Cuối năm 2014, sau ngày tốt nghiệp, nhiều bạn bè cùng lớp của Tạ Quang Thiên (24 tuổi, ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) loay hoay tìm việc làm khắp các tỉnh thành. Riêng Thiên quyết định về quê mở trang trại chăn nuôi heo trong sự băn khoăn của nhiều người. Ngay cả ba mẹ Thiên cũng lo lắng trước sự lựa chọn này. Thiên chia sẻ: “Khi đang học, mình cũng nghĩ ra trường sẽ đi làm ở các công ty về chăn nuôi như các bạn, các anh chị khóa trước. Nhưng sau nhiều lần đi tham quan thực tế trang trại chăn nuôi ở một số tỉnh thành, đặc biệt là lần đi đến H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, thấy một số người thành công với trại heo, mình đã thay đổi suy nghĩ và lên kế hoạch làm một trang trại cho riêng mình sau khi ra trường. Mình nghĩ mình đủ khả năng để biến kế hoạch này thành hiện thực, vì quê mình đất không thiếu, kiến thức về chăn nuôi mình cũng có. Ban đầu ít vốn thì mình làm nhỏ. Sau đó làm cuốn chiếu từng phần để hoàn thiện”.
Dám nghĩ dám làm, với số vốn ít ỏi vay mượn từ gia đình và bạn bè, Thiên đầu tư mở một trang trại heo trên mảnh đất rộng 600 m2. Trại heo của Thiên được chia làm nhiều dãy, mỗi dãy có nhiều ô. Dãy nuôi heo nái sinh sản chuyên cung cấp heo giống cho trại. Những ô chuồng khác được Thiên nuôi thành nhiều lứa, từ heo giống mới tách đàn đến heo thịt chuẩn bị xuất chuồng. Để thực hiện mô hình chăn nuôi heo khép kín, chủ động con giống và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả ngay từ đầu, Thiên áp dụng công nghệ lồng heo bầu, heo đẻ, lồng cai sữa, xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, góp phần đem lại hiệu quả cao trong quá trình chăn nuôi.
Từ 20 con heo nái ban đầu, Thiên phát triển lên gần 40 heo nái cùng 200 heo thịt. Theo quy trình, heo nuôi đến 5 tháng sẽ đạt trọng lượng 1 tạ và xuất chuồng. Bình quân mỗi tháng, trang trại xuất chuồng 3 – 4 tấn heo thịt. Với giá tiêu thụ hiện nay, trừ tiền giống, chi phí chăn nuôi thì lãi từ 20 – 30 triệu đồng/tháng.
“Trong chăn nuôi heo, quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, đừng để bệnh rồi mới chữa. Làm cái gì ban đầu cũng khó khăn, mình cũng vậy, nhưng khắc phục dần, để tiết kiệm chi phí mình phải xắn quần áo làm tất tần tật. Ngoài ra, làm ăn thì phải uy tín, chất lượng thì sản phẩm mới được đón nhận và mình mới tồn tại được”, Thiên chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Nam, Bí thư Đảng ủy xã Phong Sơn, cho biết hiện tại trên địa bàn xã có rất nhiều người chăn nuôi heo nhưng đa phần nuôi nhỏ lẻ, cách nuôi truyền thống. Trang trại của Tạ Quang Thiên là một trong những mô hình chăn nuôi tiêu biểu của xã. Thiên vốn học chăn nuôi – thú y nên trại heo của Thiên khá quy mô, cơ sở hạ tầng cũng như quy cách chăn nuôi khá hiện đại, trở thành nơi cung cấp heo thương phẩm uy tín được nhiều thương lái tin cậy. Trang trại cũng là địa chỉ cho bà con có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.
Ngoài gia đình, hiện trang trại của Thiên còn có sự giúp đỡ của Trần Văn Long Đại (quê ở xã Điền Lộc, H.Phong Điền), bạn học cùng lớp chăn nuôi – thú y với Thiên. Đại cho biết: “Khi Thiên mở trại heo, không ít người cho rằng ba mẹ nuôi ăn học bao nhiêu năm chừ về nuôi heo thì thật phí. Nuôi heo cần gì đi học. Nhưng gần 2 năm xây dựng cơ ngơi, trại heo của Thiên ngày càng phát triển và cho thu nhập tốt. Rồi những mùa dịch, heo trong trại của Thiên vẫn khỏe mạnh, không ảnh hưởng, từ đó nhiều người đã thay đổi suy nghĩ”. |
Tuyết Khoa (Thanh Niên)
Xem thêm: Nguyễn Duy Linh, nhà sáng chế máy rửa ly ‘made in Việt Nam’ II Làm giàu từ giống mía Khòn Khèn 3
Speak Your Mind