Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 3

Đây là loạt bài của tác giả Walter Pall đăng trên tạp chí “Bonsai Today” (Mỹ) số 104, năm 2006, được dịch giả Vũ Hưng, một người Việt Nam yêu Bonsai dịch lại, được đăng trên nhiều website và diễn đàn cây cảnh ở Việt Nam. Thiết nghĩ đây là một tư liệu cần lưu giữ cho lớp trẻ, cũng như cảm tạ tấm chân tình của tác giả và dịch giả, AgriMark chia sẽ lại cho các bạn yêu cây cảnh cùng tham khảo và chiêm nghiệm vậy.

PHẦN 3

Chủng loại cây dùng để làm theo phong cách tự nhiên

Một câu hỏi “nhức nhối” đối với những người tiên phong chơi phong cách tự nhiên ở Việt Nam: “Cây chơi phong cách tự nhiên có cần mô phỏng một cây cùng chủng loại trong tự nhiên? Nếu có thì cây mai chiếu thủy ngoài tự nhiên toàn cây dạng bụi, chẳng có cây cổ thụ, ta biết mô phỏng thế nào đây?” Điều này có lẽ xuất phát từ bài viết của ông Walter Pall trong phần 2, không biết vô tình hay hữu ý ông ấy dùng cây thông Scot để mô phỏng một cây thông Scot thật. Thế là bà con Việt Nam ta suy luận: cây thông Scot dáng nó vốn thanh mảnh, nên PHẢI dùng nó để mô phỏng một cây thông Scot thật ngoài tự nhiên, mô phỏng cây thông đen là hỏng.
Thật ra không cần nghiêm túc đến như vậy. Ví dụ ngắm nhìn một cây khác cũng của Walter Pall, bạn thấy nó đẹp không? Vậy bạn có biết nó là cây gì không? Đa phần sẽ bảo nó đẹp dù chả biết nó là cây gì sất. Thực ra đó là một cây thích (maple) nhưng nhìn nó mình dễ dàng liên tưởng tới một cây sanh cổ thụ với bệ rễ vững vàng, tán lá xum xuê, vậy là mình thấy nó đẹp thôi. 

cây thích của walter pall

Việc tìm hiểu giống loài và đặc điểm sinh lý của cây để tạo hình sao cho cây đẹp và sống khỏe là việc của chúng ta, chứ đừng đẩy trách nhiệm đó cho người thưởng ngoạn. Ví dụ:

  1. Ta có thể dùng một cây mai chiếu thủy để mô phỏng một cây sấu bên hồ Gươm, không sao cả bởi chúng đều là cây lá rộng có cách phát triển cành nhánh tương tự nhau.
  2. Ta không nên dùng một cây sanh để làm theo dáng cây thông, bởi chúng có cách phát triển cành nhánh hoàn toàn khác nhau.

khác biệt về cách mọc cành giữa cây lá bản và cây lá kim

Khác biệt về cách mọc cành giữ cây lá kim và lá bản

Tóm lại, xin hãy bỏ ngay quan niệm cây nào thì phải làm theo dáng của cây đó trong tự nhiên. Đừng bắt người xem phải học hết 100 giống loài cây rồi mới được bình luận cây của bạn. Hãy tự vắt óc mà chắt lọc vẻ đẹp của 100 cây trong tự nhiên để đưa vào tác phẩm của bạn, để rồi khi ngắm cây người thưởng ngoạn liên tưởng tới một cây đại thụ “nào đó” trong tiềm thức của họ, thế là bạn thành công.


Những niêm luật trong phong cách tự nhiên

Ai mới học bonsai mà chẳng sưu tầm cho mình một ít quy tắc, niêm luật. Phong cách tự nhiên không hề bác bỏ những nguyên tắc đó. Nhưng truyền thống của người Nhật là “thầy bảo sao, trò cứ thế mà làm, miễn hỏi” nên những cây của họ tuân thủ nguyên tắc một cách tuyệt đối. Kết quả là cây bài có thể được làm rất kỳ công, nhưng có rất ít sự sáng tạo trong đó, do nó bị “kìm kẹp” bởi những nguyên tắc.

Cây làm theo phong cách tự nhiên chỉ tuân theo một nguyên tắc duy nhất, đó là uốn éo cắt tỉa như thế đã phù hợp với đặc tính sinh lý của cây chưa. Mỗi cây có một cách phát cành khác nhau, có cách mọc lá ngóc lên hay rũ xuống khác nhau, bạn uốn khác đi nó bỏ cành là hỏng.

Để minh chứng cho việc cần am hiểu sinh lý của cây thì mới làm cây đẹp được thì mình xin kể sơ lược quá trình làm cây liễu rũ (Salix babylonica) mất 18 năm ròng của anh Simon Temblett. Chả là cây liễu rũ phát triển như vũ bão khi trồng ngoài đất, nhưng cứ đánh lên chậu là nó ì ra không lớn. Suốt từ năm 1989 tới 2005, tác giả thử đủ cách từ ngâm cây vào chậu nước, uốn cành bằng dây kẽm, thay đất trồng Akadama, bón phân v.v nhưng cây vẫn bị chết phần ngọn cành. Cuối cùng, tác giả áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt và treo vật nặng và ngọn cành sao cho cành vẫn có thể đung đưa theo gió thì cây phát rất mạnh. 

cây liễu rũ của Simon Temblett

Cây liễu rũ của Simon Temblett

Tuy vậy không phải rằng phong cách tự nhiên là một thể loại dễ ăn, “cứ làm thế đi không sao đâu”. Những cây theo phong cách tự nhiên mang trong nó những nguyên tắc tiềm ẩn rất chặt chẽ. Chỉ cần một cọng cỏ mọc ngược hướng là mất dáng gió đùa, chỉ vài chiếc lá to quá khổ là cũng mất vẻ tự nhiên ngay.


Cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên

Làm cây mà không nhìn ngắm thiên nhiên để học hỏi, chỉ căn cứ vào mấy quy tắc cơ bản uốn cành cong qua cong lại thì cũng giống như thầy bói xem voi mà thôi. Bạn xem, mấy ông nổi tiếng như Robert Steven hayWalter Pall họ đi du lịch rất nhiều, chụp hình rất nhiều.
Cách để cảm nhận là hãy quên hết mớ lý thuyết đi, tự mình đứng dưới gốc cây và nhìn ngắm nó, bạn sẽ tự khám phá ra những điều lý thú. (Nếu không có điều kiện thì ngắm cây qua ảnh cũng được, nhưng cảm xúc sẽ bị giảm đi rất nhiều)

Trước đây mình có dự định viết 1 bài về cách làm cây phong cách tự nhiên ở Việt Nam, nhưng suy đi tính lại thấy quá khó so với khả năng nên để nghiên cứu thêm vài năm nữa cho trình độ cao hơn rồi viết! Chỉ có 2 điều rất đúng với bản thân mà mình muốn chia sẻ với bạn:

  1. Làm cây nào thì tốt nhất là đến tận nơi mà ngắm cây đó, bạn sẽ có những cảm xúc mà “không bút nào tả xiết” giống như nghe nhạc vậy.
  2. Những cây dễ tạo cảm xúc cho người xem là những cây thân thuộc trên chính đất nước ta như cây sấu ven hồ Gươm, cây da ở công viên Thủ Lệ, cây Chò ngàn năm v.v Còn cây thông Scot tuy nó cũng đẹp đấy nhưng không tạo cảm giác thân quen với người Việt mình.

Thế mục đích cuối cùng cần đạt đến là gì? Có 3 chuyện cần làm:

  1. Khiến cho người xem liên tưởng tới một cây có thực ngoài thiên nhiên.
  2. Xóa mọi dấu vết tác động của con người.
  3. Bố trí tất cả mọi chi tiết sao cho thật hợp lý.

Một vài chi tiết phá hỏng tính tự nhiên của tác phẩm

Ví dụ 1:
Cây thanh hao (sa tùng, tên khoa học là Baeckea frutescens) này mình chụp ở triển lãm cây Ninh Bình đợt hè 2014 vừa rồi. Cây của bác Hùng xiếc ở Hà Nội. Lần đầu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh mảnh của sa tùng, mình thực sự rất ấn tượng. Nhưng sẽ còn tuyệt hơn nữa nếu như:

  • Cái chậu màu xanh bóng loáng rõ ràng là không hợp với vẻ cổ lão của cây. Tuổi chậu cần phải tương đồng với tuổi cây, nhìn sao cho giống như cây đã mọc trong chậu tự thuở nào rồi. Theo mình chậu ovan làm bằng đất nung màu nâu đỏ hoặc màu nâu đen có điểm thêm vài chấm trắng nhạt sẽ hợp với cây này (lúc ra hoa).
  • Tán lá hình vòm được cắt tỉa bằng chằn chặn như cắt tóc không phù hợp với phong cách tự nhiên. Tuy vậy nếu xét từ tiêu chuẩn bonsai thì vẫn ổn.
  • Túi phân bón đặt trên mặt chậu thì rõ ràng là không ổn rồi!

cây sa tùng của bác hùng xiếc

Ví dụ 2:
Bạn có thấy cây đỗ quyên dưới đây đẹp không? Hoa đầy kín, xinh như một nàng công chúa. Nhưng nếu bê nguyên cây thế này đi triển lãm thì sao? Chắc chắn bị loại. Tại sao vậy? Vì có ít nhất 2 điểm gây mất tự nhiên ở đây:

  • Sợi dây cố định gốc trồi lên khỏi mặt đất.
  • Đất rõ ràng mới được thay, còn mới tinh. Nên trồng ít cỏ lún phún hoặc phủ rêu lên bề mặt. Mà phủ rêu cũng có mẹo nhé, để rêu cố định trong chậu được chắc chắn thì nên bẻ sợi dây đồng mỏng hình chữ U và ghim mảng rêu chắc chắn vào trong đất (nhớ giấu phần dây đồng bên trên ở trong rêu). Tại vì ở Việt Nam khi đi triển lãm mà rêu rời rông rổng, thổi nhẹ cái là bay thì sẽ bị loại.

cây đỗ quyên

Ví dụ 3:
Cây này của tác giả Nguyễn Quang Phú quận Gò Vấp. Tên tác phẩm là “cuồng phong”, cái tên đủ nói lên rằng tác phẩm mô phỏng cảnh gió rất dữ. Riêng phần cây thì mình rất thích, cây già nua khắc khổ, gốc rễ vững vàng, cành oằn mình trong gió dữ. Nhưng trong cảnh gió dữ này có đôi điều chưa hợp lý rất dễ nhận ra:

  • Gió dữ vậy mà có 2 ông cụ ngồi ung dung đánh cờ, quả là cao nhân ngoại thế, khác thường.
  • Con cò trắng tha thẩn kiếm ăn trong khung cảnh này cũng không hợp.
  • Lùm cỏ xanh mướt cũng không hợp với cảnh này, nếu có trồng cỏ cũng phải làm sao cho cỏ cũng oằn mình trong gió mới tài.

tác phẩm cuồng phong đạt giải bạc hội hoa xuân năm 2011 của tác giả nguyễn quang phú

Ví dụ 4:
Cũng vẫn tác phẩm “cuồng phong” ở hội hoa xuân Tao Đàn năm 2012, lúc này đã có một diện mạo mới. Rõ ràng là nhìn đẹp hơn rất nhiều, núi non trùng điệp rất hợp với điều kiện gió thổi miết theo một hướng bào mòn cả đá. Cây cũng đẹp hơn hẳn: phần lá bên dưới được tỉa lại làm lộ xương tăng vẻ già nua. Điều này rất hợp lý vì những lá bên dưới không nhận được ánh sáng sẽ dần bị đào thải. Tuy nhiên theo mình vẫn có một chi tiết không hợp lý ở đây, đó là cái cây con ở bên trái tác phẩm (mình khoanh vòng tròn đen):

  • Gió mạnh tới mức bào mòn cả núi mà cây vẫn mọc ngược gió thì chưa hợp lý lắm, mặc dù trong tự nhiên vẫn có những vùng gió xoáy làm cây bị xô theo các hướng khác nhau. Cái cây đó phá vỡ hoàn toàn tính thống nhất của tác phẩm.
  • Cây con còn bị che sáng bởi cây to.

tác phẩm cuồng phong của nguyễn quang phú
Đối với cả 2 ví dụ 3 & 4, nên trồng rêu thưa ở phía gió thổi với hàm ý gió mạnh quá bào mòn cả đất, cây nhỏ (rêu) không mọc nổi.

Ví dụ 5:
Đây là một cây 2 thân của Graham Potter. Tác giả mô tả một cái cây già cóc đế, mối mọt sương gió đục khoét thân tòe loe nhưng lại đặt trong một mảnh đất phì nhiêu cỏ cây tươi tốt. Bản thân cái cây cũng có tán lá tươi tốt mọi bề khiến chẳng thể tìm thấy ảnh hưởng của 2 cái bọng thân to uỵch ở chỗ nào cả. Nên chăng những cây lũa, bọng nhiều thế này được đặt trong khung cảnh xác xơ hơn 1 chút, tàn lá tiêu điều hơn 1 chút chắc là sẽ đẹp hơn nữa. (Mình bình luận thế thôi, đồng ý hay không tùy bạn. Nhưng được sở hữu cái cây này là ước mơ của đời mình đó, mình không phải kẻ ngạo mạn đụng đâu chê đó đâu nhé ^^)

cây privet 2 thân của graham potter

Cây Privet 2 thân của Graham Potter

Những điều gây mất tự nhiên thật còn rất nhiều, mình cũng chưa biết hết và vẫn đang còn học hỏi. Chỉ hy vọng bài này gợi cho bạn chút cảm hứng tìm tòi học hỏi mà thôi.

Xem thêm: Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 2 II Bàn về phong cách tự nhiên trong tạo tác Bonsai – Phần 1

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418 - 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
(Website đang trong giai đoạn Cập Nhật Hoàn Thiện)
EMG