Vườn Huế và phong cách chơi cây cảnh xứ Huế

Nuôi cây – tạo dáng – thưởng ngoạn – uống trà, là thú vui có từ lâu đời của người Việt ở 3 miền Nam – Trung – Bắc. Nếu như miệt Nam kỳ lục tỉnh có Kiểng Cổ Nam Bộ thì đất Thăng Long có Cây Thế Cổ Truyền. Xứ Huế miền Trung chịu ảnh hưởng sâu sắc của lối chơi 2 miền, nhưng hơi lệch theo phong cách của Nam bộ với “Tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức, phu thê, phu tử, phụ tử,….”  Bên cạnh đó, do đặc điểm về văn hóa, lịch sử và nhiều hoàn cảnh khác nhau, Huế tìm ra được nét khác biệt trong phong cách chơi cây là Cổ – Kỳ – Nhã – Ý (lâu năm – kỳ quái – nhã nhặn – ý sâu trong mỗi cây), đặc biệt là thể hiện rõ ở 2 yếu tố nhã và ý. Tính nhã trong phong cách chơi cây của người Huế là cách tạo dáng tao nhã, nét nhẹ nhàng uyển chuyển, không gò bó, đôi khi còn thấy có chút chất thơ trong đó.

Cây kiểng ở Huế vẫn có nhiều điểm riêng so với nhiều vùng khác trong cả nước. Chẳng hạn như mai Huế hoa nở có màu vàng đậm, hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Cánh hoa phần nhiều chỉ 5 cánh, theo thế ngũ phúc: phúc, lộc, thọ, khang, ninh. Lá tự rụng trước khi nở. Hoặc như cây sanh Huế có lá nhỏ và láng. Đặc biệt, ở Huế còn có cây mai ngự. Đây là loại mai trước đây chỉ trồng trong hoàng thành Huế. Đặc điểm của mai ngự là lá dài hình răng cưa; mỗi năm ra hoa 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Hoa có sắc màu vàng đậm, hương thơm, nụ to thể hiện sức sống mãnh liệt. Hiện nay, giống mai này đang được lưu giữ tại Trung tâm công viên cây xanh Huế.

Hoàng mai ở Huế có 5 cánh, hương thơm thoang thoảng

Ở Huế còn có một loại cây mà một thời dân Huế rất ưa chuộng như một triết lý nhân sinh, đó là cây địa lan. Đặc điểm của hoa này chỉ nở 1 lần 1 hoa; hoa này sắp tàn thì hoa kia nở, như 1 mẹ 1 con vậy. Hoa có màu xám tro rất đẹp. Xưa, các cụ thường ngồi uống nước trà bên địa lan, thường lấy tay vuốt lá, làm cho lá hoa thêm đen bóng. Loài hoa này hiện còn trồng ở nhà bác Vĩnh Ký đường Trần Hưng Đạo, TP Huế.

Huế là thành phố vườn

Theo điều tra gần đây Huế có khoảng 7000 nhà vườn, nhưng những nhà vườn có giá trị cao cần bảo vệ chỉ còn trên 800 và có giá trị nhất chỉ còn 150. Có rất nhiều khu vườn ở Huế không phải là nơi sản xuất cây trái mà là nơi để chủ nhân thể hiện các tư duy về triết học, mỹ học. Vườn Huế là những bài thơ đầy triết lý của người cố đô.

Phần lớn diện tích Thành phố Huế là vườn, có ít nhất bốn kiểu vườn.

Vườn chùa là loại hình xuất hiện sớm nhất. Đây là một không gian tâm linh đặc trưng trong đời sống văn hoá đậm nét Phật giáo ở Huế.

Vườn ngự:  là dạng hoa viên trong hoàng cung và các lăng tẩm, dành cho vua và hậu cung thưởng ngoạn cả khi còn sống lẫn sau khi đã khuất.

Kiểu thứ ba là vườn phủ đệ. Được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đây là hoa viên trong dinh thự của quan lại và quý tộc triều đình Huế, tập trung chủ yếu dọc hai bờ sông Hương, nhất là ở Kim Long và Vĩ Dạ. Đây là những khu vườn có diện tích lớn, có vườn rộng từ 2 đến 3 ngàn mét vuông. Có những khu vườn quy mô và kiến trúc như một tiểu hoàng cung. Vườn phủ đệ là các công trình nghệ thuật được tạo tác nhằm phục vụ thú tao nhã của cácmệ , có ảnh hưởng sâu đậm đến phong cách các khu vườn khác cũng như phong cách Huế.

Cuối cùng là vườn dân : đây là loại vườn phổ biến ở Huế. Đặc tính của vườn dân khá đa dạng, một số có dáng dấp phảng phất vườn phủ đệ; số khác là vườn tạp phản ánh khát vọng gần gũi với thiên nhiên; số còn lại là những vườn kinh tế, chủ yếu là: cây ăn quả, hoa hoặc rau thực phẩm.

Để bảo vệ nhà vườn Huế, mới đây tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án chính sách hỗ trợ tài chính về bảo tồn nhà vườn Huế giai đoạn 2015 – 2020 thay thế cho chính sách cũ vừa được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua. Người dân sở hữu nhà vườn khi tham gia đề án này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính với mức cao nhất là 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1, không quá 500 triệu đồng nhà vườn loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3… Ngoài ra, chủ nhà vườn còn được hỗ trợ 100% lãi suất vay trùng tu nhà vườn, mức vay được hỗ trợ lãi suất cao nhất là 500 triệu đồng/nhà vườn. Ðề án bảo vệ nhà vườn và chính sách mới ban hành là một nỗ lực rất lớn của tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm phát triển đô thị bền vững cũng như bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa độc đáo và vô giá trên mảnh đất Cố đô.

Xem thêm: Đi Kéo Ghế ll Mai trong bài kệ của Mãn Giác Thiền sư ll Tản mạn về Cây Kim Quýt ll Thủ thuật cắt giật để tạo một tác phẩm bonsai ll Kinh nghiệm tạo bộ đế dài – kỳ quái cho bonsai

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG