Câu chuyện “cây vả và cây sung” – Kinh nghiệm phân biệt vả – sung – ngái

Câu chuyện cây Vả và cây Sung


Trong dân gian có câu Lòng vả cũng như lòng sung để ám chỉ một điều lòng ta thế nào thì lòng người cũng thế. Ta sao người vậy, chớ vội chê người mà không xét mình. Vả và sung cây cùng họ với nhau, quả mọc thành chùm. Quả vả to hơn quả sung. Quả sung ăn được. Ruột quả vả và ruột quả sung có côn trùng sống ký sinh.

Nghĩa bóng: Lòng dạ, suy nghĩ, tâm trạng của con người ai cũng như ai, không có gì khác nhau; cùng chung cảnh ngộ thân phận.

Còn có câu: Bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy; Chanh khế một lòng, bưởi bòng một dạ; Lòng bầu cũng như ruột bí; Máu bò cũng như tiết dê; Ngài khác gì tằm; Sung cũng như ngái; Mái cũng như mây.

Chuyện kể:

Cây vả và cây sung mọc ở bờ ao. Hai cây làm bạn với nhau che mát cho đám rêu rong, ếch nhai. Một hôm, chả biết thế nào cây sung nói với cây vả:

– Bác vả ơi, lá của bác to như cái tai trâu, mà toàn lông lá phát khiếp. Bác sống ở đây bọn cóc nhái ghét bác vì quả của bác chẳng ai thèm ăn, rụng thối cả bờ ao. Bằng không, bác mọc ra chỗ đồi kia, vừa rộng lại có bao nhiêu đất ăn, chẳng phải tranh nhau tý đất bờ ao làm gì cho khổ.

Cây vả thấy thế bực lắm. Nó bảo:

– Cô sung thật chẳng biết điều. Vả tôi mọc ở đây trước. Ngày xưa tổ tiên cô mọc ở suối trên rừng kia, may mà có con chim ăn quả của cô, bay về đậu lên vả tôi, mới ỉa một bãi xuống, mà mọc thành cô.

Hai cây cãi nhau mãi chẳng ai chịu ai. Có con chim thường bay qua lại đây để mổ quả vả và quả sung nghe thấy vậy, nó cười như hót, rồi bảo rằng:

– Chị vả và chị sung ơi, đừng cãi nhau nữa, các chị không biết đấy thôi chứ tôi mổ quả của các chị tôi biết. Lòng chị vả cũng như lòng chị sung thôi, đều đầy những muỗi, hay gì mà cứ cãi nhau thế.

Cây vả và cây sung lúc ấy mới ngượng ngùng xem lại quả của mình thì thấy ruột quả rỗng giống nhau, lại còn đầy côn trùng sống ký sinh.

Câu truyền miệng “Lòng vả cũng như lòng sung” ám chỉ một điều lòng ta thế nào thì lòng người cũng thế. Ta sao người vậy, chớ vội chê người mà không xét mình.

Lòng vả cũng như lòng sung
Một trăm con lợn cũng chung một lòng.

(Ca dao)

Giống như cây vả và cây sung chê trách, nói xấu nhau, nhưng chỉ có con chim mới biết trong ruột sung, ruột vả như thế nào.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

CÂY SUNG – CÂY VẢ – CÂY NGÁI

CÂY SUNG hay ưu đàm thụ hoặc tụ quả dong, danh pháp khoa học hai phần : Ficus racemosa, đồng nghĩa Ficus glomerata, là loại thân cây gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới tại những nơi đất ẩm bìa rừng, nhiều nhất là ven các bờ nước ao, hồ, sông, suối.

Cây sung thân gỗ cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm; hoa đơn tính cùng gốc. Vỏ thân cây màu nâu ánh xám, nhẵn. Các cành nhỏ, phiến lá non và chùm quả với các sợi lông cong xuống hay được che phủ rậm rạp bằng lông tơ mềm màu trắng. Các cành nhỏ màu nâu. Các lá kèm hình trứng-mũi mác, dài 1,5–2 cm, có màng và lông tơ. Các lá sớm rụng, mọc so le; cuống lá dài 2–3 cm; phiến lá hình elip-trứng ngược, elip hay elip hẹp, kích thước 10-14 x 3-4,5(-7) cm, dai như da, lục nhạt ở xa trục, có lông tơ khi còn non, không lông và hơi xù xì khi già, màu lục sẫm ở gần trục và nhẵn nhụi, gốc lá hình nêm hơi cùn, mép lá nguyên, nhọn đỉnh tới hơi cùn; gân bên cơ sở 2, gân thứ cấp 4-8 ở mỗi bên của gân giữa.

Quả sung bổ đôi

Quả mọc thành chùm trên các cành nhỏ ngắn trên thân cây già, đôi khi ở nách lá trên các cành non hay trên các cành nhỏ không lá đã già, mọc thành cặp, màu cam ánh đỏ khi chín, hình quả lê, đường kính 2-2,5 cm, phần gốc quả thu nhỏ thành cuống, lỗ chân lông trên đỉnh hình rốn, phẳng; cuống dài khoảng 1 cm; các lá bắc tổng bao hình tam giác-trứng. Các hoa đực và cái cũng như vú lá mọc ra trên cùng một cây. Hoa đực: các lỗ chân lông cận đỉnh, không cuống; thùy của đài hoa 3 hay 4; nhị 2. Vú lá và hoa cái: có cuống nhỏ; các thùy đài hoa thẳng, đỉnh 3- hay 4-răng; vòi nhụy ở bên; núm nhụy hình chùy. Ra hoa trong khoảng tháng 5 tới tháng 7.

Phân bổ:

Sung ưa thích sống tại các khu vực ẩm ướt, cạnh bờ sông suối, đôi khi trong lòng suối tại các cao độ từ 100 tới 1.700 m. Khu vực phân bố: Trung Quốc (miền nam tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam), Ấn Độ, Đông Nam Á, Nepal, New Guinea, Pakistan, Sri Lanka, Australia. Ở Việt Nam cây phần bố rộng khắp ở cả 3 miền.

Quả sung xanh và sung chín

Ứng dụng:

Quả sung mọc thành từng chùm ở thân cây có thể ăn được, người ta hay muối như muối dưa để ăn trực tiếp hoặc kho với thịt, cá.

Lá sung non cũng thường được sử dụng trong ẩm thực khi ăn kèm với thịt chua, thịt lợn ba chỉ luộc, gỏi cá v.v. Lá sung tật, loại lá có côn trùng đẻ vào khiến các đốm sùi lên, được dùng để chữa một số loại bệnh và là thành phần trong phương thuốc lợi sữa. Loại cây này là một loài cây cảnh rất phổ biến vì có dáng thân rất đẹp và bởi quan niệm từ sung gần với sung túc, hiện tại cây sung còn được sử dụng làm bonsai.

Trong mâm ngũ quả ngày Tết nhiều nơi người ta xếp chùm quả sung cùng các loài trái cây khác để chưng trên bàn thờ với mục đích cầu mong sự sung túc, sung sướng cho gia đình trong năm mới.

Nhựa sung được sử dụng để chữa các vết thương xây xát ngoài da, chữa đau đầu, áp xe vú, nhọt độc, hen, chốc lở, ghẻ ngứa.

Bài thuốc:

Điều kinh phụ nữ: lá sung 60g, măng sậy hoặc búp sậy 30g, ngải cứu 20g, phèn chua phi 5g và một ít muối. Tất cả giã nát, thêm nước dừa quấy đều rồi vắt lấy nước. Uống vào thời gian gần có kinh thì hành kinh tốt.

Chữa sởi trẻ em: lá sung tật, lá dâu, lá đậu ván, lá cối xay mỗi thứ 15g, tất cả sao vàng, sắc uống trong ngày. Trẻ từ 2-5 tuổi, mỗi lần uống 20ml, cách 2 giờ uống 1 lần cho đến khi khỏi.

Chữa hen suyễn trẻ em: dùng nhựa sung hoà với mật ong uống trước khi đi ngủ.

Chữa nhức đầu: dùng nhựa sung phết lên giấy bản dán vào 2 bên thái dương.

Trong tôn giáo:

– Ấn giáo:

Trong Atharva Veda, cây sung (tiếng Phạn: uḍumbara hay udumbara) được coi là phương tiện để đạt được sự thịnh vượng và đánh bại kẻ thù. Chẳng hạn, khi nói về tính chất bùa ngải của cây udumbara, bài ca tụng (AV xix, 31) viết rằng:

The Lord of amulets art thou, most mighty: in thee wealth’s

ruler hath engendered riches,
These gains are lodged in thee, and all great treasures. Amulet,
conquer thou: far from us banish malignity and indigence,
and hunger.

Vigour art thou, in me do thou plant vigour: riches art thou, so

do thou grant me riches.
Plenty art thou, so prosper me with plenty: House-holder, hear
a householder’s petition.

– Phật giáo:

Cả cây, hoa và quả của sung đều được gọi là udumbara (tiếng Phạn, tiếng Pali; tiếng Devanagari: उडुम्बर tức hoa đàm hay ưu đàm hoa) trong Phật giáo. Udumbara cũng có thể dùng để chỉ hoa Ni la ưu đàm bát la (Nila udumbara). Hoa ưu đàm xuất hiện trong các chương 2 và 27 của Diệu pháp liên hoa kinh, một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất. Từ trong tiếng Nhật udonge (優曇華, ưu đàm hoa) được thiền sư Đạo Nguyên Hi Huyền (1200-1253) sử dụng để nói tới hoa của cây ưu đàm hoa trong chương 68 của Chính pháp nhãn tạng (正法眼藏, shōbōgenzō). Đạo Nguyên đặt khung cảnh của hoa ưu đàm trong hoa thuyết pháp được Thích-ca Mâu-ni đặt trên đỉnh Linh Thứu.

CÂY VẢ hay còn gọi là cây Sung Mỹ, Sung tai voi, Sung lá rộng, tên khoa học Ficus auriculata, là một loài cây thuộc chi Ficus,họ Dâu tằm(Moraceae), nó có quả giống như sung nhưng lớn hơn và có lá to hơn.

Cây Vả là loài có nguồn gốc Hymalaya, miền nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Là loài cây thường xanh, nhưng trong một số vùng khí hậu, nó có thể rụng lá trong mùa đông.

Cây vả

Cây Vả và cây Sung cùng họ, nhưng khác ở chỗ quả sung nhỏ, lớp cùi mỏng, chát. Thỉnh thoảng có người làm món sung muối nhưng ăn không ngon. Sung chủ yếu bán trong ngày Tết để chưng lên mâm trái cây nhằm mong muốn làm ăn một năm sung túc. Quả Vả gần giống như quả Bần miền Nam, hoặc cụ thể hơn là giống như quả cà dĩa nhưng nhỏ hơn. Bình thường mỗi quả vả có độ rộng từ 3-5 cm, chiều dày khoảg 1,5-2 cm, khi còn tươi có màu xanh. Quả vả bọng ruột, lớp cơm màu trắng (đó là phần dùng để chế biến thức ăn), vả có vị ngọt vừa, ăn vào bùi bùi.

Cành và quả cây Vả

Cây Vả thuộc cây gỗ vừa có thân và cành to, cây thường xanh nhưng trồng xứ lạnh bị rụng lá vào mùa Đông, lá hình tim gần như tròn có kích thước lớn phiến lá to. Quả Vả to bẹp rộng đến 4 cm, có lông vàng vàng.

Quả Vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Khi non quả có vỏ màu xanh lục, có lông mịn, khi chín có màu đỏ thắm. Cây Vả mọc nhanh, tái sinh chồi mạnh.

Theo một số quan niệm dân gian thì khi trồng vả, người ta thường trồng hai cây, không trồng đơn lẻ bao giờ. Cây vả rất khó chết, lớn nhanh, tỏa bóng mát và cho quả quanh năm. Nhà nào có cây vả để chết khô là điều không may.

Cây vả,vả,cây sung Mỹ,sung tai voi,sung lá rộng,Ficus auriculata,Ficus
Cây vả ở quần đảo Bijagós,Tây Phi

Cây Vả trong y học :

Quả Vả có dược tính làm mạnh cho bao tử, phòng chữa bệnh táo bón, kiết lỵ và trĩ, điều hòa trong ruột, lợi tiểu. Rễ và lá có tác dụng giải độc, tiêu thũng, quả Vả rất tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ (9,8 gam) và ít năng lượng (100 gam khô cho 250kcal).

Quả Vả xanh dùng như rau sạch, có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ. Người ta thường chế biến quả Vả xanh thành nhiều loại như : rau sạch ăn sống (cắt lát mỏng chấm với mắm), làm rau sạch vị chát thành rau ghém trộn cùng với các loại rau khác, hoặc kho với một số thực phẩm…

Quả Vả khô chứa các a-xít béo omega-3 và omega-6 cùng với phenol. Đây là những chất giúp ngừa bệnh tim mạch vành.

Quả Vả cũng là một nguồn cung cấp can-xi, chất giúp củng cố xương.

Do Vả giàu kali nên giúp điều hòa lượng đường trong máu. Điều này có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, những người có chế độ ăn uống chứa sodium có thể bị mất can-xi trong nước tiểu. Hàm lượng kali cao trong quả Vả giúp phòng ngừa hiện tượng này.

Vả trong ẩm thực :

Quả vả có thề dùng để chế biến một vài món ăn giống như rau.

Món gỏi từ quả Vả trộn tôm thịt + mè rang + rau thơm được coi là một trong những món ăn đặc sắc, rất ấn tượng của người Huế. Món ăn này có ích cho những người bị táo bón, ăn uống kém, mỡ trong máu cao, cao huyết áp.

Món hầm từ quả vả xanh với sườn heo hoặc móng giò heo rất bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, có tác dụng lợi sữa, an thần, trợ tiêu hóa.

Quả Vả chín phơi khô rồi chưng với đường trở thành món mứt quả Vả có vị ngon không thua gì mứt quả Chà Là nước ngoài, rất tốt cho sức khỏe của người
già cao tuổi.

Trong văn hóa :

Trong dân gian có câu “Lòng vả cũng như lòng sung” để ám chỉ một điều lòng ta thế nào thì lòng người cũng thế. Ta sao người vậy, chớ vội chê người mà không xét mình như câu chuyện trên.

CÂY NGÁI  hay sung ngái, tên khoa học Ficus hispida, là một loài thực vật có hoa trong họ Dâu tằm (Moraceae). Loài này được L.f. mô tả khoa học đầu tiên năm 1782.

Cây ngái (sung ngái) có kích thước trung bình, cao 3-5m, có các nhánh khoẻ, lúc đầu có lông cứng màu nâu hay tái, về sau nhẵn. Lá mọc đối, ít nhất cũng là ở ngọn các nhánh, hình trái xoan ngược hay bầu dục, tù hay tròn ở gốc, có mũi ở chóp, có răng, có lông nhám ở cả hai mặt, dài 11-20cm, rộng 5 -12cm, có 3 gân, hai gân bên lên đến phân nửa phiến; cuống có lông ráp, dài 15-30mm. Có hoa từ tháng 1-4.

Quả có cuống và mọc trên một nhánh ngắn đặc biệt ít khi có lá, nằm ở gốc thân và kéo ra trên mặt đất. Quả này có lông nhám, đường kính 1-2cm, lúc chín màu vàng. Có những thứ khác nhau có quả mọc trên thân hay ở đất, lông tái hay nâu đen, quả đỏ hay quả vàng.

Cây ngái,sung ngái,tầm gửi cây ngái,Ficus hispida,họ dâu tằm,họ Dâu tằm,Moraceae,cây làm thuốc,tác dụng của cây ngái
Thân và quả cây ngái

Cây Ngái vốn là một loại cây thuốc quý có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, tiêu tích hoá đàm, cảm mạo, viêm phế quản, tiêu hóa kém.

Bộ phận dùng: Rễ, lá, vỏ và quả – Radix, Folium, Cortex et Fructus Fici Hispidae.

Nơi sống và thu hái:
– Cây của miền Đông Dương và miền Malaixia, châu Đại dương, mọc hoang ở khắp nơi.
– Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Rửa rễ, phơi khô, lột bỏ lớp vỏ ngoài, dùng lớp thứ hai. Nhặt bỏ lông trên lá rồi sấy khô.

Thành phần hoá học: Có saponin.

Tính vị, tác dụng: Có vị ngọt dịu, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, tiêu tích hoá đàm. Ở Ấn Độ, quả, hạt và vỏ được xem như có tác dụng xổ, gây nôn.

Công dụng:

Thường dùng chữa:
1. Cảm mạo, viêm nhánh phế quản;
2. Tiêu hoá kém, lỵ;
3. Phong thấp, đau nhức khớp, ngã tổn thương;
4. Cụm nhọt ở nách, đinh râu.

Liều dùng: 15-30g, dạng thuốc sắc. Giã cây tươi đắp ngoài hay nấu nước rửa.

Ở Malaixia, nước sắc lá dùng uống trị sốt rét và dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống. Nước sắc vỏ dùng trị sốt cho trẻ em. Vỏ dùng làm thuốc gây nôn. Quả chín dùng ăn có tính lợi sữa.

Ở Java và Trung Quốc, người ta cũng dùng quả làm mứt. Quả đốt thành than ngâm nước hay rượu chữa đau răng. Rễ cây ngái sao vàng sắc uống điều kinh.

Lưu ý: Quả ăn sống gây ngộ độc.

Ngoài ra, tầm gửi trên cây ngái cũng là một cây thuốc quý

Tầm gửi cây Ngái là một loại cây sống ký sinh trên thân cây ngái, qua nhiều năn sống nhờ và hút tinh chất của cây ngái nên tầm gửi cây ngái có tác dụng rất tốt như:
– Bổ can thận, mạch gân xương, an thai, lợi sữa;
– Giải độc, tăng cường chức năng Gan, Thận – Mát, thanh lọc cơ thể, giúp ăn ngon, dễ ngủ. Tăng cường sức khỏe cho người mệt mỏi, gầy yếu.
– Ở phụ nữ sau sinh: giúp tăng tiết sữa, ngoài ra còn có tác dụng điều trị chứng hậu sản mòn. (Chữa hậu sản, tăng tiết sữa và làm mát sữa).
– Tăng thể lực cho người mệt mỏi, gây them ăn, dễ ngủ, tiêu phù.

Xem thêm: Bạn muốn cây sung ra quả chổ nào? II Kinh nghiệm chăm sóc và kích thích cây sung ra quả

Comments

  1. Tư Ếch says:

    Bác Nguyễn Văn Hân bổ sung rất hay!

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG