi lá cây bắt đầu già (tức là khi cành cây đã ngưng dài ra) thì ta bỏ một phần rễ đi để dinh dưỡng không chứa trong rễ mà chứa trong thân, do đó thân cây mau lớn. Đây là một kỹ thuật khá khó, bạn không nên mạo hiểm nếu mới chơi cây. Ví dụ nếu bạn cắt một phần rễ cây sanh lúc trời hè đang nắng gắt, cây không hút đủ nước thành ra héo lá. Thế là bạn vội vàng ngắt bớt lá để `chữa cháy`, thành ra mình muốn nhanh hơn một chút mà kết quả lại chậm hơn do cây bị ngắt lá đúng thời kỳ đang `làm ăn` được.

Mối liên quan về hình dáng giữa cây và rễ

Nói nôm na bộ rễ là hình ảnh phản chiếu của thân cây qua mặt đất, rễ làm sao thì cây làm vậy (điều này chỉ đúng với cây mọc tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ). Nghĩa là bản tính của cây có khuynh hướng mọc sao cho bộ rễ của cây giống với phần thân cành. Điều này đem đến cho bạn một lô những lựa chọn trong việc chỉnh hình dáng thân cây dựa vào việc cắt rễ. Ví dụ bạn muốn thân to? Hãy thả rễ cọc mọc dài tự do, tuy nhiên cái giá bạn phải trả là đốt lóng cây sẽ thưa thớt. Nếu muốn cành một phía của cây phát mạnh hơn những phía khác? Bạn hãy trồng cây lệch về phía không cần phát triển và sắp xếp rễ cây cho ngay ngắn trong chậu để phía cần phát triển có nhiều đất hơn.

Kỹ thuật buông rễ cho lộc vừng:

Bước 1: Rễ lộc vừng rất nhạy cảm với môi trường ẩm và ngập nước. Nếu muốn cho ra rễ ở điểm nào của thân cây, ta có thể bó mùn, giữ ẩm hay ngâm vào nước ngập đúng điểm đó sau 2 – 3 tháng rễ sẽ mọc ra thường mọc đúng mặt đước trên dưới 10 cm tùy cây to, nhỏ và điều kiện cụ thể mà chọn biện pháp thích hợp.

Bước 2: Khi đã có rễ ra ta nâng dần cây lên hạ dần nước xuống rễ sẽ theo đó mà buông dài dần theo ý muốn

Kinh nghiệm tạo thêm rễ cho cây Sanh

Cách 1: 

   Dùng dao cùn khấc sâu đến phần gỗ chỗ muốn ra rễ. Nếu muốn đơn giản và nhanh chỉ cần xịt thêm thuốc kích thích ra rễ vào chỗ khấc rồi dùng lưới che lan phủ lên để tránh trường hợp bị khô vết khấc, đồng thời sau này rễ buông khi ra không bị gió thổi mọc sẽ thẳng đẹp. Trường hợp không có thuốc kích thích rễ dung vải dày đắp vòng quanh vết khấc hằng ngày tưới ẩm nhiều.

(Tránh dùng cách tạo rễ kiểu như chiết cành có thể làm cành đó bị phù)

Cách 2: 

   Ghép nguyên mảng rễ: tách hẳn 1 mảng rễ của 1 cây khác (có dính 1 phần da của thân cắt, rạch 1 đoạn tương ứng trên cây chủ, tách ra đặt đoạn rễ ngoài vào, quấn chặt sau này phần rễ ghép tự liền da và phát triển bình thường (cách này ít dùng vì người không quen thao tác khó và không biết cách xử lí vết thẹo rạch sau này phù không thẩm mỹ)

Cách 3: (Hay sử dụng)

   Lấy 1 đoạn rễ của 1 cây khác. Khoan hay dùi 1 lỗ sao cho vừa khít với đầu của đoạn rễ định ghép, nhét đoạn rễ đó vào, bó chặt lại. sau 1 hời gian rễ sẽ tự ăn vào thân, nhìn rất đẹp.

Một số kinh nghiệm

Những kinh nghiệm của nghệ nhân về bộ rễ

(tư liệu sưu tầm từ nhiều nguồn)

  1. Trungdunggialai: Với một cây con (nhân giống bằng chiết cành hay gieo hạt, trồng làm cây cảnh hay ăn trái) Khi trồng tôi đều trồng NGHIÊNG một tý (cho dù đó là cây TRỰC) Về sau cây có gốc phát triển nhanh, đẹp và lớn hơn trồng ĐỨNG (Đã thực nghiệm).
    Bình luận của bác Vũ Hưng: Rất chính xác!
    Cảm ơn bạn góp ý hay.
    Điều này rất đúng cả cho những cây giâm cành (góc cành hợp với mặt đất góc 45 độ).
    Độ nghiêng của thân không hợp với kiểu mọc bình thường nên rễ sẽ cố kéo cây mọc thẳng đứng bình thường trở lại. Nhờ vậy, rễ phát mạnh hơn.
  2. Hỏi mrhuynh482: thưa thầy cho em hỏi! Khi cây phôi ta đưa vào chậu, tất nhiên phải cắt rể và lá. Đây là 2 nguồn sống chính của cây! Vậy lúc này cây không còn kho dự trữ ở rễ, lá không quang hợp vậy cây sống bằng gì trong giai đoạn này?
    Trả lời Vũ Hưng: Bạn có cắt cành đào cắm vào bình chưng Tết chứ? Cành đào không rễ không lá. Vậy cành đào còn sống chứ?
    Dĩ nhiên là cành đào, cành mai chưng tết vẫn sống.
    Khi những cành đào nhận được thêm nước do thân “hút” nước lên chuyển tới những cành con. Lượng nước đủ để mầm hoa, mầm lá đang ngủ thức dậy và phát triển.
    Khi chồi lá phát triển, chúng sẽ gởi tín hiệu theo đường nhựa luyện xuống gốc để báo gốc ra rễ. Nhưng thường là gốc không đủ sức ra rễ và bắt đầu hư thúi nên lá cũng thiếu nước khiến rũ héo.
    Nếu cành cắt thuộc loại chịu nước, tức là chỗ cắt chưa bị hư thúi cho đến khi vùng vỏ rễ có tín hiệu ra rễ và chuyển được từ dạng tế bào nội bì ra tế bào rễ (chúng ta gọi là những loại cây chịu nước), lúc đó gốc có rễ và cây tiếp tục phát triển..
    Hầu hết các cây đều phát lá rồi mới phát rễ. Tuy nhiên, một số cây có kích thích tố ra rễ mạnh như linh sam, mai chiếu thủy, liễu rũ… có thể phát rễ trước khi phát lá.
    Tóm tắt: khi cây không lá, rễ bị tỉa, cây sẽ chờ rễ “hút” đủ nước vào thân và sử dụng chất dự trữ trong thân cây để phát lá. Khi lá được phát đủ sức, chồi lá sẽ phát triển.
    Khi chồi lá phát triển là lúc chồi chuyển hiệu lệnh để rễ phát triển. Chúng ta có thể gọi đó là vòng luân chuyển kích thích tố từ chồi lá xuống rễ và từ chóp trễ lên lá.
    Mời bạn xem hình cành mai chiếu thủy ngâm vào nước sẽ phát rễ của bạn Lưu Viên ngoại.
  3. Hỏi: Rễ thích chui tới những chỗ thế nào?
    Trả lời:: Có nước/khoáng/tối/ấm 20-30oC/O2. Tối thì không hẳn vì vẫn có rễ khí sinh trên sanh/si/lan…. Lưu ý ở phần O2, rễ sẽ phát triển tốt nếu đất trồng thoáng và thường xuyên được cung cấp O2 bằng cách tưới nước để thay phần không khí cũ bằng phần không khí mới.
  4. Hỏi: Sao vào ban sớm có giọt nước trên lá mà mọi thứ xung quanh vẫn khô? (chứng tỏ ko có sương đêm)
    Trả lời: Khác với lá chỉ làm việc khi có ánh mặt trời, rễ làm việc 24/24. Đôi khi rễ làm việc tốt quá, lượng nước trong lá hơi cao vì đêm tối lá không làm công việc thoát hơi nước nhựa nguyên, thế nên sau đêm tới sáng lá phải thải bớt nước ra chóp lá. Nếu thấy hiện tượng này bạn nên giảm bớt lượng nước tưới lúc chiều tối.

Xem thêm: Kinh nghiệm điều chỉnh rễ và kỹ thuật tạo rễ cho Bonsai ll Kinh nghiệm tạo bộ đế dài – kỳ quái cho bonsai

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG