Đá cảnh – Bộ môn nghệ thuật “cổ – kỳ – mỹ”

Đá Cảnh 

Đá không chỉ để làm các dụng cụ , người tiền sử đã biết sử dụng làm đồ trang sức, khắc hình , tạc tượng …, và ngày nay đá được nâng lên thành một loại nghệ thuật . Từ thời nhà Tống , người Trung Hoa đã biết dùng những viên đá đẹp được mài trũng ở giữa để đựng mực . Nghệ thuật thưởng ngoạn đá sau đó lan sang Triều Tiên, Nhật Bản, qua phương Tây trong vòng 100 năm trở lại đây và những nước khác trên thế giới. Hiện nay, đá cảnh trở thành thú chơi toàn cầu… Đá cảnh thường được trưng bày trên đế gỗ đã chạm khắc hoặc được trưng bày trên khay làm sứ hoặc đất nung có rải cát hay hạt mịn hoặc nước . Trải qua nhiều nước, tên của nghệ thuật này cũng có khác nhau. Tại Trung Hoa được gọi là Cung thạch (trưng bày đá) . Tại Nhật gọi là Suiseki (đá nước), Triều Tiên đuợc gọi là Suseok (đá vĩnh cửu). Ở phương Tây gọi là Viewing stone (xem đá). Còn ở Việt Nam thì gọi là Đá Cảnh. 

Theo nghệ thuật chơi đá của người Trung Hoa , đá phải có đủ 4 tiêu chuẩn :
– Gầy guộc nhưng phải rắn rỏi biểu thị sự khắc khổ nhưng quả cảm.
– Vân sớ, nhăn nheo biểu thị tính cổ xưa.
– Lồi lõm, hang hốc biểu thị sự thâm u.
– Có hang lỗ xuyên qua biểu thị sự thông suốt.

Do đó một viên đá được chọn làm hòn đá cảnh phải có các hình thù:
– Đá có hình dáng đẹp, màu sắc hài hòa, vân đá mạch lạc.
– Đá gầy guộc, cằn cỗi .
– Đá lồi lõm, có hang, lỗ.
– Đá tròn, nhẵn.
– Đá có hình người, vật, đồ vật hay cảnh quan tự nhiên.
– Đá có hình thù kỳ dị.

Những chi tiết sau đây cũng rất quan trọng vì làm tăng thêm giá trị của viên đá:
– Màu đá: đá màu sáp vàng, màu vỏ dưa , màu đen như mật , hoặc nhiều màu.
– Chất đá: đá càng cứng càng quý.
– Hốc đá: đá bị soi mòn thành những chỗ lồi lõm ở phía trong.
– Mắt đá: đá có những lỗ hổng xuyên thủng qua.
– Huyệt đá: hốc đá chứa một hay nhiều cục đá nhỏ ở trong (gọi là măng đá) mà ta không lấy ra được.
– Vân đá: những vân này thay đổi theo nhiều hình thể, tạo nên một cảnh trí núi non, sông nước, hay hình con nai đang nhảy dưới trăng, hình mỹ nữ đang múa, hình cành hoa hay chim chóc v.v… Đá có khứa vằn như mai rùa hoặc trông như những đám mây vần vũ trên trời, như ráng mặt trời lúc hoàng hôn, như sóng vỗ bờ, như nước chảy cuồn cuộn dưới sông hay chỉ là những vân như trong lòng các cây gỗ quý.

Nghệ thuật chơi đá cảnh ở Trung Hoa được truyền sang Triều Tiên và phát triễn mạnh ở Nhật Bản . Người Nhật có tài thu dụng cái hay , cái đẹp ở nước ngoài rồi biến thể thành nghệ thuật riêng của mình . Cũng như Bonsai, người Nhật tạo nghệ thuật đá cảnh thành một nghệ thuật của Nhật dưới tên gọi Suiseki . Các thiền sư Nhật quan niệm đá là biểu tượng của thế giới tâm linh nên đá cũng là vật góp vào việc thiền định . Trong các tu viện Nhật Bản hoặc các tư gia sang trọng đều có một vườn Zen (thiền) lớn hoặc nhỏ . Trong vườn Zen , người ta thường thấy rải rác trên sân cát một vài viên đá sắp xếp theo một mô hình đặc biệt . Từ Suiseki có nghĩa là nước (Sui) và đá (Seki) . Người Nhật dùng kỹ thuật nuôi đá (chứ không phải tạc đá , mài đá…) . Có hai cách nuôi đá :
-Nuôi đá trong nhà rồi xoa bằng tay hoặc bằng khăn mềm cho hòn đá nhẵn bóng . Tuyệt đối không dùng dầu hay một chất liệu nào khác ngoài mồ hôi của con người.
-Nuôi đá ngoài vườn để đá chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng mưa hoặc tưới nước cho đá sẫm màu . Lúc đầu , nước bốc hơi nhưng lâu dần thấm nước thành nhẵn bóng và mọc rêu . Thường hòn đá được để trên một khoảng đất đầy rêu ướt , nhìn xa trông như một ngọn núi nổi lên giữa cánh đồng hoang dã .
Ngày nay từ Suiseki chỉ tất cả các loại đá cảnh mà không được tưới nước như trước . Mỹ gọi là “Viewing Stone” , tiếng Việt gọi “Đá Cảnh” là đúng nghĩa nhất . Đá nuôi không có giá trị bằng đá tự nhiên .

Người ta thường xếp loại đá cảnh như sau ( nhưng khi các hòn đá được phối hợp lại thành một tác phẩm nghệ thuật thì không thể xếp loại được) :
– Chất cấu tạo bao gồm khoáng chất màu lợt như quartz (thạch anh) hay feldspar đã cấu tạo thành suối hay thác nước, hoặc các chất khác với nhiều màu sắc đã tạo ra những vân đá như những vằn trên da cọp, hình hoa , hình lá, hình cảnh trí thiên nhiên như ráng mặt trời, tranh thủy mặc v.v….
– Xuất xứ tức là vị trí đã tìm thấy đá trên thế giới như đá Ligurian Alps ở Ý, đá Murphys ở Sierra Nevada Hoa kỳ, đá Sa mạc (sabaku-ishi) ở miền tây nam Hoa kỳ, Úc châu và Phi châu. 
– Vân đá như : vân chạy ngang dọc trên mặt đá như cái lưới , vân vằn trên đá giống như vết bò của loài rắn trên mặt cát, mặt đá có lỗ hoặc những vết lõm sâu khoảng 12mm (1/2 inch), đá có những vết hằn, vết cắt rất sâu, đá có những vệt đậm màu trên nền đá lợt, đá có nhiều đốm trên mặt như trái lê Nhật bản.
– Màu đá cũng phải tùy thuộc hình dáng của đá vì không gì khó chịu hơn khi nhìn một hòn đá dáng cận sơn hay viễn sơn màu đỏ hay màu vàng. Đá mầu sậm có giá trị hơn đá màu lợt, mặc dù đá màu lợt rất khó tìm. 
– Kích thước có 4 loại : loại tí hon , loại nhỏ , loại trung, loại lớn . 
– Hình thể được nghệ nhân tạo nhiều nhất là dạng núi với hình tam giác. 

Có khi đá là một trái núi đơn độc (cô phong hay độc phong) .
Có khi là hai ngọn (song phong) .
Có khi là nhiều ngọn (đa phong) .
Có khi là một dãy núi (trường sơn) với nhiều hình tam giác liên kết với nhau. 
Nếu đá dưới dạng trường sơn thì ngọn phụ phải nhỏ hơn và nằm phía sau ngọn chính để tạo một cảm giác chiều sâu. Đỉnh chính vào khoảng 1/3 dãy núi . 
Nếu đá dưới dạng viễn sơn (núi nhìn từ xa) thì hòn đá phải có đủ nét thẩm mỹ , tinh thần Zen để làm trọng tâm cho thiền định . Đỉnh hòn đá nằm khoảng 1/3 chiều ngang của núi , hơi nghiêng về phía trước hoặc phía sau chứ không ngay chính giữa. Sườn núi thoai thoải dốc . Những ngọn khác cũng phải nằm chếch về phiá sau hay trước chứ không dược nằm ngang với ngọn chính .
Nếu đá dưới dạng cận sơn (núi nhìn gần) cũng theo những quy luật trên nhưng những vân đá và các chi tiết khác phải nổi lên rõ ràng giống như khi ta đứng ngắm núi từ dưới chân núi vậy .
Đá có dáng núi với thác nước phải dùng đá có màu lợt hơn màu đá nền núi, trông giống như nước chảy từ giữa khe núi. Nếu thác nước chảy từ giữa hai ngọn núi không cùng một chiều cao thì nên cho thác bắt đầu chảy thẳng từ trên ngọn xuống để người xem tò mò tìm hiểu nước bắt nguồn từ đâu. Thác nước nên ở vị trí 1/3 chiều ngang của núi . Dòng nước càng xuống phía dưới chân núi càng phải lớn dần như thác nước từ cao đổ xuống càng gần mặt đất càng tỏa rộng ra . 
Đá có dáng núi và suối thì vệt đá tượng trưng cho nước chạy theo chiều ngang của núi chứ không chạy theo chiều dọc và đường nước lưu thông trông có vẻ nhỏ vì lượng nước suối chảy yếu hơn lượng nước ở thác. Trường hợp những hòn núi có khe lõm mà không có chất đá khác màu tượng trưng cho nước thì gọi là thác cạn cũng giống như một ngọn núi ngoài thiên nhiên bị thác nước xoi mòn thành khe núi và nước đã bị khô cạn trong mùa nắng ráo. 
Ngoài ra , đá còn có nhiều dạng khác như một mỏm núi nhô ra biển , một bình nguyên , một bậc đá , một hang động , một ghềnh đá , một cái hồ ở giữa hay ở lưng chừng núi ,hình người, thú vật hay đồ vật như mái nhà, chiếc thuyền v.v…. 
Những đá sa mạc không có hình thù rõ rệt thì được xếp vào loại trừu tượng . 
Tóm lại , hình thể đá cảnh rất đa dạng tùy theo óc tưởng tượng của nghệ nhân cũng như khách thưởng lãm.

Đá ngoài thiên nhiên qua quá trình xói mòn bởi thời tiết , địa chấn hàng triệu năm nên không có viên nào giống viên nào , tuỳ theo hình thể thiên nhiên mà có những đặc điểm và hình dáng đặc thù . Thường nghệ nhân để nguyên hình dáng có sẵn nhưng cũng chỉnh sữa , tạo dáng đôi chút để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật . Tuy nhiên việc mài dũa , cắt xén không được làm mất vẽ tự nhiên . Đá cảnh có thể tìm thấy ở ven biển , sông ngòi , các vùng sa mạc , các dòng nước khô cạn . 
Chơi đá cảnh không khó khăn và tốn nhiều công như chơi bonsai , hoa kiểng , chim cá kiểng . 
Những viên đá thường ẩn giấu những cái đẹp và đó là một sự thử thách dành cho nghệ nhân gọi là “người đi tìm nhân duyên” . 
Nói về nghệ thuật chơi đá người Trung Hoa có mấy câu bất hủ : 
Sơn vô thạch bất kỳ (Núi không đá không lạ)
Thuỷ vô thạch bất thanh (Nước không đá không trong)
Viên vô thạch bất tú (Vườn không đá không đẹp) 
Thất vô thạch bất nhã (Nhà không đá không sang)

Để có một hòn đá đẹp , nghệ nhân phải kiên trì tìm kiếm lâu dài trong các chuyến đi xa , ở những nơi có thác , có suối , nơi mà nước đã bào mòn đá trong một thời gian dài .
Vẽ đẹp hấp dẫn của một viên đá tuỳ theo cảm nhận của mỗi người , và tuỳ theo việc phối hợp tạo dáng của nghệ nhân , thay đổi một hướng nắng , một vùng tối là thay đổi cả linh hồn của đá. Xưa, Nguyễn Trãi vịnh đá Côn Sơn để luận nước thịnh suy. Phan Bội Châu với bài phú nổi tiếng “bái thạch vi huynh”(lạy đá làm anh) để thể hiện chí lớn. Đá biểu hiện tụ khí của thiên nhiên, chơi đá phải biết rằng đá có linh hồn, nhưng cũng phải biết cách giữ hồn và thổi hồn cho đá…Đừng tưởng đá chỉ là những vật bỏ đi, có thể chỉ là những hòn đá bơ vơ giữa bãi biển mênh mông, hay là một viên sỏi lăn lóc đâu đó nơi góc sân vườn nhưng dưới đôi bàn tay nghệ thuật của các nhà sáng tạo, sỏi đá đã được thổi hồn vào đó để giờ đây chúng thật ý nghĩa biết bao khi mang lại cho con người một vẻ đẹp đầy phong cách. Đá đem đến cho con người sự bình yên , tĩnh tại. Nhìn ngọn suối buông mình từ đỉnh xuống chân núi hay nhìn đá dưới cơn mưa sũng nước , người thưởng ngoạn sẽ thấy không gian trầm mặc , mông lung vời vợi. Đá chen lẫn sắc màu của cây cỏ huyền ảo lung linh như cuộc đời vốn dĩ mờ ảo trong làn sương khói , nhưng luôn luôn tĩnh tại , an trú trong thiền định . Với tâm hồn thư thái , bình thản khi ngồi nhìn từng hạt cát ,viên sỏi hay từng hòn đá trơ lạnh, nhưng lại thấy ấm áp , dấy lên trong tâm hồn một tư duy huyền dịu về cuộc sống hay sự ảo hóa của một kiếp người.

Lê Tấn Tài

Xem thêm: Tổng quan về nghệ thuật đá cảnh Suiseki

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG