Cây mai trong Võ cổ truyền dân tộc Việt

Mai là một loài cây có thân mộc, đời sống lâu dài có thể trên trăm năm, thân sù sì, cành uốn khúc, nhánh ẻo lả, nở hoa vào dịp tết âm lịch, hoa màu vàng tươi và tỏa hương thơm thoang thoảng rất dễ làm cho người ta ưa thích, nhất là hoa mai ta (không phải mai hồng diệp, thanh mai, bạch mai). Chính vì vậy, cây mai có một vị trí rất đặc biệt, được đề cao nhất, nhì trong nghệ thuật chơi cây cảnh, bonsai cũng như trong thơ ca, hội họa.

Nói đến mai là nói đến sức chịu đựng bền bĩ. Trước cái rét buốt kéo dài suốt ba tháng mùa đông, mai trụi hết lá, chỉ còn trơ cành nhưng không chết mà còn tự thích nghi, lấy môi trường nghiệt ngã, giá rét làm lò tinh luyện để sản sinh ra những nụ hoa xanh biếc, những đóa hoa tươi thắm, điểm tô đất trời vàng rực, thơm lừng cho một mùa xuân mới:

Tuy vẻ ngoài không có gì liên quan, thế nhưng hình ảnh cây Mai lại đại diện cho những điều cao quý của Võ thuật.

Mai hoa hương tự khổ hàn lai
Bửu kiếm phong tùng ma lệ xuất
(Hương hoa mai tỏa ra từ cái giá rét mà có
Gió kiếm quí phát ra do năng mài mà ra)

Nói đến hoa mai cũng là nói đến niềm hy vọng, lạc quan, sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng, là niềm động viên cho những con người gặp hoàn cảnh nghiệt ngã, khó khăn tưởng chừng như bế tắc:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước nở cành mai – thơ của Mãn Giác thiền sư)

Video clip: Biểu diễn Mai Hoa Quyền

Có lẽ do nét đẹp về hình thể, màu sắc; sức chịu đựng bền bĩ lâu dài và phẩm chất cao quí đầy lạc quan, hy vọng ấy mà cây hoa mai còn được ông bà chúng ta đưa vào võ cổ truyền dân tộc.

Việc người xưa mô phỏng các thao tác lao động của con người; các hành vi xuất hiện của thần nhân, tiên ông, phật bà; các tư thế chiến đấu của các loài cầm thú (hổ, dê, rắn, trâu, rùa, gà chọi…); các linh vật (rồng, lân, phụng hoàng…), các hiện tượng thiên nhiên (mây bay, nước chảy, mưa rơi, cuồng phong, sấm sét…), sự lay động của thực vật và sự tàn, nở của loài hoa để xây dựng thành các động tác công, thủ, phản, biến, tránh né, hụp, lặn khi sáng tạo một bài quyền là việc thường xảy ra. Tuy nhiên, điều đặc biệt là hình ảnh cây mai và hoa mai được người xưa dành phần ưu tiên để sáng tác những bài quyền có nhiều đường nét hoa mĩ, nhu nhuyễn và chứa đựng nhiều thế võ “tuyệt chiêu” vừa đẹp vừa tinh túy. Lời thiệu (là bài văn mô tả động tác) của những bài quyền về cây hoa mai cũng thường là những bài thơ hợp vận và chứa nhiều ẩn dụ có quan niệm nhân sinh sâu sắc.

Nói đến Võ cổ truyền dân tộc, có câu ca truyền đời là: “Thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản”. Lão Mai (cây mai già) và Ngọc Trản (chiếc chén ngọc) là hai bài danh quyền, ai học Võ Ta, võ cổ truyền dân tộc cũng đều biết.
Lão Mai quyền có nhiều động tác phong phú, đa dạng. Khi giáp mặt với đối thủ, chân trụ tấn vững chắc, tay khấu quyền chặc chẽ như cây mai già đứng trước gió đông (thế võ trong câu thiệu “Lão mai độc thọ nhất chi vinh”) hoặc như con khỉ già lui về thủ thế ( thế võ trong câu thiệu “Tấn nhất đoản thối hồi lão khởi”). Khi thi triển xuất chiêu có lúc nhẹ nhàng như bướm lượn (thế “Hồ điệp song phi”), có lúc mạnh mẽ như long hổ tranh hùng (các thế võ trong những câu thiệu “Tàng nha hổ giương oai thiết trảo, triển giác long tất lực lôi oanh). Khi phát thế dụ địch có lúc thư thả, tự tại như ông già ngồi chống gậy (trong thế võ “Lão hồi thối tọa”) hoặc như mây bay, hoa tàn (trong thế “Vân tôn tam tảo” và “Liên ba biến”), có lúc nhanh nhẹn, chớp nhoáng như sấm sét (trong thế “Lôi điển chấn”) hoặc như rắn mổ, cọp vồ (trong thế “Hổ xà thành”).

Ngoài bài Lão Mai quyền còn có nhiều bài quyền tay không khác và những bài quyền có sử dụng vũ khí mang tên cây mai cũng được người xưa sáng tác từ sự mô phỏng các tư thế thân cây mai già sừng sững, cành mai uốn khúc quanh co, hoa mai nhẹ rung trước gió, cánh mai bay lượn dập dờn như: Mai Hoa ngũ lộ quyền, Mai hoa kiếm pháp…
Có những bài võ cổ truyền không mô phỏng các động tác của cây mai, chỉ mượn cái dáng tao nhã, cái chất cao quí, cái sức bền bĩ của loài mai mà vẫn được đặt tên là bài quyền cây mai như:

 “Mai ba kiếm” (tư liệu võ Quảng Nam) được xây dựng động tác theo dáng chim hạc đậu cây tùng (hạc lập cô tùng), tiên ông chỉ ngón tay (tiên ông chỉ động), ngư ông câu trăng (ngư ông điếu nguyệt), rắn lìa hang (bạch xà thoát huyệt), hổ ra khỏi núi (hắc hổ ly sơn), gió thổi lá rụng (cuồng phong tróc diệp)…

“Mai ba đao” (tư liệu võ Quảng Nam) có các hình tượng như hổ lên núi (hắc hổ đăng sơn), phượng hoàng vươn cánh (phụng hoàng đơn triển giựt), dâng đao Phật Tổ (hiến Phật tổ đề đao hiệp chưởng)…

“Mai hoa quyền” (tư liệu võ Bình Định) có các hình tượng như Phật tọa thiền nhập định (Như lai nhập định, Quan âm tọa thiền)…

Tóm lại, hình ảnh cây mai và hoa mai luôn được sử dụng khi đặt tên cho một bài võ, một thế võ có vị trí đặc biệt trong hàng mấy trăm bài võ cổ truyền do người xưa để lại càng góp phần minh thị tính nhân văn sâu sắc của di sản võ cổ truyền dân tộc.

Hãy suy ngẫm về hai câu thơ tuyệt diệu trong lời thiệu của bài “Long Hổ quyền” là bài võ trấn môn của võ đường Hồ Tấn ở Quảng Nam:

“Thế thời thối thủ nhị linh,
Lão mai sanh nhất chi vinh lạ lùng”

Võ sư Trần Xuân Mẫn

Xem thêm: Kinh nghiệm về vấn đề tưới nước cho cây mai vàng ll 12 kẻ thù truyền kiếp của cây Mai Vàng ll Kinh nghiệm nghệ nhân về cây Mai Vàng

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG