Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 1

Đây là loạt bài của tác giả Walter Pall đăng trên tạp chí “Bonsai Today” (Mỹ) số 104, năm 2006, được dịch giả Vũ Hưng, một người Việt Nam yêu Bonsai dịch lại, được đăng trên nhiều website và diễn đàn cây cảnh ở Việt Nam. Thiết nghĩ đây là một tư liệu cần lưu giữ cho lớp trẻ, cũng như cảm tạ tấm chân tình của tác giả và dịch giả, AgriMark chia sẽ lại cho các bạn yêu cây cảnh cùng tham khảo và chiêm nghiệm vậy.

PHẦN 1

Khoảng 1985, Âu châu, nước Nam phi và nước Mỹ đã bắt đầu khá phát triển về thú chơi bonsai. Thế nhưng bên Anh quốc , họ bắt đầu nhàm chán với những kiểu dáng cứng nhắc theo lối người Nhật. Từ đó,  người nước Anh đưa ra khẩu hiệu: làm cây bonsai theo kiểu mọc của cây ở Anh quốc. Kế đến, những người chơi bonsai ở các nước khu vực Âu châu, nước Nam phi và Mỹ cũng bắt đầu cổ vũ phong cách: làm cây bonsai theo kiểu mọc ở nước mình, chứ không phải cứ theo kiểu Nhật bản mới là bonsai (như nhiều người ở Việt Nam mình bây giờ vẫn hiểu: cây bonsai là phải như thế này, phải như thế kia mới đúng !(hệt như có một cái khuôn vậy ).

Một trong những người nổi tiếng thế giới hiện nay về bonsai là Walter Pall. Anh này là người Đức nhưng gốc từ Áo. Anh ta là người đề xướng phong cách tự nhiên trong kiến tạo bonsai (The naturalistic bonsai).

Bắt đầu từ năm 2000, với mức phát triển của computer và internet, ý niệm về phong cách tự nhiên trong kiến tạo bonsai được thảo luận rộng. Mới nghe thì có vẻ như mọi người dễ dàng chấp nhận. Nhưng thực ra ý niệm đúng đắn thì có lẽ không mấy người nắm rõ. Thế là Walter Pall đã viết vài bài (đăng trên các tạp chí bonsai ở Âu châu. Tạp chí “Bonsai Today “(Mỹ) số 104 , năm 2006 có đăng lại bài này ).

Ý của Walter Pall là thế này ( chữ tôi dưới đây là Walter Pall) :

“Tôi cũng chả phải là người sáng tạo ra cái phong cách tự nhiên đâu. Chả là tôi quan sát thấy quá nhiểu cây bonsai trông rât giống “cây bonsai” chứ chả giống cây cối mọc ngoài thiên nhiên. Tôi thấy mấy người chơi bonsai có khuynh hướng cứ cố uốn éo thật chi tiết cây của họ đến độ loại bỏ hết những gì hết sức tự nhiên của cây . Thành thử cuối cùng ra cây bonsai của họ giống như cây nhựa (plastic), thấy nó chả thật tí nào .

“Vậy thì ý niệm “phong cách tự nhiên” là gì ? Chỉ là đúc kết từ câu nói của ông John Naka :” Đừng có ráng uốn éo cắt tỉa cho cái cây của bạn thành một cây bonsai, nhưng hãy làm sao cho cái cây bonsai của bạn trông giống cái cây mọc ngoài thiên nhiên”. Chỉ có đơn giản vậy thôi.

“Ai trong chúng ta chơi bonsai mà chả học lấy một ít quy tắc kiến tạo cây bonsai. Thế nhưng phong cách tự nhiên lại có vẻ như đi ngược lại với một số quy tắc kiến tạo bonsai . Nên chi, dưới mắt mấy người mới học chơi bonsai sẽ thấy “cây bonsai theo phong cách tự nhiên” có nhiều điều sai quy tắc và hẳn nhiên với người nào “khuôn vàng thước ngọc” căn bản bonsai thì chắc chắn là cho cây “bonsai phong cách tự nhiên ” điểm “zero” vì vi phạm quá nhiều “lỗi lớn” trong quy tắc.

“Khác biệt giữa cây ngoài thiên nhiên và cây “bonsai tiêu chuẩn” là chỗ nào? Cây ngoài thiên nhiên đâu có vòm lá hình tam giác đâu ? Trừ vài thứ cây lúc còn non như: Vân sam (Spruce), Lạc diệp tùng (Larch), Cù tùng (Redwood). Cây ngoài thiên nhiên đâu có cành nằm ngang khi nó già đâu ? Có chăng là mấy cây tùng bách thì cành có oằn xuống, còn mấy cây lá bản thì mọc chĩa lên, rồi sau đó cũng trĩu xuống. Cây ngoài thiên nhiên cũng chả có những khoảng trống đều đặn giữa các tàn lá. Dĩ nhiên là chúng cũng có một vài khoảng trống đâu đó cho chim chóc bay ra bay vô được. Mà cây ngoài thiên nhiên cũng chả phải có cành thứ nhất là cành to nhất, tức là không phải cành to nhất nằm ở vị trí thấp nhất. Đây cũng chi là kể sơ sơ vài điều khác biệt giữa cây thật ngoài thiên nhiên và cây người ta cắt tỉa thành bonsai.

“Tiêu chuẩn bonsai được coi như mức lý tưởng, đây thực sự là điều trừu tượng, điều do con người nghĩ và đặt ra quy tắc. Trong khi đó, cây bonsai phong cách tự nhiên là một cây có thật, nhưng nó cũng chả phải là 100% giống như thiệt. Luôn luôn là phải có một ít tưởng tượng vào đó.
Tuy nhiên mức tưởng tượng này không quá đà như nhiều cây bonsai được kiến tạo trong thời buổi này. Tức là thời buổi mà người ta: tỉa tót đến độ vòm lá tròn đều, mặt tàn lá bằng rang, khiến cây nhìn chả thật chút nào. Nghĩa là bạn mà đứng ngắm cây bonsai loại này là thấy ngay rẳng cây có bàn tay người uốn nắn cắt tỉa từng chi tiết. Phong cách tự nhiên trong bonsai hoàn ngược lại với cách uốn éo, cắt tỉa quá đà này.

“Nhiều người nghĩ họ hiểu được phong cách tự nhiên là gì, và họ để mặc cho thiên nhiên “kiến tạo” cây phôi trong chậu thành cây bonsai. Họ nghĩ đơn giản là : phong cách tự nhiên là để cây mọc “tự do”, tuy rằng cũng có giúp uốn chỗ này chỗ nọ tí chút .Không phải vậy!
“Phong cách tự nhiên ” có nghĩa là : khi cây thành phẩm được ngắm, không ai thấy được có chút bàn tay người nào đụng vào cây. Trông cứ như là nó mọc “tự nhiên” như vậy.

“Phong cách tự nhiên” trong bonsai không kể gì đến “các kỹ thuật bạn dùng” cho cây. Bạn muốn dùng cách nào thì dùng, miễn là cuối cùng trông thấy cây mọc như chưa hề có bàn tay người đụng vào là được. Nghĩa là : chỉ cần kết quả, bất kể phương pháp.

” Như phương pháp cắt giật(clip-and-grow) vốn là một phương pháp lâu đời. Nhiều người cho rằng phương pháp này không dùng dây nhôm hay đồng để uốn, nên rõ là một phương pháp rất hợp cho phong cách tự nhiên. Không hẳn là như vậy , tuy rằng có thể dùng cách này cho phong cách tự nhiên. Bạn cứ nhìn mấy hàng rào cây ( như cây Bùm xụm hay cây Hoàng dương). Người ta dùng kéo cắt mỗi hai tuần (để tạo mặt hàng rào phẳng hay vòm tròn hay hình thú trong công viên ) mà trông đám cây có thấy tí ti gì là phong cách tự nhiên đâu.

” Chứ còn bạn ngó vào cây Thông Scot của tôi đây coi ( hình đính kèm ), gần như là 100% các cành lớn nhỏ đều được quấn dây và uốn. Rồi thì qua vài năm, sau khi tháo dây , chả ai còn thấy vết tích gì của việc: các cành đã từng bị quấn dây và do tôi uốn éo. Cây Thông thành phẩm sẽ trông giống như chưa hề có bàn tay người đụng vào. Cũng phải làm cực khổ lắm mới đạt tới mức này chứ chả dễ dàng gì.

“Phong cách tự nhiên ” trong bonsai không phải là kiểu kiến tạo bonsai của người làm biếng. Ngược lại nó còn tốn nhiều công sức hơn kiểu bonsai thông thường. Dầu vậy, tôi vẫn thấy phong cách tự nhiên cho bonsai có nhiều tính hấp dẫn và tạo cho tôi nhiều vui thú hơn là tạo một cây bonsai kiểu thông thường.”

Để có những khái niệm ban đầu cho người mới chơi, mình tạm phân ra 5 phong cách làm cây ở Việt Nam như sau. Mình đã lục đủ mọi diễn đàn nổi tiếng nhưng dường như ngay cái tên dòng cây cũng chưa thống nhất. Cho nên đừng bắt bẻ mình về những thông tin dưới đây:

  1. Kiểng cổ (cây thế): Một loại hình văn hóa dân gian, phản ánh nhân sinh quan của con người đương thời. Có 2 trường phái nhị diện và tứ diện. Quy luật của kiểng cổ rất nghiêm ngặt. Những thế kiểng cổ đã có lâu đời như “tam cương ngũ thường”, “tam tòng tứ đức” thì có nhiều cây đẹp và giá trị. Những thế cây mà theo người viết là học của người Tàu như “tiều phu quải tử”, “phượng vũ”, “long thăng” v.v thì ít thấy.
  2. Cây cảnh nghệ thuật (bonsai): Dòng cây này vẫn tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt, nhưng không được hình tượng hóa thành rồng hay phượng gì cả. Cây chỉ cố gắng chắt lọc lại những nét đẹp của tự nhiên phù hợp với một vài quy luật được định trước.
  3. Bonsai theo phong cách tự nhiên: Dòng cây này cố gắng mô tả y xì đúc một cây đại thụ tự nhiên, tiêu chí hàng đầu là “xóa hết mọi dấu vết của bàn tay con người”. Những lỗi lớn như cành âm, cành dưới nhỏ hơn cành trên v.v đều không tính đến. Đây là dòng cây nghe tưởng dễ ăn nhưng thực ra là khó, cần có kiến thức sâu rộng về cây cổ thụ thực tế làm mới đẹp. Ở Việt Nam chỉ mới có số ít nghệ nhân tiên phong làm loại này vài năm gần đây.
  4. Cây cảnh cỡ lớn: Những cây 2 người không bê được tạm xếp vào loại cây cảnh cỡ lớn. Dù có nhiều tác phẩm đình đám như “Mâm xôi con gà”, “Ngai vàng”, “Bảo kiếm truyền kỳ” v.v nhưng dường như chưa có một hệ thống lý luận chặt chẽ cho loại cây này.
  5. Tiểu cảnh-non bộ: Tiểu cảnh là cảnh nhỏ, có cây, có đá, có nước để mô phỏng một bờ sông, một triền núi v.v Non bộ là tác phẩm mô phỏng một quả núi hoàn chỉnh mà cây và núi có tỷ lệ giống như thật.

Vậy loại cây nào là hay? Theo mình loại nào cũng hay, cứ bạn thích là hay! Nếu gò bó theo một kiểu duy nhất chắc là nghệ thuật cây cảnh sẽ nhàm chán lắm.


Nói là nói vậy, chứ bạn đã thấy cái gì hữu ích chưa? Chắc là chưa, vì Việt Nam có Thông Scots đâu mà làm. Nhưng seri bài này dự kiến có 3 phần, hi vọng bạn sẽ thấy điều gì đó thực tế hơn ở những phần sau.

(còn tiếp)

Xem thêm: Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 2 II Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 3

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG