Chơi với đại bàng

Đại bàng được cho là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực. Từ đó, giới trẻ ưa thích mạo hiểm, cảm giác mạnh ở thành phố tìm nuôi loài chim chuyên ăn thịt này. Ngoài việc nuôi và chăm sóc, huấn luyện đại bàng cũng dần được coi là một môn “thể thao” tạo được sức hút với nhiều người.

Trên một số diễn đàn mạng Internet, nhiều người nói muốn sở hữu đại bàng phải bỏ ra số tiền rất lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng hiện nay, theo tìm hiểu của người viết, giá trị thực tế của chúng không như vậy, nó rẻ hơn rất nhiều.

Chim không quá mắc để nuôi

Theo anh Long, người nuôi đại bàng ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM, vừa qua, anh có mua một con đại bàng tám tháng tuổi của một người quen ở quận Tân Phú giá 3,5 triệu đồng. Và, giá của chim còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như sức khỏe, màu sắc, độ dài của móng và mỏ, cũng như giống đực hay cái. Nếu con cái, giá chỉ bằng 2/3 giá con đực. Theo anh Long, đây là con đại bàng đầu nâu, có nguồn gốc ở vùng sa mạc bên châu Phi. Đặc điểm của loài đại bàng này là móng vuốt và mỏ dài, sắc như dao nhọn và có khả năng sát thương rất lớn. Trọng lượng của nó hiện nay vào khoảng 2,1 kg và sải cánh chừng 0,8 m. Nếu ở độ 2,5-3 tuổi thì trọng lượng có thể đạt tới 4-4,5 kg và sải cánh dài đến 1,2 m. Tuy nhiên, đại bàng nuôi hiện nay đều được nuôi từ bé nên chúng không có khả năng săn mồi, vì vậy, người nuôi phải huấn luyện để khơi dậy khả năng của loài thú hoang dã này. Đây là công việc kỳ công, cần luyện tập hàng ngày, chỉ những ai thực sự yêu thích và quan tâm đến loài chim này mới có thể huấn luyện được chúng. Thế nên, khi nuôi đại bàng, người nuôi phải có thêm một số dụng cụ hỗ trợ như bao da để huấn luyện hay hệ thống dây, nơi trú ngụ cho chim. Nếu muốn thả chim bay tự do vào bầu trời, người nuôi, sau khi huấn luyện thuần thục để chim có thể quay về, còn phải dùng hệ thống con chip phát tín hiệu để hỗ trợ. Tuy nhiên, hầu hết người nuôi chim ở Việt Nam chưa sử dụng và quan tâm đến loại dụng cụ này.

Nhiều bạn trẻ thích thú với đại bàng.

Nhiều bạn trẻ thích thú với đại bàng.

Anh Long kể: “Người nào nuôi đại bàng cũng phải thực sự yêu thích và kiên nhẫn vì loài chim này rất khó tính và khó thuần phục”. Hơn nữa, thức ăn của đại bàng cũng… phức tạp bởi chúng thích ăn các loại thức ăn tươi sống như chuột, gà con, chim cút, chim sẻ… Mặc dù nuôi thuần dưỡng, đại bàng vẫn ăn các loại khác như thịt heo, thịt bò xắt miếng nhưng trên thực tế, chúng rất dễ mắc bệnh ở miệng và đường ruột khi ăn những loại thịt này. Theo đó, mỗi ngày chúng phải ăn hai bữa, sáng và chiều với khối lượng khoảng 0,3-0,45 kg thức ăn, chi phí chừng 20.000 đồng/ngày. Khi ăn, tốt nhất là để đại bàng ở một khoảng không gian đủ rộng và thả mồi sống ra để chúng tự tìm tới bắt. Khi đó, chim sẽ được kích thích bản năng săn mồi và bữa ăn của chúng có… ý nghĩa hơn. Nếu thịt nguội (động vật chết), chim sẽ ăn ít, uể oải và chỉ khi nào thực sự đói, chúng mới ăn.

Ngoài ra, khi đại bàng mắc bệnh sẽ rất khó chữa bởi ở thành phố hiện nay chưa có nơi nào nhận chữa trị riêng biệt cho đại bàng. Người nuôi phải tự mày mò, nghiên cứu cũng như tìm hiểu kinh nghiệm để chăm sóc, chữa trị cho đại bàng.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, chim đại bàng nằm trong danh mục các loài động vật hoang dã, thuộc nhóm những độc vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, tất cả các hành vi buôn bán, nuôi nhốt, vận chuyển chim đại bàng nếu không có giấy tờ hợp lệ đều sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Đại bàng chủ yếu để làm cảnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù thú nuôi và chăm sóc đại bàng đã có từ khá lâu trên thế giới nhưng tại Việt Nam, chúng chỉ mới xuất hiện trong khoảng một vài năm trở lại đây. Ngoài những bạn trẻ ưa thích phong cách hoang dã và dũng mãnh của đại bàng, những người nuôi khác thường phục vụ mục đích kinh doanh. Đó có thể là các chủ quán ăn, quán cà phê… nuôi đại bàng để trưng bày một loài chim vẫn còn nhiều bí ẩn và ít được phổ biến ở nước ta. Theo anh Hạnh, chủ một quán cà phê ở huyện Hóc Môn, TPHCM, anh có nuôi một con thuộc giống đại bàng ưng cách đây hơn một năm để phục vụ khách tới uống cà phê nhìn ngắm. Chú đại bàng này anh mua của một người bạn ở huyện Củ Chi với giá 4,2 triệu đồng. Mặc dù là loài động vật nổi tiếng hoang dã và hung dữ nhưng “đại bàng khi nuôi lâu, chúng cũng khá hiền và thuần tính, như nhiều loài chim rừng khác”, anh Hạnh nói.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, chim đại bàng là loài động vật thuộc Sách Đỏ cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chúng sống tự nhiên ở Tây Nguyên và khu vực đảo Phú Quốc (Kiên Giang), thuộc giống đại bàng đen và đại bàng bụng trắng. Mặc dù tất cả những hành vi săn bắt, tàng trữ cũng như buôn bán, nuôi nhốt các giống đại bàng này đều trái pháp luật, nhưng theo những người nuôi đại bàng, hầu hết họ mua đều là chim nhập cảnh từ Úc, Indonesia…; không phải đại bàng ở Việt Nam và lại có giấy phép nhập khẩu rõ ràng nên hoàn toàn hợp pháp. Những người có cùng sở thích nuôi đại bàng hiện nay còn lập ra những câu lạc bộ chim đại bàng để những dịp cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, mọi người cùng tập trung trao đổi kinh nghiệm nuôi, thức ăn và kỹ thuật chăm sóc chim.

Trên địa bàn TPHCM hiện nay có một số địa điểm bán chim đại bàng như ở đường 3 tháng 2 (quận 10), đường Bình Long, đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú) hay tỉnh lộ 15 (huyện Củ Chi)… Người mua cần tìm hiểu kỹ lưỡng về mặt giấy tờ pháp lý của chim trước khi quyết định sở hữu loài chim độc đáo này.

(Báo Saigon tiếp thị)

Xem thêm: Bài học kinh nghiệm từ 7 nguyên tắc sống của đại bàng

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418 - 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
(Website đang trong giai đoạn Cập Nhật Hoàn Thiện)
EMG