Các thế núi của Non Bộ và kinh nghiệm tạo dựng Hòn Non Bộ đẹp

Non bộ là nghệ thuật tạo dựng, sắp đặt, thu nhỏ, những ngọn núi to lớn ngoài tự nhiên vào trong khay, trong vườn để phục vụ cho việc thưởng ngoạn. Non bộ là một thú chơi của không chỉ của người Việt mà còn là của nhiều dân tộc trên thế giới. Trong nghệ thuật vườn cảnh Á Đông, người Nhật có bonkei, còn người Trung Hoa có penjing. Cả hai là “bồn cảnh” (chữ Nho: 盆景) tương tự như cách chơi Non bộ ở Việt Nam, nhưng riêng người Việt chú trọng phát triển kết hợp chặt chẽ thành phần nước, còn người Nhật và Hoa lại chú trọng đến yếu tố cây xanh.

Lịch sử Nghệ thuật Non Bộ tại Việt Nam

Theo Đại Việt sử ký thì tháng 6 năm Ất Dậu (985) vua Lê Đại Hành, nhân lễ sinh nhật vua người ta đắp quả núi giả trên chiếc bè giữa sông để vua quan đi thuyền chung quanh thưởng ngoạn.

Sách chữ Nho Phương danh bị khảo thì nhắc đến trong dân gian cũng chơi “bồn trì” và “giả sơn” tức là “bể cạn” và “non bộ”. Vậy thì rất có thể cái thú vương giả này đã từ trong cung đình truyền ra tứ dân rồi ngày càng phổ biến.

1. Các bước tiến hành khi chế tác hòn non bộ:

– Vẽ phác thảo: Muốn làm một hòn non bộ, trước hết ta cũng nên cẩn thận lấy giấy, viết ra vẽ một phác thảo. Có thể dùng đá làm mô hình giả dưới đất để từ đó mà rút ra được những ý kiến mới mẻ trước khi làm chính thức.

– Chuẩn bị  vật liệu: Vật liệu chính để làm non bộ là đá; (loại đá thích hợp nhất là đá San hô), xi măng, cát, sắt,  đây là những loại vật liệu để xây, kết nối các khối đá lại với nhau hay xây hồ, bể cạn.

– Đồ trang trí phụ: Muốn hòn non bộ đẹp và có hồn, phải bổ sung những đồ trang trí như: chùa, nhà, chim, thú, ngư, tiều, canh, mục và kể cả cây cảnh.

– Cây trồng trên non bộ: Cây trồng trên non bộ phải nhỏ nhắn, nhưng phải có dáng cổ thụ, chịu hạn, dễ bám vào đá.  Một số cây hay dùng như: cần thăng, sung, kim quít, đinh lăng lá nhỏ, sanh, si, bồ đề, thạch tùng, vạn niên tùng( tùng La Hán), dương xỉ son liễu, ngâu, khế, ngũ trảo, bùm sụm, trầu bà, tóc tiên, thủy trúc v.v….

– Đồ nghề: Muốn hòn non bộ đẹp, phải có cưa, đục, rũa, búa để gọt, đẽo v.v… cho các hòn đá đẹp và vừa theo đúng  ý mình.

2. Cách bố cục của hòn non bộ

Non bộ là một tác phẩm nghệ thuật , nên cũng  như thơ văn và nhạc, họa, sáng tác phải có bố cục vững vàng. Bố cục của non bộ chịu ảnh hưởng của luật không gian ba chiều của hội họa như: cao thấp, xa gần, trên dưới… Quả núi được chia ra làm 3 phần rõ rệt:

– Ngọn núi: Ngọn núi còn gọi là chóp núi, hay đỉnh núi. Đây là phần cao nhất của quả núi. Ngọn núi nếu nhọn là núi trẻ, và tròn đầu là núi già. Thường thì non bộ người ta chơi núi trẻ nên ngọn núi vút thẳng lên tượng trưng cho trời. Trời thì ở vị trí cao nhất, nên nếu trên chót đỉnh có cây là sai nguyên tắc.

– Sườn núi: Sườn núi nằm vào khoảng giữa của quả núi. Đây là phần lớn nhất và quan trọng nhất, giá trị của quả núi đẹp xấu ra sao tùy vào sự bài trí của phần này. Sườn núi tượng trưng cho người. Sườn núi thường có gềnh, thác, hang động, khe rãnh, và những gì liên quan đến sự sống của động và thực vật.

Chân núi: Chân núi là phần nền của quả núi, tính từ phần nền nổi trên mặt nước, xuống phần đá ngầm, và phần đế của quả núi. Chân núi tưựong trưng cho đất, nên vừa vững chắc, vừa phì nhiêu, tùy vào đó mà tạo sông, suối, ao, hồ, có ruộng, vườn, có sự sống của con người và muông thú.

Chú ý rằng vị trí núi phải đặt cho hợp lý để giữ sự cân đối, phải “đồng thanh, đồng thủ” mới đẹp mắt. Diện tích núi không được chiếm quá hai phần ba mặt hồ.

*Thế núi của non bộ 

1. Ngọn độc phong 

Chỉ có một ngọn núi đơn độc, không có núi phụ (núi khách) cận kề, cũng không có đồi, gò chung quanh chân núi. Thế núi đơn độc, tất nhiên phải cao và hiểm trở.. Ngọn độc phong đơn độc, nhưng ngạo nghễ, như kẻ anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, không hề biết kiêng sợ một ai v.v….

2. Ngọn song phong

Thế song phong là thế núi có hai ngọn núi trong bồn hay bể cạn. Một núi cao và một núi thấp, vị trí nằm ngang hàng nhau. Nếu hai ngọn núi đều cao vút lên trời thì gọi là song phong, còn nếu ngọn của núi cao hơn nghiêng về bên núi thấp thì nó mang tên khác là PHU THÊ hay PHỤ TỬ.

3. Ngọn đa phong

Thế đa phong là thế núi có trên hai ngọn, như ba hoặc bốn ngọn… nối tiếp nhau tạo thành thế trường sơn. Những ngọn này cao thấp khác nhau, tạo nên nhiều tầng, nhiều lớp cao thấp. Tuy nhiên phải có một núi chủ, đặt ở vị trí nào cũng được.

4. Ngọn kỳ phong

Thế núi này đứng biệt lập ra một nơi, cách xa những núi nhỏ khác. Thế núi không những cao lớn dị thường, và cón nên vẻ kỳ bí gây sự tò mò cho người thưởng ngoạn. Ngọn kỳ phong có thế núi chớn chở, ngọn cao vút tận mây, so với những ngọn núi gần đó thì chiều cao và chiều rộng cách xa một trời một vực. Thế núi này thường được đặt trong một góc vườn hay sân rộng mới đúng vị thế của nó.

5. Ngọn cương lĩnh

Thế núi cương lĩnh là thế núi thấp, ngọn bằng, đây là thế núi già, chung quanh có nhiều đồi trọc. Trong thế núi này chúng ta kiến tạo được nhiều sông suối, ao hồ, đường mòn khúc khửu quanh co, tạo thành được nhiều cảnh trí vừa lạ, vừa đẹp.

 6. Ngọn long thăng

Thế núi Long Thăng có hình dáng con rồng đang trỗi dậy bay lên. Thế núi hiểm trở, sườn nghiêng và ngọn dốc lên cao, tượng trưng cho sự vươn mình trỗi dậy, không chịu khuất phục, đầu hàng nghịch cảnh. Khó khăn đến mấy cũng cố vươn lên, cất đầu lên cho bằng được.

7. Ngọn lập chương

Thế núi vừa cao vừa rộng nhìn xa như một bức bình phong chớn chở, vách núi dựng đứng, có thể bằng phẳng trơn tuột mà cũng có thể đá dựng đứng chớn chở như gươm, gây nên sự hiểm trở vô lường. Vách núi như vậy thật hiểm gọi là Huyền Nhai.

8. Ngọn kỳ nham.

Thế núi kỳ lạ, ngọn có dạng hình thù đặc biệt như một tàng cây, một hình thù của người hay vật. Như kiểu núi Voi Phục, núi Mẹ Bồng con vv….Dạng núi này đưa vào hòn non bộ thường không được đẹp, trừ trường hợp có những tảng đá có sẵn hình thù quái dị đặt vào thì lại khác. Nếu không thì phải có bàn tay khéo léo của con người, chịu khó gọt đẽo, mài giũa tinh vi từng đường nét vv..

Kinh nghiệm tạo dựng một Hòn Non Bộ Đẹp

Nhưng dù lớn dù nhỏ, non bộ phải đảm bảo được nét hài hòa tự nhiên hệt như thiên nhiên thu nhỏ. Công việc đầu tiên khi thiết kế non bộ, bạn phải phân đá ra từng nhóm: loại thẳng, dài; loại có hình thù đa dạng; loại đá non, đá già… Sự phân loại này rất có lợi cho bạn khi tạo dáng hòn núi sắp dựng.

Dựng một non bộ cần phải theo những quy luật của tự nhiên và theo cả những quy luật về nhân sinh quan. Đá không thể xếp tùy tiện. Dù hòn núi có nhiều lớp nhưng cũng không nên xếp những khe, những rãnh theo chiều ngang, đó là điều tối kỵ. Bởi vì hòn tự nhiên sở dĩ có khe là do từ năm này qua năm khác , nước mưa tạo nét xói mòn, núi trong thiên nhiên bao giờ có những khe, rãnh nằm dọc, vậy nên ta chớ đặt chúng nằm ngang. Nhìn vào một hòn núi cảnh, ít nhiều người ta biết được tuổi tác, tâm tư người tạo đá. Người già thích núi bằng ngọn, trái lại người trẻ lại ưa những ngọn núi vút cao. Những ngọn núi “ông già” như đang trầm tư suy nghĩ về sự đời, về năm tháng đã trôi qua của đời người. Còn những ngọn núi nhọn vút lên đúng là thiên hướng của người trẻ, thích bay nhảy, hướng lên cái vô cùng. Một núi cảnh, có khi chỉ có một ngọn chính và vài ba núi phụ làm nền. Người ta gửi gắm tâm sự vào những hòn núi đó! Một ngọn núi tượng trưng cho một người đàn ông bao giờ cũng thẳng, xù xì, cao lên trên. Hòn núi tượng trưng cho người đàn bà dứt khoát phải có những đường cong, ít đường thẳng. Núi “chị em” là hai khối đá cong vào nhau, dáng như hai người đàn bà sắp chụm đầu. Núi bạn hữu là hai ngọn núi vút lên bên nhau, biểu hiện tình bạn luôn thẳng thắn, cao thượng…

Người tạo dáng núi cảnh thường thực hiện theo tỷ lệ: chân núi rộng bao nhiêu thì thân núi mức độ nào là vừa, chiều cao cũng không phải vô cùng, nó phải hài hòa trong một quần thể. Khi chọn dáng núi, đừng quên tính quy luật vật lý, núi nghiêng phải nghĩ đến đối trọng. Núi dựng cùng một loại đá thì hướng của các hòn dá phải giống nhau. Đó là quy luật của tự nhiên. Núi phải cheo leo, hiểm trở, có nhiều chỗ “hẫng”  ở phía dưới mới đẹp, mới tạo cảm giác hùng vĩ, nên thơ và như thật. Chọn đá thích hợp đã đành, bạn còn phải giải quyết tốt đối trọng, những lực giằng đỡ những hòn đá “hẫng”. Xi măng ít quá sẽ không bền vũng, nhiều quá chưa chắc dã tốt mà còn kém mỹ thuật. Nhiều nghệ nhân đắp núi có những thủ thuật riêng, họ khoan sâu vào đá, rồi dùng cốt thé và xi măng cố định một đầu tạo thành móc, móc này lại được đưa vào lỗ khoan của hòn đá khác đã được chọn, dùng xi măng gắn lại. Việc làm này rất công phu, không phải một ngày là xong. Làm kiểu này đôi khi sắt hoặc xi măng lộ ra, các nghệ nhân dùng các cây thích hợp trồng vào cho tự nhiên, nhưng là để che những chỗ thô. Dựng những ngọn núi trên to dưới nhỏ, nếu không có cốt thép gắn chặt với bệ, núi rất dễ đổ. Núi có hang, có động mới đẹp. Dựng hang động là cả một kỳ công. Nó phải tự nhiên và bền vững.

Khi dựng núi, người ta thường chọn dá già vì ít bị gió mưa xâm thực nữa, Nếu bạn để cho nhưng đá bọt, đá non gắn kết với đá già, thì nguy cơ núi sập là rất nhiều, tùy phải nhiều năm mới xảy ra. Đá non bị phân hủy, sẽ làm kết cấu của núi bị vỡ.

Tuy nhiên, đối với núi dựng bằng đá già, trồng cây vào núi rất khó, cây rất dễ chết. Các nghệ nhân có kinh nghiệm thường trồng cây vào những hòn đá từ trước. Khi dựng núi, người ta gắn những hòn đá ấy vào chỗ thích hợp, cây mới sống được. Kỳ công hơn, có người trồng cây trên bệ núi, đến khi dựng núi thì cho cành lên lỏi giữa các khe, các lỗ để có cành ở thân núi, đỉnh núi.

Để trồng cây trên đá, người ta phải kiếm các loại đá non, đá bọt về đục lỗ ở trong mà trồng. Ngoài ra còn có loại đá có những mạch nhỏ bên trong, mắt ta không thấy được (gọi là đá tự thấm nước), người ta đục lỗ mà trồng vào. Nhưng trồng thế nào là ùy, xin đừng quên là trồng cây ở chân núi thì không được cao hơn núi.

Hiện nay, non bộ đã trở thành mặt hàng được chú ý, đã có nhiều người, nhiều cơ sở chuyên khai thác, buôn bán đá nguyên liệu. Đã có người phất lên từ dịch vụ dựng non bộ. Một hòn đá cảnh mang lại nhiều niềm vui cho bạn . bạn sẽ thấy cuộc sống phong phú hơn và sẽ bớt cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên.

(ST)

Xem thêm: Triết lý âm dương của non bộ và những điều cấm kỵ cần tránh ll Chiêm ngưỡng nét độc đáo của 2 trường phái sân vườn Á Đông ll Vườn Huế và phong cách chơi cây cảnh xứ Huế ll 28 kinh nghiệm quý về “nghề” chơi cây cảnh

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG